19/10/2009 - 21:56

Người "vác tù và" ở phum sóc

Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thới Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), chú Kim Thiên luôn tận tình hướng dẫn bà con dân tộc Khmer trên địa bàn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Nhờ vậy, đời sống bà con nơi đây dần khấm khá, góp phần làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo khó...

* Giúp nhau thoát nghèo

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ có 503 hộ dân, với 2.475 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng thu nhập còn bấp bênh. Năm 2003, chú Kim Thiên được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp. Khi nhận nhiệm vụ, chú luôn trăn trở: Làm gì để giúp người dân có cuộc sống ổn định, phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Vốn xuất thân từ nhà nông, chú hiểu được sự vất vả và cơ cực một nắng hai sương của nông dân khi làm ra được hạt lúa.

Chú Kim Thiên (bìa phải) thường xuyên đến trò chuyện, thăm hỏi bà con nông dân Khmer trong ấp. 

Trong một lần đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở địa phương khác, chú nghe người dân bàn tán nhiều về việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần MêKông Cần Thơ. Thế là, chú lân la, tìm hiểu tường tận về việc ký kết này, rồi sau đó vận động nông dân trong ấp tham gia. Với phương thức kinh doanh rất linh động, công ty cung cấp giống xác nhận, chất lượng cao, hỗ trợ 20% giá, thậm chí, công ty bán thiếu đến mùa vụ mới thanh toán. Ban đầu, có 23 hộ, diện tích khoảng 47 hec ta tham gia ký hợp đồng bao tiêu với công ty. Anh Đào Văn, nông dân ở ấp Thới Hòa B, cho biết: “Từ khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty, đầu ra của sản phẩm ổn định, nông dân không còn bị thương lái chèn ép giá. Công ty mua bằng giá thị trường. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, chúng tôi còn được công ty cho vay vốn, với lãi suất bằng lãi suất ngân hàng. Có được số vốn vay, nông dân có thể mua phân bón, thuốc trừ sâu... phục vụ sản xuất, góp phần hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương”.

Theo thống kê của Chi hội Nông dân ấp, số lượng nông dân tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngày một tăng, tính đến nay, 100% nông dân tham gia. Trong vụ đông xuân năm 2008 - 2009, có 87 hộ tham gia, với diện tích 170 hec ta, sản phẩm giao công ty trên 650 tấn, với giá bao tiêu là 5.000 đồng/kg. Ông Hồ Văn Tranh, Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Diện mạo ở ấp Thới Hòa B đang dần khởi sắc, đời sống bà con Khmer từng bước khấm khá, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Số hộ nghèo giảm nhiều so với trước, hiện còn 85 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Có được chuyển biến này là nhờ sự năng động, tích cực của Chi hội Nông dân ấp Thới Hòa B trong việc vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định đời sống”.

* Chuyển biến từ nhận thức

Qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về sửa đổi lối làm việc, thực hiện tiết kiệm, do địa phương tổ chức, chú Kim Thiên học hỏi được rất nhiều điều ở Bác. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, chú mong muốn cùng chính quyền địa phương làm thế nào để chăm lo đời sống bà con Khmer có cuộc sống ổn định, giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ suy nghĩ trên, Chi hội Nông dân ấp Thới Hòa B có được cách làm hay, tạo được lòng tin trong dân. Chú Kim Thiên cho biết: “Chúng tôi tổ chức, phân công từng thành viên xuống tận hộ dân để nắm bắt tình hình thực tế và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con Khmer. Hội còn lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát động đồng bào hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, đã tạo ra nhận thức sâu sắc cho bản thân và bà con dân tộc Khmer chúng tôi càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay”.

Thời gian qua, Chi hội Nông dân ấp Thới Hòa B đã vận động hội viên giúp nhau làm kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phòng dịch bệnh trong sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm và cây trồng. Phát động bà con thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, nhất là vào những ngày lễ lớn của dân tộc. Không rượu chè say sưa, không cờ bạc, số đề, không làm mất an ninh trật tự ở xóm ấp ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình; không lãng phí thời gian mà phải cố gắng tăng gia sản xuất, lao động nhằm tạo ra của cải, vật chất cho gia đình và xã hội. Chi hội đứng ra bảo lãnh cho Hội viên nghèo vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 42 hội viên, với tổng số tiền là 206 triệu đồng, để sản xuất chăn nuôi và mua bán nhỏ, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như trường hợp của anh Đào Mực (không có ruộng đất). Năm 2007, Chi hội Nông dân đứng ra bảo lãnh cho anh vay được 3 triệu đồng. Có được số vốn này, vợ chồng anh sửa lại chuồng, mua 3 con heo giống về nuôi. Hàng ngày, vợ anh đi lấy thức ăn cặn ở những hàng quán ăn uống trong chợ thị trấn Cờ Đỏ; còn anh Mực đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền, lo trang trải chi tiêu trong nhà. Nhờ chí thú làm ăn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, nên hiện nay anh chị được ngân hàng tái cấp vốn, mở rộng diện tích chăn nuôi. Anh Đào Mực phấn khởi nói: “Chú Kim Thiên không chỉ đứng ra bảo lãnh cho vay vốn mà con tận tình chỉ dẫn vợ chồng tôi kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, gia đình dần khấm khá, vợ chồng tôi sắm được ti vi, xe gắn máy... Những thứ này, trước đây chúng tôi chưa từng dám mơ ước đến”.

Hôm chúng tôi đến nhà, anh Danh Vương cùng vợ con đang tất bật với công việc dọn dẹp nhà cửa. Trong căn nhà nhỏ nhưng đầy ắp với những tiếng nói, tiếng cười rộn rã, anh Vương bộc bạch: “Gia đình tôi có được niềm hạnh phúc này là nhờ chú Kim Thiên, là người đã hàn gắn mâu thuẫn, giúp vợ chồng tôi làm lành, cùng nhau chăm lo, nuôi dạy con cái tốt hơn”. Thấy chúng tôi thắc mắc, vợ anh Vương giải thích: “Trước đây, vợ chồng tôi canh tác được 7 công đất ruộng. Do mùa màng thất bát, anh Vương buồn lo, rồi sanh ra nhậu nhẹt bê tha. Mà hễ mỗi lần rượu vào, thì y như rằng sẽ xảy ra gây gổ, đánh đập vợ, con làm ảnh hưởng đến bà con lối xóm. Biết được sự việc, chú Kim Thiên mời cả hai vợ chồng đến nhà khuyên giải. Chú nhẹ nhàng phân tích cái đúng cái sai, để chúng tôi hiểu, nhìn nhận khuyết điểm và quyết tâm xây dựng gia đình hạnh phúc...”.

Nhận xét về chú Kim Thiên, ông Hồ Văn Tranh, Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Đối với gia đình, chú Kim Thiên luôn dành sự quan tâm chăm lo sản xuất, tiết kiệm trong tiêu xài, sinh hoạt; sắp xếp cho vợ, con có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Còn đối với xã hội, chú luôn quan tâm, giúp đỡ bà con chòm xóm, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; từ đó, luôn được bà con tín nhiệm, yêu mến. Những phong trào do địa phương phát động, chú Kim Thiên đều gương mẫu tham gia và tích cực vận động người dân thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu đề ra”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết