09/09/2008 - 08:58

Giáo sư Vũ Khiêu:

"Người trí thức chân chính Việt Nam luôn gắn cuộc đời của mình với vận mệnh và tiền đồ của dân tộc"

 

(ĐCSVN)-Đội ngũ trí thức Việt Nam mạnh hay yếu? Những thuận lợi và thách thức đang đặt ra đối với đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) là gì? Nhân dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”, phóng viên của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu xung quanh vấn đề này.

* Giáo sư suy nghĩ như thế nào khi Đảng ra Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”?

- GS Vũ Khiêu: Tôi nghĩ rằng, trước nhu cầu vô cùng quan trọng và cấp thiết của đất nước hôm nay Đảng đã rất kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 7, một Nghị quyết toàn diện “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”.

CNH-HĐH là một chặng đường tất yếu và quan trọng bậc nhất của mọi dân tộc trên con đường phát triển. Ở Việt Nam, CNH- HĐH đang diễn ra trước sự thúc ép về mọi mặt của đất nước với rất nhiều thuận lợi và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đang diễn ra rộng khắp trên toàn thế giới.

CNH- HĐH ở Việt Nam hiện nay là một công việc khá muộn màng so với thế giới. Chúng ta lại đứng trước những khó khăn mà trước đây ba, bốn thế kỷ, công nghiệp hóa tại các nước phương Tây cũng chưa từng biết tới. Chúng ta không lặp lại con đường mà họ đã đi. Chúng ta cũng không học tập được bao nhiêu từ kinh nghiệm của họ. Chúng ta sống trong một thời đại mà nền công nghiệp trên thế giới đã phát triển rất cao, trên cơ sở vận dụng những phát minh kỳ diệu của nhân loại trong những thập kỷ vừa qua.

Các nhà khoa học ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo giống lúa chất lượng cao tại phòng thí nghiệm
của Bộ môn Di truyền và chọn giống - Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: LỆ THU 

Chúng ta đã và đang xây dựng một nền kinh tế mà những nhân tố cơ bản của nó vẫn là tiền vốn, là công nghệ, là quản lý... Trong thế giới hiện đại, những nhân tố ấy là cần thiết nhưng không phải quan trọng nhất. Ngày hôm nay, cái quyết định đối với mọi nền kinh tế không chỉ là những nhân tố ấy mà trước hết phải là trí tuệ của con người.

Làm thế nào để có được tiền vốn và sử dụng tiền vốn một cách hợp lý? Đó là trí tuệ.

Có tiền vốn vẫn chưa đủ mà còn phải biết sử dụng một cách thông minh nhất những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại. Làm thế nào để nắm được công nghệ và sử dụng công nghệ có kết quả? Đó là trí tuệ.

Có tiền vốn nhiều, có công nghệ cao, nhưng nếu không có trình độ quản lý thì bao nhiêu sự hao tiền tốn sức chỉ dẫn tới thất bại mà thôi. Làm sao có được một trình độ quản lý thông minh nhất và có hiệu quả nhất? Đó là trí tuệ.

Tất cả những điều nói trên chứng minh rằng: Đảng ta đã vô cùng sáng suốt khi đánh giá rất cao và rất chính xác về vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, những người đang nắm trong tay cái kỳ diệu của nhân loại ngày nay: Đó là trí tuệ của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ đã phát hiện ra điều này khi Người nói về vai trò của văn hóa, trong đó có trí tuệ của con người. Đó là “Văn hóa nằm trong chính trị, nằm trong kinh tế”. Làm chính trị mà thiếu trí tuệ hay nói chung là thiếu văn hóa thì không thể thành công. Làm kinh tế mà thiếu văn hóa, thiếu trí tuệ thì sớm muộn cũng thất bại mà thôi.

Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam làm sáng tỏ hơn nữa khi coi văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội”, coi “khoa học và giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Những quan điểm đúng đắn đó đã được nâng cao và cụ thể hóa một cách đầy đủ trong Nghị quyết 07 (khóa X) của Đảng về trí thức.

* Giáo sư có thể nói rõ hơn về những điểm mạnh cũng như những mặt còn hạn chế của đội ngũ trí thức nước ta hiện nay?

- GS Vũ Khiêu: Theo tôi, Nghị quyết đã dành nhiều trang để phân tích hiện trạng trí thức Việt Nam, nêu lên những đóng góp đáng kể của trí thức Việt Nam và những mặt hạn chế của họ. Nói tóm lại là cả chỗ mạnh và chỗ yếu của trí thức.

Nếu cần làm rõ thêm những điều đã ghi trong Nghị quyết, tôi chỉ xin nói thêm một vài ý như sau:

Những chỗ mạnh và chỗ yếu mà Nghị quyết đã nêu có tính phổ biến ở tầng lớp trí thức trong mọi ngành hoạt động. Những chỗ mạnh, chỗ yếu ấy lại tồn tại ở mỗi người trí thức như hai nhân tố tiềm ẩn trong đầu óc của mỗi người tri thức. Hai nhân tố mạnh và yếu cùng chịu những tác động khách quan từ đời sống xã hội và cũng từ ý thức, từ định hướng của mỗi con người.

Chúng ta sống trong một thời đại đang diễn ra cuộc chạy đua ở mỗi dân tộc cũng như ở mỗi con người trước đỉnh cao của trí tuệ của nhân loại. Ngày nay, liệu trong giới trí thức Việt Nam có những ai thờ ơ trước cuộc chạy đua này và những ai đang dồn tâm huyết vào cuộc chạy đua ấy như một niềm say mê suốt cuộc đời mình? Chỗ mạnh và chỗ yếu của trí thức Việt Nam trước hết được tách ra và trở thành, tôi tạm gọi là hai bộ phận của đối lập giữa hai loại trí thức Việt Nam hiện đại.

Chỗ mạnh của người trí thức chân chính của Việt Nam là ở chỗ họ luôn gắn cuộc đời của mình với tiền đồ của dân tộc. Họ toàn tâm toàn ý vươn tới đỉnh cao của phẩm giá và trí tuệ của con người. Họ ngày đêm suy nghĩ, phát minh và sáng tạo để mang lại phồn vinh cho Tổ quốc, danh dự cho dân tộc và lẽ sống cho bản thân mình.

Những người trí thức ấy hoàn toàn xa lạ với một bộ phận trí thức như Nghị quyết đã đề cập. Đó là những người giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác, không thường xuyên học hỏi, thiếu chí khí và hoài bão, tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt... Chỗ mạnh của trí thức Việt Nam không phải ở những người này mà đang ngày một phát triển ở những tầng lớp trí thức chân chính những hiền tài của đất nước, những vốn quý của dân tộc. Họ thể hiện thế mạnh cực kỳ lớn lao của trí thức Việt Nam. Ý chí và hoài bão của họ đang ngày càng được bổ sung và củng cố từ nhiều phía.

Đảng, nhà nước và toàn thể nhân dân đang chờ mong họ, cổ vũ và tôn vinh họ.

Thời đại đang đặt trước họ nhiều thách thức nhưng cũng đem lại cho họ những thuận lợi lớn để họ vươn lên. Đó là những tiềm năng vô tận của trí tuệ đang được đánh thức dậy ở con người.

Đặc biệt, họ là con em của một dân tộc vừa thông minh sáng tạo lại vừa ham học và học giỏi.

Theo tôi đó là những điểm mạnh rất lớn đang được chứa đựng ở mỗi con người trí thức Việt Nam. Phát huy sức mạnh ấy hay để nó lụi tàn, điều đó phụ thuộc vào phẩm chất của mỗi người trí thức Việt Nam.

* Theo Giáo sư, cần có những giải pháp mang tính đột phá nào để có thể phát huy một cách tốt nhất vai trò của trí thức trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước hôm nay?

- GS Vũ Khiêu: Trong Nghị quyết cũng đã dành rất nhiều trang để nêu lên những giải pháp hợp lý và mang tính khả thi. Nếu có phát biểu về điều này tôi chỉ nêu lên một nguyện vọng tha thiết của tôi. Đó là: đội ngũ trí thức Việt Nam cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phải phát huy truyền thống tự cường của dân tộc và hoài bão lớn của người trí thức Việt Nam từ xưa đến nay, để dồn tâm huyết và nghị lực vào cuộc chạy đua hướng tới đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Ta có niềm tự hào về truyền thống anh hùng và văn hiến của dân tộc nhưng không thể từ đó mà quên đi những mặt yếu kém vẫn còn ngự trị trên nhiều lãnh vực, nhất là về khoa học công nghệ, về giáo dục và đào tạo.

Trên những lãnh vực này, tôi mong mỏi làm thế nào để chúng ta nhanh chóng đưa được hàng vạn, hàng chục vạn người Việt Nam đi học hỏi ở các nước tiên tiến, xây dựng nhiều trường đại học có trình độ ngang tầm thế giới và mời được hàng ngàn những chuyên gia ở các nước sang giảng dạy và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam. Nếu cách đây mấy thế kỷ, Pie đại đế của nước Nga rồi Minh trị thiên hoàng của nước Nhật đã dẫn hàng ngàn thanh niên đi theo để học tập và tìm hiểu nước ngoài thì ngày nay chúng ta lại đang có đủ những điều kiện để tiến hành công việc ấy với tầm cỡ lớn hơn hàng trăm lần.

Với sự suy nghĩ nói trên, tôi tin rằng Nghị quyết của Đảng đi sâu vào quần chúng nhân dân sẽ phát huy mạnh mẽ tác dụng của nó và tạo nên một thời kỳ phát triển rực rỡ chưa từng có của trí thức Việt Nam.

* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

HIỀN HÒA (thực hiện)

Theo Website Đảng Cộng sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết