30/04/2010 - 20:47

Người “Trưởng khu vực của chúng tôi”

Ông Hồng Lợi Đắt (bìa trái) tham gia sắp xếp việc buôn bán ở chợ Tân An.

Ngày hai buổi, vào đầu giờ, trước khi đến Nhà thông tin khu vực làm việc, ông Hồng Lợi Đắt, Trưởng khu vực 3, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, rảo một vòng qua chợ Tân An - thuộc địa bàn phụ trách. Ông được tiểu thương chợ Tân An và nhân dân khu vực 3 quý mến gọi là “chú Tịch, Trưởng khu vực” hay “Trưởng khu vực của chúng tôi”...

* Người Trưởng khu vực thân thương của bà con

Ông Hồng Lợi Đắt, bà con nơi đây quen gọi ông với tên thường dùng là “chú Tịch, Trưởng khu vực”, làm Trưởng khu vực 3 đã 12 năm. Vào độ tuổi lục tuần, nhưng ông Đắt vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn sống lạc quan, môi luôn nở nụ cười...

Buổi sáng, tại Nhà thông tin khu vực, hai người phụ nữ đến tìm ông Đắt: Một người đi chợ và một tiểu thương. Người mua hàng trình bày: bà mua 1kg cá - mà thấy cá ít quá nên hỏi lại thì bà bán cá “cự quyết liệt”. Ông Đắt mang cây cân ra kiểm tra lại thì quả thật 1kg cá mà chỉ hơn 800 gam. Quay sang người bán cá, ông nói: “Chị về chợ lấy cá bù chị này cho đủ rồi tranh thủ qua gặp tôi chút xíu”. Một lát sau, người bán cá khép nép qua Nhà thông tin. Ông mời bà ngồi, điềm tĩnh phân giải: “Sao chị lại làm vậy? Mình làm vậy trước tiên là mất uy tín của mình, lần sau đâu ai dám lại mua nữa. Hơn nữa sẽ làm cho tình hình trật tự ở chợ không tốt, ảnh hưởng đến mọi người. Thôi, mai mốt chị đừng làm vậy nữa nhe”. Người phụ nữ im lặng, hứa với ông Đắt sẽ không làm vậy nữa...

Đó là một trong những chuyện thường ngày ở Nhà thông tin khu vực. 12 năm qua ở khu vực 3, bà con hễ có gì không hài lòng lại nhờ ông Đắt phân xử. Lúc nào ông cũng giải thích có lý, có tình với thái độ ôn hòa, giọng nói hiền từ. Phần nhiều mọi xích mích đưa đến đều được ông dàn hòa êm đẹp. Bà con ở đây nói rằng: người Trưởng khu vực của mình luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của bà con, chăm lo cho các mặt phong trào... Bà Vi Anh Kiệt, Phó chủ tịch phường Tân An, giới thiệu: “Ông Đắt làm Trưởng khu vực lâu nay, ông là đầu tàu vận động bà con thực hiện các phong trào, chỉ tiêu của địa phương, trực tiếp tham gia việc xóm việc làng, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn nếp sống văn hóa...”. Chính quyền phường và bà con còn giới thiệu: Ông Đắt là người có công rất lớn trong việc cảm hóa các đối tượng nghiện ma túy, tội phạm và thanh thiếu niên hư hỏng trên địa bàn...

Chúng tôi có dịp theo chân ông Đắt đi một vòng khu vực. Gặp ông Đắt từ xa là ai cũng chào hỏi niềm nở, trìu mến. Ông Đắt thì hỏi thăm công việc làm ăn, sức khỏe, con cái... của bà con. Thân thiện, chân tình và trách nhiệm là những đặc điểm cơ bản “chú Tịch, Trưởng khu vực” đã nâng cao lòng tin của người dân, góp phần gầy dựng nên nếp sống văn hóa ở khu vực 3.

* Một cán bộ cơ sở cần mẫn và tận tâm

Khu vực 3 gồm một phần của các đường Châu Văn Liêm, Phan Đình Phùng, trục đường chính là một phần đường Hai Bà Trưng. Người qua lại, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn hằng ngày rất nhiều. Đặc biệt, chợ Tân An - chợ rau, củ, quả, thực phẩm đầu mối của thành phố nằm gọn trên địa bàn khu vực nên người mua bán rất đông đúc và tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông rất phức tạp: cạnh tranh mua bán, tệ móc túi, cướp giựt, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là chuyện thường ngày. Mỗi ngày sáng, chiều hai buổi, ông Đắt cùng cảnh sát khu vực và lực lượng bảo vệ dân phố rảo qua một vòng, đặc biệt quan tâm đến chợ. Ông tranh thủ nhắc nhở bà con buôn bán đúng vị trí quy định, mua bán trung thực, nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan của khu vực, nhắc người đi chợ cảnh giác, giữ gìn tiền bạc, tư trang cẩn thận. Tuổi đã cao nhưng cứ cách đêm là ông Đắt lại cùng cảnh sát khu vực, công an phường tuần tra các đường, hẻm. Công việc ấy bắt đầu từ hơn 23 giờ và khi ông về đến nhà đã 1, 2 giờ sáng. Ông nói chân tình: “Mình ngủ yên thân mình mà để bà con phập phồng lo sợ trộm cắp sao đành?”.

Ông Đắt vận động bà con hướng thanh thiếu niên trong khu vực đến lối sống tốt đẹp, cảm hóa người lầm lỗi, khuyên bà con không nên kỳ thị và tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng: trường hợp anh T. trước đây nghiện ma túy, sau khi đi cai nghiện về đã được ông Đắt động viên, giới thiệu cho anh học nghề hớt tóc. Ra nghề, ông bố trí cho anh T. một điểm để anh hớt tóc thuê; trường hợp anh V., sau khi đi cai nghiện về được ông Đắt quan tâm giúp đỡ đã từ bỏ hẳn ma túy. Hiện anh đã có gia đình ổn định và đang chạy xe ôm mưu sinh... Những thanh niên trong khu vực hay nói tục chửi thề, tụ tập quậy phá, thường được ông “gặp riêng” (mà theo ông là để giữ thể diện cho các em) rồi phân tích thiệt hơn, góp ý chân thành. Cũng vì vậy không chỉ người lớn mà thanh niên ở đây đều quý mến và kính trọng ông Đắt.

Người dân khu vực 3 đa phần làm nghề buôn bán, đời sống kinh tế tương đối thoải mái. Tuy nhiên, cũng còn không ít gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo. Hiện khu vực còn 17 hộ nghèo. Ông Đắt rất quan tâm giúp đỡ để các hộ này được vay vốn, được sự hỗ trợ từ chính quyền và bà con khu vực, giúp nhiều hộ thoát khỏi cảnh túng ngặt. Phong trào “Hũ gạo tình thương” do chính ông Đắt vận động được nhiều bà con trong khu vực và mạnh thường quân ủng hộ: cuối mỗi tháng, Ban Nhân dân khu vực tổ chức đến từng nhà quyên góp gạo mà bà con đã để dành chia đều cho các gia đình nghèo. Mỗi gia đình khó khăn được nhận trung bình 8kg gạo/tháng. Những hộ có người qua đời mà hoàn cảnh neo đơn, túng thiếu được ông Đắt vận động mạnh thường quân hỗ trợ quan tài, lạc quyên trong bà con lối xóm để giúp đỡ.

Công việc bận rộn là vậy nhưng hễ ngơi tay là ông Đắt lại đến thăm hỏi những gia đình nghèo, tìm hiểu gia cảnh từng hộ. Bà Nguyễn Thị Tuôi đã 88 tuổi sống với con cháu nhưng họ phải đi làm thuê kiếm sống từng ngày, bản thân bà cũng đau bệnh thường xuyên... đã xúc động khi nhắc đến ông Đắt: “Chú Tịch thương tôi lắm. Chú thường tới thăm rồi còn cho tôi tiền, gạo. Tôi mang ơn chú biết bao nhiêu!”...

Cần mẫn lo cho công việc chung, không nề hà khó nhọc, sớm hôm, ông Đắt nói rằng: “Còn làm được gì có ích cho xã hội thì tôi cố gắng hết sức. Mà đã làm thì phải làm cho tốt, để không phụ lòng tin của bà con...”.

* Điểm tựa vững vàng

Nhà của ông Đắt nằm ngay mặt tiền đường Hai Bà Trưng. Ông Đắt thường nói: sở dĩ ông có điều kiện chuyên tâm cho công việc của khu vực là vì chuyện buôn bán đã được vợ và các con ông lo toan.

Ông Đắt là người Hoa, sống từ nhỏ ở khu vực 3, phường Tân An. Ông có 5 người con. Cô con gái lớn đã lập gia đình và có cơ ngơi riêng. Anh con trai thứ hai đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung với cha mẹ. Đại gia đình ấy lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Các con ông luôn được bà con lối xóm yêu mến vì ai cũng chí thú làm ăn và hiền lành, sống chan hòa với lối xóm. Buổi cơm tối, cả gia đình ông Đắt quây quần đông đủ bên nhau, ông tranh thủ hỏi chuyện buôn bán trong ngày, hỏi thăm vợ và các con về việc buôn bán, cậu con trai út đi học có gặp khó khăn gì... Ông Đắt kể rằng: “Từ khi mới có con đến giờ, vợ chồng tôi ít khi nào phải dùng roi vọt để dạy con mà chủ yếu dùng lời dạy bảo. Quan trọng là lối sống của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến con cái”.

Được biết các con ông cũng khuyên ông nên thôi việc để nghỉ ngơi, “dưỡng già”. Bà Trần Khả Trinh - vợ ông Đắt - bộc bạch: “Những lúc thấy ông nhà thức khuya, dầm sương gió tôi rất lo cho sức khỏe và khuyên chồng nên thôi việc, ở nhà với con cháu. Nhưng ông chỉ cười và bảo cả nhà đừng lo vì ông “liệu được sức mình”. Thấy công việc của chồng cũng có ích cho cộng đồng nên tôi cũng an lòng”. Nếp nhà tốt đẹp của gia đình ông Đắt được mọi người khen ngợi và học tập. Gia đình ông Đắt nhiều năm liền đạt “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của phường Tân An.

* * *

Hình ảnh “chú Tịch - Trưởng khu vực” hơn chục năm qua dốc hết tâm sức lo cho mọi người luôn được bà con nơi đây nhắc đến như một yếu tố góp phần làm đẹp thêm nét văn hóa của khu vực 3. Năm 2009, ông Hồng Lợi Đắt được UBND quận Ninh Kiều tặng giấy khen “Gương người tốt, việc tốt tiêu biểu”. Ông cũng được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội các dân tộc thiểu số quận Ninh Kiều vì là người dân tộc Hoa có nhiều đóng góp cho phong trào địa phương.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết