28/12/2007 - 22:44

Người làm cầu treo từ thiện ở nông thông

Nhắc đến “Vua bắc cầu treo” nông thôn ở vùng ĐBSCL thì nhiều người biết. Sở dĩ người đàn ông này nổi tiếng do ông là người “khởi xướng” bắc cầu kiểu này và càng nổi tiếng hơn khi ông tham gia làm cầu từ thiện, giúp đường sá giao thông nông thôn thêm phần thông thoáng, tạo điều kiện cho nông dân miền quê đi lại dễ dàng. Mùa nước nổi 2007 đang về, hễ ai đến vùng nông thôn ở khu vực biên giới Tây Nam, thấy nhiều cầu cao vùng lũ, mọi người đều thầm nghĩ đến người có sáng kiến và có công bắc cầu treo...

111 cây cầu treo từ thiện

  Cầu treo nông thôn do ông Quý xây dựng ở vùng An Giang, giúp bà con nông dân đi lại dễ dàng.
Đó là ông Phạm Ngọc Quý, 45 tuổi, hiện ngụ tại ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Với tấm lòng nhiệt huyết, ông Quý vẫn tự “nghiên cứu” để làm sao bắc cầu treo chắc chắn hơn. Nhắc đến chuyện bắc cầu giao thông nông thôn, ông Quý kể: Kể từ khi ông bắc cây cầu treo đầu tiên vào năm 1996 tại Kinh 13 (nối liền hai xã Đào Hữu Cảnh và xã Bình Phú) đến năm 2007 này, ông và các công nhân trong đoàn đã bắc được hàng trăm cây cầu treo nông thôn và đã làm từ thiện (không ăn công) được hơn 111 cây cầu ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Vốn xây cầu treo từ thiện được nhân dân và chính quyền địa phương vận động, ông và công nhân chỉ ra công thiết kế và cùng nhau xây cầu...

Cũng cách đây khoảng 10 năm, ông Quý cảm thấy vùng nông thôn đã dần thay da đổi thịt nhưng những cây cầu tre, cầu khỉ làm cản ngại giao thông của bà con rất lớn, nhiều nguy hiểm, người dân qua lại vùng sông nước rất dễ té ngã. Thế là ông Quý nảy sinh ý tưởng “sao không treo nó lên” để người đi qua cầu dễ dàng hơn. Thế là ông cùng người dân quê nhà thử làm một cây cầu treo. Thấy được, ông Quý cùng nhóm thanh niên trai làng thành lập đoàn bắc cầu treo cho đến bây giờ.

Điều đáng quý là tuy trình độ chỉ mới hết lớp 2 nhưng ông Quý đã tự nghiên cứu và kể ra vanh vách các kỹ thuật làm cầu treo, chẳng hạn tùy theo cây cầu, cách làm trụ cầu phải cách bờ 3 mét; dây văng phải là sắt 6 ly... Bắc được vài chục cây cầu treo thì ông Quý thấy tuổi thọ của nó chưa đạt lắm nên nhóm bắc cầu của ông cải tiến, thay thế sắt 6 ly dây văng bằng ống tuýp sắt 27 ly cho chắc hơn. Ván, đà cầu được sử dụng cây cà chất; căm xe; đà dọc cầu bằng gỗ... Cũng chưa như ý, ông Quý tiếp tục điều nghiên và làm trụ cầu bằng bê tông ly tâm (cột bê tông đặc ruột, dẽ hồ), chống thấm nước tốt, rẻ hơn cột trụ gỗ gần 1/3 giá thành, mà tuổi thọ của cầu treo kéo dài hơn...

Góp công “nối những bờ vui”!

Ông Quý hiện tại là một trong những nông dân thành đạt ở vùng quê này bởi ông làm ruộng rất cừ khôi! Ông Quý tâm sự: Ra riêng năm 1990, vợ chồng ông chỉ có 5 công đất cha mẹ cho, với óc cầu tiến, ham học hỏi, áp dụng các phương pháp khoa học tiến bộ vào sản xuất nên năm nào, lúa của vợ chồng ông Quý cũng trúng mùa. Vốn liếng dành dụm được, vợ chồng ông cứ tậu đất để trồng lúa và trồng thêm rau màu. Tính đến nay, ông sở hữu gần 90 công ruộng (thời điểm ông mua giá rất rẻ, chỉ có 3 chỉ vàng/công đất). Hàng năm, ông sản xuất khoảng 80 tấn lúa hạt, lãi ròng hàng chục triệu đồng. Có tiền, ông Quý mua máy cày, máy xới và dự tính sang một lô sạp ở chợ Long Châu (Châu Phú, An Giang) để vợ ông mua bán phát triển thêm kinh tế gia đình. Hội Nông dân địa phương công nhận ông Quý là nông dân kinh doanh-sản xuất giỏi và ông đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh An Giang tặng nhiều danh hiệu, bằng khen xoay quanh thành tích đóng góp xây dựng cầu giao thông nông thôn...! Kinh tế tương đối khá giả thì ông Quý cũng tích cực tham gia làm công tác từ thiện, từ việc góp tiền, góp công làm đường sá giao thông trong xã nhà, ông còn bắc cầu từ thiện cho người dân quanh vùng...

Giai đoạn 2005-2007, đoàn xây cầu treo của ông Quý đã làm thêm khoảng 14 cây cầu treo ở huyện Tân Châu-An Giang. Từ đầu năm 2007, ông Quý đã bắc cây cầu treo (dài 27 mét; rộng 3,5 mét) ở Ba Hòn (Hà Tiên-Kiên Giang), trị giá cây cầu 418 triệu đồng. Trung tuần tháng 11-2007 này, cây cầu vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, có tải trọng 20 tấn. Đây là cây cầu treo lớn nhất mà đoàn ông Quý đã làm từ trước đến nay. “Trình độ mình hạn chế nhưng mình cố tìm tòi, học hỏi và sáng tạo mong muốn góp công, góp sức tạo ra được những cây cầu nông thôn, nối nhịp bờ vui để mang đến sự tiện ích cho bà con là mình vui rồi”- ông Quý bộc bạch. Đáng quý thay tấm lòng nhân ái và óc cầu tiến của một nông dân vùng quê Châu Phú - An Giang.

Bài, ảnh: THÀNH ĐƯỢC

Chia sẻ bài viết