14/03/2010 - 21:48

Trước tác động giá xăng và điện tăng:

Người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng tiết kiệm

Từ ngày 21-2, các đại lý xăng dầu của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đồng loạt điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng lên thêm 590 đồng/lít. Từ ngày 1-3, giá điện tăng thêm 8,9% đẩy giá trung bình hiện nay lên mức mới là 948,5 đồng/Kwh – chưa tính thuế giá trị gia tăng… Đây là lý do khiến nhiều loại hàng hóa trên thị trường vẫn ở mức cao, làm gia tăng chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp… Không thể “cuốn theo chiều giá”, gần nửa tháng qua, người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã “buộc bụng” trong chi tiêu, tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất đến mức thấp nhất...

“Buộc bụng” trong tiêu dùng

Sau giá xăng tăng là giá điện cũng tăng. Nhiều người ở thuê nhận liền thông báo của chủ nhà trọ: “Từ tháng 3 sẽ tăng tiền giá điện theo mức quy định mới”. Chị Nguyễn Thị Thúy, ở nhà trọ phường An Khánh, TP Cần Thơ, cho biết: “Tiền thuê phòng trọ đã tăng từ hồi trước Tết Nguyên đán 2010 từ 550.000 đồng/tháng lên 600.000 đồng/tháng. Trước đây, giá điện chỉ có 2.000 đồng/kWh, bây giờ đã lên 2.500 đồng/Kwh. Như vậy, chỉ tính tiền nhà trọ, điện, từ tháng 3, gia đình tôi ít gì cũng phải chi thêm từ 125.000 đồng– 150.000 đồng/tháng”. Quê ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, làm ăn thất bại, vợ chồng chị Thúy đưa 2 đứa con nhỏ về quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ mưu sinh từ hơn 3 năm nay. Chồng chị Thúy làm tạp vụ cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ, lương hằng tháng chỉ đủ lo tiền gạo và tiền nhà trọ. Không có xe gắn máy, đồng lương không ổn định, hơn năm nay, chị Thúy xin nghỉ làm việc cho một nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh ở Khu công nghiệp Trà Nóc và mở quán bún riêu trước khu nhà trọ để đỡ đần tiền chợ hằng ngày với chồng. Chị tâm sự: “Kinh tế gia đình khó khăn, tôi đã cho đứa con gái út 4 tuổi nghỉ đi nhà trẻ từ năm trước. Đứa con gái lớn bây giờ đã lớp 8, hằng ngày đi học cũng bị cắt luôn tiền quà vặt... Giá điện tăng, cái ti-vi trong nhà tôi chỉ cho con mở xem vào buổi tối, còn cái tủ lạnh đêm đến là phải rút chui ra khỏi ổ cắm... Muốn mua, tiêu xài cái gì cũng phải suy đi, tính lại thật kỹ rồi mới quyết định”.

Chi phí sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất để vượt khó. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ. Ảnh: Văn Tuấn  

Nhiều cán bộ, công chức nhà nước cũng đang tính nhiều phương kế để “buộc bụng” trong thời điểm giá cả ngấp nghé tăng như hiện nay. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, một công chức nhà nước, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Sau Tết, các quán hàng ăn, kể cả quán cóc bên lề đường giá cả cứ tăng vùn vụt. Trước đây, chỉ cần từ 8.000 – 10.000 đồng là có thể có một phần ăn sáng như hủ tíu, bánh lọt..., còn phở chỉ từ 10.000-15.000 đồng/tô. Nay, mỗi phần ăn này tăng thêm từ 2.000 – 5.000 đồng, thậm chí còn hơn...” . Để tiết kiệm chi tiêu, hơn tháng nay, chị Quỳnh thức sớm làm bữa sáng cho hai vợ chồng. Các loại thực phẩm rau củ, thịt cá,... mỗi thứ đều cắt giảm đến mức tối đa. Không chỉ vậy, chị Quỳnh còn động viên cả chồng giảm đến mức thấp nhất các khoản chi cà phê, thuốc lá, đặc biệt là khoản “giao tế với bạn bè”... Bởi như chị Quỳnh nói: “Với đồng lương của cán bộ công chức từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng như hiện nay, mình không thể “cuốn theo chiều giá” được. Nếu không tính toán thật chi li, thật cụ thể trong kế hoạch chi tiêu hằng ngày thì khó có thể đảm bảo tốt cuộc sống”.

Cắt giảm tối đa chi phí

Trước tình hình một số mặt hàng tăng giá, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đã tính toán chọn giải pháp cắt giảm tối đa chi phí để thích ứng trong tình hình mới.

Bà Trần Thị Lài, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In Tổng hợp Cần Thơ, cho biết: Trước đây, bình quân mỗi tháng, chi phí điện phục vụ cho sản xuất của công ty khoảng 76-78 triệu đồng. Từ đầu tháng 3 -2010, chi phí này tiếp tục tăng thêm khoảng 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, các loại vật tư ngành in trên thị trường như giấy, mực, bảng kẽm, các loại hóa chất khác và kể cả phí vận chuyển cũng đã tăng... Để đối phó với đợt tăng giá này, trước mắt, Công ty đang sắp xếp, bố trí sản xuất tránh giờ cao điểm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện của các bộ phận trực thuộc, phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện, nước... Mặt khác, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng phải giữ ổn định thu nhập cho người lao động, bên cạnh đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, Công ty cổ phần In Tổng hợp Cần Thơ luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại và tự động hóa cao. Đây cũng là biện pháp nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, rút ngắn được thời gian sản xuất và hạn chế được các công đoạn thủ công để giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, Công ty cũng đã thực hiện có hiệu quả định mức vật tư, định mức lao động, bố trí lao động hợp lý và cải tiến quy trình sản xuất... cắt giảm nhiều khoản chi phí chưa thật sự cần thiết, hợp lý. Bà Trần Thị Lài khẳng định: “Bằng sự nỗ lực và phát huy tốt nguồn lực sẵn có, Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ cố gắng giữ giá gia công in ở mức hợp lý nhất, không để ảnh hưởng nhiều đến khách hàng trong đợt tăng giá chi phí đầu vào như hiện nay”.

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và ngăn ngừa lạm phát cao trở lại... Đó là một trong những nội dung Chính phủ yêu cầu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2010. Ngoài ra, trong Nghị quyết còn nhấn mạnh, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước, tiết kiệm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư...

Tăng cường việc kiểm tra niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết cũng đã và đang được ngành công thương TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh. Trong tình hình hiện nay, điều này cũng là giải pháp thiết thực ổn định giá cả thị trường, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng...

Là một doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện hàng tháng rất lớn, đáp ứng cho sản xuất, nên việc giá điện tăng là một khó khăn không nhỏ cho Công ty cổ phần Xi-măng Cần Thơ. Dù vậy, theo ông Đặng Hùng Sơn, Trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty, doanh nghiệp phải tìm ra các giải pháp cụ thể, nỗ lực vượt qua khó khăn này. Thời điểm này, Công ty cổ phần Xi-măng Cần Thơ đã có những giải pháp ngắn hạn để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể: Công ty ưu tiên bố trí sản xuất trong những giờ thấp điểm, cắt giảm nhiều hoạt động không cần thiết. Ngoài ra, ông Sơn còn cho biết: Công ty sẽ cải tiến các khâu sản xuất, thường xuyên thực hiện chế độ bảo dưỡng máy móc, thiết bị... để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí tiêu thụ điện năng; đồng thời, tổ chức huấn luyện, nâng cao tay nghề cho công nhân sản xuất. Về dài hạn, công ty sẽ thay thế dần các máy móc cũ, công nghệ hiện nay bằng hệ thống máy móc công nghệ mới, hiện đại hơn để tăng hiệu quả sản xuất...

Hà Triều – Triều Dâng

Chia sẻ bài viết