15/07/2020 - 06:08

Người trọn lòng với văn hóa, báo chí Cần Thơ-Hậu Giang 

Đồng chí Đặng Hồng, nguyên Trưởng Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ, vừa vĩnh viễn đi xa. Người đảng viên 70 năm tuổi Đảng, 91 tuổi đời, đã dành trọn cuộc đời mình, bằng cả sự trân trọng và tâm huyết, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, báo chí ở Cần Thơ - Hậu Giang qua các giai đoạn.

Làm báo thời chiến

Đồng chí Đặng Hồng. Ảnh chụp từ bìa sách “Những năm tháng không quên” của ông.

“Địa chí Cần Thơ” ghi sự kiện: cuối năm 1961, trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Cần Thơ thành lập Đội triển lãm lưu động. Đội gồm 4 thành viên, do đồng chí Đặng Hồng làm đội trưởng với trang bị gồm 300 ảnh, đàn violon, đàn acordéon, vải làm phông triển lãm. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng với sự tài ba của đội trưởng Đặng Hồng, Đội triển lãm lưu động tỉnh Cần Thơ đã đi khắp các chiến trường trong tỉnh, làng quê từ vùng ven thị trấn, thị xã, các tuyến chiến lược như kinh xáng Xà No, Bà Đầm, Thác Lác, Phụng Hiệp, Búng Tàu… Mỗi cuộc triển lãm như vậy đều thu hút vài trăm người xem.

“Địa chí Cần Thơ” cũng ghi nhận thêm: sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nhiều cán bộ báo chí chuyên môn đã đi tập kết ra miền Bắc, một số thông tín viên của Báo Cứu quốc Nam Bộ còn lại ở Cần Thơ như các đồng chí Huỳnh Thương, Đặng Hồng, Nguyễn Văn Thường… trở thành lực lượng ban đầu góp phần làm lại các tờ báo bí mật của Đảng ở Cần Thơ cho đến năm 1975. Giữa năm 1961, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định chuyển báo Tranh Đấu thành báo Giải Phóng. Tờ báo này có nhiều cải tiến về nội dung, hình thức, phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ. Đặc biệt, ngoài các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ tại chỗ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy còn cử một số cán bộ biên tập báo Giải Phóng đi dự lớp báo chí ở Trung ương Cục Miền Nam, trong đó có đồng chí Đặng Hồng và đồng chí Quốc Thanh. Năm 1963, đại hội các nhà báo Dân chủ yêu nước miền Nam được tổ chức, đồng chí Đặng Hồng và đồng chí Quốc Thanh là hai đại biểu của tỉnh Cần Thơ tham dự đại hội.

Riêng với đồng chí Đặng Hồng, từ tháng 7-1961 đến tháng 2-1968, đồng chí làm Tổ trưởng Biên tập báo Giải Phóng tỉnh Cần Thơ, Phó Tiểu ban Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ. Từ năm 1968-1974, đồng chí làm Trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí. Một thời gian dài gắn bó với báo chí cách mạng, báo chí thời kháng chiến, đồng chí Đặng Hồng tay súng, tay bút, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến cứu quốc. Xin thuật lại câu chuyện do đồng chí Đặng Hồng kể trong quyển “Những năm tháng không quên”. Đầu những năm 1970, nhà in Giải Phóng chuyển về xây dựng căn cứ ở kinh Năm Hạnh, cách đồn Vàm Xáng chưa đầy cây số. Một căn chòi được dựng lên dưới ngọn trâm bầu, dưới là hầm bí mật. Hầm là nơi chứa máy in, chữ chì, giấy mực... Khi giặc không đánh phá, những thiết bị này sẽ được đem lên mặt đất để hoạt động.

Một đêm cuối tháng 4-1971, trung đoàn biệt động quân của địch đổ xuống sát căn cứ nhà in Giải Phóng. Cán bộ, công nhân nhà in chuẩn bị đối phó với quyết tâm: “Bảo vệ an toàn nhà in vì mất nhà in là mất vũ khí chiến đấu của báo chí và các tài liệu tuyên truyền vận động quần chúng”. Nhưng khổ nỗi, đợt hành quân của địch lần này kéo dài nhiều ngày khiến cán bộ, công nhân nhà in vừa sợ không đảm bảo an toàn cho nhà in vừa lo lắng vì làm sao viết bài vở cho kịp số báo đặc biệt kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ. Vậy là với tư liệu có sẵn trong tay, đồng chí Đặng Hồng cùng đồng đội tranh thủ vừa viết bài, vừa làm ma-két tờ báo, để khi địch rút thì có sẵn bài giao cho nhà in. Vậy là một nhóm người leo lên cây, bẻ nhánh che tum để canh gác, bên dưới, các nhà báo dùng thùng sắt làm bàn, kê để viết. Từ nơi đó đến chỗ địch chỉ cách vài ba trăm thước. Đồng chí Đặng Hồng kể: “Dù đầu óc căng thẳng, ăn uống thất thường, qua mấy ngày vất vả, sức đã đuối, trong tay chúng tôi chỉ có cây viết và trang giấy, với dũng khí của người làm báo cách mạng, đang tạo ra những bài báo, một thứ vũ khí không có âm thanh nhưng vô cùng lợi hại đối với kẻ thù”.

