17/08/2016 - 21:30

Nguồn nhân lực y tế ĐBSCL:
Bài toán khó giải?

Không chỉ thiếu hụt nhân lực y tế ở ĐBSCL, các cơ sở y tế còn đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám", khó tuyển người vào học các ngành hiếm… Đây là vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu phân tích tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2016 do Trường Đại học Y dược (ĐHYD) Cần Thơ và Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ (TNB) tổ chức ngày 15-8-2016.

* "Điệp khúc" thiếu

Thực hiện Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030", Trường ĐHYD Cần Thơ đã phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ để đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu địa phương. Từ đó góp phần tăng tỷ lệ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) /vạn dân. Tính đến năm 2015, tỷ lệ BS và DS/ vạn dân vùng ĐBSCL là 6,35 BS và 1,39 DS/ 1 vạn dân. Tuy nhiên, số BS, DS vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; nhất là còn thiếu ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đang khám cho bệnh nhân bị bệnh lao đa kháng thuốc. Ảnh: Đ.LÝ

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường ĐHYD Cần Thơ, cho biết: Qua khảo sát của trường tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, có 152 bác sĩ đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm (giải phẫu bệnh, lao, phong, pháp y, tâm thần), nhưng đến năm 2020 có trên 50% số bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu. Toàn vùng có 13 trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y. Vùng có 8 bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ có từ 1 - 5 bác sĩ; trong đó tỉnh Kiên Giang không có BS chuyên ngành lao và 5 tỉnh không có BS chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ khoa ung bướu của bệnh viện tỉnh. Theo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, năm 2017, tỉnh đưa vào hoạt động hai bệnh viện chuyên khoa lao và tâm thần, nhưng nhân lực cho hai bệnh viện này không đáp ứng. Chẳng hạn, bệnh viện tâm thần có qui mô 80 giường, cần 20 bác sĩ nhưng tỉnh hiện chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa tâm thần và năm tới, 1 trong 2 bác sĩ này sẽ nghỉ hưu. Tương tự, tuy là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng theo bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, ngành hiện vẫn còn thiếu y BS đa khoa, y học cổ truyền, điều dưỡng và các chuyên ngành hiếm.

Từ thực trạng trên, BCĐ TNB và Trường ĐHYD Cần Thơ đã làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế để được giao chỉ tiêu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm. Kết quả, trong 2 năm (2015, 2016), mỗi năm Trường ĐHYD Cần Thơ được giao đào tạo 150 chỉ tiêu ở các chuyên ngành hiếm, phân đều cho các tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, dù lãnh đạo các địa phương, ngành y tế nỗ lực chiêu sinh nhưng rất ít, thậm chí không có người đi học 5 chuyên ngành hiếm này, bởi đó là các chuyên ngành độc hại, khó làm thêm, thu nhập thấp…

ĐBSCL còn xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" từ cơ sở y tế công sang tư; từ xã/ phường sang tỉnh/ thành. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tỉnh có 14 bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư, tạo áp lực lớn cho các bệnh viện công trong thời gian gần đây. Đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang đưa ra thực trạng thu nhập ở bệnh viện công (tính luôn chính sách thu hút nhân lực) chỉ khoảng 8 triệu đồng/ tháng, trong khi làm việc tại bệnh viện tư có mức thu nhập cao hơn rất nhiều. Tỉnh đã có 3 trường hợp sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo để chuyển công tác, khiến lãnh đạo ngành rất đau đầu.

* Giải pháp nào khả thi?

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị, để đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL, cần duy trì đào tạo theo địa chỉ sử dụng, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, hạ điểm chuẩn trúng tuyển đối với các chuyên ngành hiếm; có cơ chế chính sách đặc biệt cho vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn. Theo ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, các chuyên ngành hiếm nên có điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn của ngành bác sĩ đa khoa. Ngoài đồng ý với ý kiến này, bà Cao Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết thêm: Tỉnh đang rất thiếu nhân lực chuyên ngành tâm thần và pháp y. Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh Trà Vinh có chính sách hỗ trợ học phí để khuyến khích thí sinh theo học các chuyên ngành hiếm. Còn theo ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc duy trì đào tạo theo địa chỉ sử dụng là cần thiết và trước mắt giải quyết số lượng về nhân lực y tế vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, ngành y là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên đòi hỏi sự cân nhắc, cẩn trọng trong thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Long An, cho rằng: "Về lâu về dài không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Phải làm sao vừa nâng cao số lượng lẫn chất lượng mới phát triển bền vững hệ thống y tế". Ông Lê Hùng Dũng, Phó trưởng BCĐ TNB, nhấn mạnh, thiếu bác sĩ là câu chuyện bức xúc của vùng nhưng không vì thế mà "thả nổi" chất lượng đào tạo. Ông Lê Hùng Dũng đề nghị các đơn vị phải chú ý đến mặt chất lượng; kế đến quan tâm môi trường, điều kiện làm việc của cán bộ khi về nơi công tác… Với những giải pháp đồng bộ và tổng hợp như thế mới có thể giải quyết căn cơ chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực y tế ĐBSCL.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết