Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Song, một bộ phận người trẻ nhận thức lệch lạc về cái đẹp, khi xem “độc”, “lạ” là tiêu chí hướng đến. Chia sẻ với sinh viên tại diễn đàn về làm đẹp, một doanh nhân cho biết, từng giật mình khi tham gia phỏng vấn xin việc, một số bạn trẻ vô tư nhuộm tóc nâu, bạc, mặc áo thun, quần bò… và dĩ nhiên các bạn ấy không được tuyển dụng. Việc “tút tát” vẻ ngoài không chỉ thỏa mãn nhu cầu cá nhân, còn ảnh hưởng công việc, nét đẹp mỗi người, đòi hỏi người trẻ cần lưu tâm.
Một chương trình tư vấn làm đẹp cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI
Để không mất điểm…
Anh Trần Quốc Hùng chia sẻ, khi làm nhân viên kinh doanh cửa hàng thời trang ở Cần Thơ, từng bị quản lý nhắc nhở bởi sở thích “làm đẹp” của mình. Vốn còn trẻ, ham chơi, thích thể hiện nét đẹp giống các tài tử Hàn Quốc nên anh Hùng thường nhuộm tóc lúc màu nâu khi thì chuyển sang màu bạc, lại thêm mang hoa tai. Điều đáng nói, cửa hàng chuyên bán sản phẩm thời trang nam công sở nên chuyện “làm đẹp” mái tóc của anh không phù hợp môi trường làm việc và dễ tạo cho khách hàng ấn tượng không tốt về nhân viên. Sau lần bị nhắc nhở, anh Hùng nhuộm đen nhưng đổi kiểu tóc “rằn ri”. Tất nhiên, anh tiếp tục bị quản lý mời làm việc, yêu cầu chọn lựa giữa “gu” làm đẹp “độc” và công việc. Để giữ công việc, lần này, Hùng nghiêm túc tiếp thu góp ý của đồng nghiệp từ chuyện không nhuộm tóc, không xăm hình, đến việc ăn mặc lịch sự, nghiêm túc. Nhằm tạo ấn tượng cho khách, anh Hùng còn mặc trang phục công ty sản xuất để giới thiệu sản phẩm. Anh Hùng tâm sự: “Mình ăn mặc nghiêm túc, tóc tai chỉn chu, khách hàng dễ có thiện cảm, tin tưởng và chọn mua hàng”. Sau này, khi được chuyển sang cửa hàng ở TP Long Xuyên, doanh số bán hàng của anh Hùng khá cao, mà theo anh, vẻ ngoài chỉn chu là một lợi thế.
Huệ, sinh viên học bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh cho rằng, học hệ vừa làm vừa học vào ban đêm nên thường mặc quần “sọt” đến lớp, trang điểm lòe loẹt. Bạn bè ái ngại bởi Huệ mặc quần áo quá ngắn, không phù hợp để đến trường. Một số bạn nam ngượng “đỏ mặt” khi phải thảo luận nhóm với Huệ. Thấy các sinh viên không thoải mái nên giảng viên khéo léo nhắc nhở Huệ chú ý hơn việc chọn trang phục phù hợp khi đến lớp. Một cán bộ Đoàn tâm sự rằng, một số bạn trẻ dự các hội nghị hoặc sự kiện của tổ chức Đoàn còn vô tư phối hợp áo thanh niên với quần jean “bụi” (khoét lỗ) hoặc váy xòe rất ngắn, làm mất đi tính nghiêm trang của sự kiện. Một số bạn trẻ khác cho rằng, không ít người trẻ “chuộng” hình thức, thậm chí “cuồng” làm đẹp, nhất là chạy theo các trào lưu bắt chước người nổi tiếng, bị hiệu ứng đám đông tác động, dẫn đến đổ xô làm đẹp (trang phục, tóc, trang điểm “độc”, “lạ”) bất chấp môi trường học tập, làm việc… phù hợp hay không.
… Tạo ấn tượng đẹp
Trong chương trình giao lưu với sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, ông Thạch Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Mediworld, từng chia sẻ rằng, một số bạn trẻ chưa quan tâm đúng mức chuyện làm đẹp, từ ăn mặc, làn da, vóc dáng, thậm chí cách đi đứng sao cho đẹp. Theo ông, khi các bạn trẻ chuẩn bị phỏng vấn xin việc, cần chuẩn bị trang phục lịch sự, trang nhã, dáng đi thẳng, khỏe khoắn, tự tin… Qua đó sẽ dễ tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Chị Trần Thanh Ngọc Thanh Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Quận đoàn Ninh Kiều, từng làm MC nhiều chương trình, sự kiện, cho rằng, một số bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên trang điểm, ăn mặc chưa phù hợp với độ tuổi. Có bạn tuổi còn trẻ nhưng đã xăm trổ, lạm dụng mỹ phẩm, thậm chí, một số người trẻ đi làm, ăn mặc luộm thuộm, không phù hợp môi trường công sở vừa mất vẻ thẩm mỹ, vừa thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Theo chị Loan, để định hướng lối sống thanh lịch cho các bạn trẻ, Quận đoàn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền vào các diễn đàn tư vấn đạo đức, lối sống học đường; tổ chức các hội thi học sinh – sinh viên thanh lịch, nét đẹp thanh niên. Ở các trường tiểu học, THCS có hội thi “Nét đẹp đội viên” hay chương trình “Khi tôi 18” ở các trường THPT. Qua đó, định hướng các bạn trẻ ý thức hơn việc làm đẹp phù hợp độ tuổi và văn hóa dân tộc.
Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống đẹp. Điển hình như Hội thi học sinh – sinh viên thanh lịch, định hướng các bạn trẻ về văn hóa trang phục học đường, thể thao hoặc đường phố. Hay như chương trình tác phong công nghiệp học đường, giao lưu với doanh nhân nhằm định hướng các bạn cách ăn mặc, làm đẹp trong môi trường giáo dục, doanh nghiệp hoặc hội thảo hoặc xin việc làm… Có thể thấy, cái đẹp không chỉ đến từ bề ngoài mà còn toát lên từ thần thái và cách ứng xử. Tuy nhiên, nếu biết chăm chút vẻ ngoài chỉn chu, thanh lịch cùng vẻ đẹp tâm hồn thì mỗi người sẽ đẹp và hoàn thiện hơn…
TÚ ANH