Tới ngày thứ 10, địch rút, đồng chí Đặng Hồng và đồng đội trở lại nhà in thì thấy cảnh tan hoang, phần lớn thiết bị bị địch cướp đưa lên trực thăng chở về Chương Thiện. Không nản lòng, tận dụng những gì còn sót lại, trang bị thêm theo khả năng, các đồng chí quyết tâm cho nhà in hoạt động trở lại. Đồng chí Đặng Hồng hồi tưởng, tối 10-5-1971, khi Đài Phát thanh Sài Gòn đưa tin Nguyễn Văn Thiệu tặng thưởng “Nhành Dương Liễu” cho tên trung sĩ biệt động quân “đã có công phát hiện và phá hủy toàn bộ nhà in của Việt cộng cách Chương Thiện 40 cây số”, thì ở kinh Năm Hạnh, dưới ánh sáng của hai ngọn đèn măng-xông, toàn thể cán bộ, công nhân nhà in Giải phóng cùng Ban Biên tập tờ báo sắp chữ, đưa bài lên khuôn in số báo 8 trang, 2 màu, số đặc biệt kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nặng lòng với văn hóa - văn nghệ

Bên cạnh là một nhà báo cách mạng, đồng chí Đặng Hồng còn là một nghệ sĩ tài hoa, một người nặng lòng với văn hóa - văn nghệ Cần Thơ - Hậu Giang. Ông là tác giả của nhiều kịch bản cải lương nổi tiếng: “Trăng về bến hẹn”, “Ông đại tá về hưu”, “Hát cho tình yêu”… Khi về hưu, tác giả Đặng Hồng chọn viết sách khảo cứu, lịch sử với mong muốn lưu giữ những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau. Các tác phẩm như “Ký ức một thời về Ngã Bảy - Phụng Hiệp”, “Lịch sử Báo chí - Ngành in tỉnh Cần Thơ qua hai cuộc kháng chiến”… và mới nhất là quyển “Những năm tháng không quên” (NXB Hội Nhà văn, 2017) khi ông đã 88 tuổi. Điều đó cho thấy tâm huyết và sự mẫn cán của một người dành trọn đời mình cho thông tin, báo chí và văn nghệ.

Tháng 4-1975, đồng chí Đặng Hồng giữ chức Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ, giữa những bộn bề khó khăn sau ngày giải phóng. Sau đó, đồng chí có nhiều năm làm lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Hậu Giang (cũ). Nói về vị thủ trưởng đáng kính, soạn giả Nhâm Hùng (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, TP Cần Thơ) xúc động: “Chú Tám Đặng Hồng làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, nhiều người nghĩ chú khó, nhưng thật ra chú sống rất tình cảm và đặc biệt là quý trọng nhân tài”.

Ông Nhâm Hùng còn nhớ những dấu ấn đồng chí Đặng Hồng để lại cho văn hóa Cần Thơ - Hậu Giang. Năm 1978-1979, đồng chí Đặng Hồng đã tiếp nhận 27 đoàn nghệ thuật, gồm cả sân khấu truyền thống, ca múa nhạc… đăng ký hoạt động. Từ lực lượng này, đồng chí đã chỉ đạo lập ra nhiều đoàn cải lương quốc doanh, tập thể như: Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Ca múa kịch Hậu Giang… Điều này chứng tỏ đồng chí Đặng Hồng rất chăm lo cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, luôn tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sĩ làm nghề. Một dấu ấn nữa mà soạn giả Nhâm Hùng còn nhớ là sau ngày giải phóng 30-4-1975 chỉ vài tháng, đồng chí Đặng Hồng đã chỉ đạo tổ chức Hội diễn Văn nghệ nghiệp dư tỉnh Cần Thơ 1975 tại thị xã Vị Thanh. Theo ông Nhâm Hùng, hội diễn không chỉ có ý nghĩa khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng mà sâu xa hơn, đồng chí Đặng Hồng muốn giới thiệu đến nhân dân, nhất là người thành thị, văn nghệ cách mạng để bà con tin tưởng, ủng hộ.

“Chú Tám Đặng Hồng là người say mê với nghề nghiệp, tới lúc ngưng thở mới thôi. Tôi ấn tượng ở chú còn là người vững lý luận, am hiểu, nên khi nói về vấn đề gì đều thuyết phục người khác”, soạn giả Nhâm Hùng nói thêm. Với chúng tôi, điều cảm nhận nơi ông chính là một con người sống tình cảm, hoài niệm. Còn nhớ cách nay 2 năm, đồng chí Đặng Hồng có dự buổi họp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Văn hóa 28-8 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ. Ông phát biểu về những kỷ niệm làm báo, làm văn nghệ thời kháng chiến với bao xúc cảm. Kể đến những gian khổ, đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, ông khóc òa.

Đồng chí Đặng Hồng (1929-2020) tên thật là Đặng Hồng Khuê, nguyên Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Đồng chí Đặng Hồng quê ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tham gia cách mạng từ tháng 8-1945. Đồng chí từng kinh qua các chức vụ như: Tổ trưởng Biên tập báo Giải Phóng tỉnh Cần Thơ; Phó Tiểu ban Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ (tháng 7-1961 đến tháng 2-1968); Ủy viên Ban Tuyên huấn, Trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ủy viên Thường vụ và Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ (tháng 3-1968 đến tháng 6-1974); Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Cần Thơ (tháng 7-1974 đến 30-4-1975); Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ…
Sau thời gian lâm bệnh nặng, đồng chí Đặng Hồng đã từ trần vào lúc 16 giờ 20 phút, ngày 10-7-2020 (nhằm ngày 20-5 năm Canh Tý). Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 14-7-2020 (nhằm ngày 24-5 năm Canh Tý), sau đó an táng tại đất nhà, ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết