16/12/2014 - 20:49

Thị trường phân bón

Nguồn cung dồi dào, giá ít biến động

Các năm trước, giá nhiều loại phân bón thường tăng mạnh khi nông dân bước vào các vụ sản xuất chính trong năm. Tuy nhiên, bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2014-2015, giá các loại phân bón trên thị trường ít tăng và đang duy trì ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm trước, tạo nhiều thuận lợi cho nông dân bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân.

* Xu hướng giảm giá

Gần đây, nhu cầu sử dụng phân bón tăng khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2014-2015, một số mặt hàng phân bón nhích giá lên, nhưng mức tăng, chỉ từ 1.000-10.000 đồng/bao/50 kg. So với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP, NPK vẫn thấp hơn từ 10.000-30.000 đồng/bao, cá biệt nhiều loại phân Kali giảm tới hơn 100.000 đồng/bao.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, nhiều loại Urê Trung Quốc bán lẻ ở mức 380.000-390.000 đồng/bao. Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) có giá 390.000- 395.000 đồng/bao; Urê Phú Mỹ ở mức 401.000-405.000 đồng/bao; Urê Hóa Nông (loại BO) giá 530.000 đồng/bao, Urê Hóa Nông TE 575.000 đồng/bao.

Giá các loại phân DAP phổ biến từ 540.000- 785.000 đồng/bao. Trong đó, giá cao nhất là ở các loại phân DAP nhập khẩu như: DAP Philippines 785.000 đồng/bao; DAP Nga giá 682.000 đồng/bao; DAP Úc giá 630.000 đồng; DAP Mỹ (loại hạt đen) giá khoảng 615.000 đồng/bao; nhiều loại phân DAP Trung Quốc có giá từ 570.000-600.000 đồng/bao. Trong khi đó, nhiều loại phân DAP nội địa đang có giá "khá mềm" như DAP Đình Vũ (hạt sọc xanh) 545.000 đồng/bao; DAP Đình Vũ (hạt Sọc Đen) 550.000 đồng/bao; Kali (Canada) 400.000-405.000 đồng/bao; Kali Phú Mỹ: 427.000 đồng/bao.

Các loại phân NPK bán trên thị trường cũng khá đa dạng về chủng loại và giá cả. Tuy nhiên, nhìn chung giá các loại phân hỗn hợp NPK đang ở mức tương đối cao so với các loại phân đơn như Urê hay Kali, thậm chí so với nhiều loại phân DAP. Giá bán nhiều loại phân NPK 20-20-15 trên thị trường đang ở mức từ 600.000-775.000 đồng/bao. Đơn cử, NPK 20-20-15 Hóa Nông loại TE có giá 715.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Việt Mỹ 720.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Con Cò Vàng giá 667.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Việt Quang 620.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Nguồn Sinh Thái 600.000 đồng/bao…

Nông dân mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Kim Hùng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Thị trường phân bón ít biến động và có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước là do nguồn cung trong nước đang rất dồi dào và cạnh tranh rất khốc liệt giữa nhiều loại phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu. Gần đây, việc đầu tư nhiều nhà máy sản xuất phân bón, nhất là việc nâng cấp mở rộng và đầu tư xây mới các nhà máy sản xuất phân đạm như: Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc… năng lực sản xuất phân Urê trong nước không chỉ đảm bảo phục vụ sản xuất mà còn có khả năng dư thừa. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đã tăng cường đầu tư phát triển sản xuất và tung ra thị trường ngày càng nhiều các thương hiệu phân bón NPK, DAP, Kali và lân. Tuy nhiên, nhiều loại phân bón nhập khẩu vẫn được các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường nhập vào nước ta do được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi nước ta thực hiện lộ trình giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các đối tác.

* Ngày càng cạnh tranh

Giới kinh doanh phân bón tại TP Cần Thơ nhận định, dù sức mua tới đây tăng cao nhưng giá các loại phân bón khó có khả năng biến động tăng chỉ có thể bình ổn hoặc giảm do nguồn hàng dồi dào và cung có xu hướng vượt cầu. Đặc biệt, hiện các loại phân Urê nhập khẩu với giá rẻ vẫn đang tiếp tục có xu hướng "kéo" mặt bằng giá phân Urê giảm xuống. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tung ra nhiều loại phân DAP, NPK…có giá thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, ngày càng có nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón và vật tư nông nghiệp ra đời, muốn bán được hàng, các cửa hàng bán lẻ cũng phải đưa ra mức giá bán rất sát với thị trường chứ không dám tự ý điều chỉnh tăng giá như trước đây.

Ông Lý Văn Hùng, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Kim Hùng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Với nguồn cung dồi dào và cạnh tranh đã làm cho giá phân bón đang diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Gần đây, khi giá cả ổn định, các cửa hàng bán lẻ phân bón cũng thuận lợi trong việc kinh doanh, không lo thiếu hàng sốt giá vào những lúc cao điểm mùa vụ như những năm trước đây". Bà Nguyễn Kim Tuyết, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Danh, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, phân tích: "Việc thực hiện các FTA, tới đây các loại phân bón nhập khẩu sẽ càng có điều kiện vào nước ta, với giá bán thấp hơn trước, nhà nông sẽ được hưởng lợi. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không kịp thời có những chính sách cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và hậu mãi tốt cho người tiêu dùng".

Thị trường phân bón ngày càng góp mặt nhiều sản phẩm và thương hiệu phân bón nội địa và nhập ngoại đã tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Các cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp thuận lợi khi có nhiều cơ hội lựa chọn trong kinh doanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với nhiều cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng đó là còn thiếu thông tin về các loại phân bón bán trên thị trường, nhất là đối với những sản phẩm mới. Hiện nhiều loại phân bón bán trên thị trường có giá cả chênh lệch với nhau rất lớn, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn lựa chọn các loại phân bón có chất lượng tốt, nhưng giá cả hợp lý. Từ thực tế đó, đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra quản lý chất lượng, giá cả các loại phân bón bán trên thị trường và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không đảm bảo theo tiêu chuẩn đã công bố. Đồng thời, các nhà chuyên môn cần mở rộng tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hiệu quả trên từng vùng đất…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết