28/05/2022 - 22:00

Người Hàn phản kháng gapjil 

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, HRM Asia)

“Người dân Hàn Quốc sống với sự chịu đựng ngược đãi rất lớn, nhưng khi không thể chịu đựng được nữa thì họ sẽ vùng lên”, cựu tiếp viên hàng không Park Chang-jin nói, khi đang phát động chiến dịch chống nạn bắt nạt nhân viên với tư cách lãnh đạo đảng Công lý đối lập. Park từng là nạn nhân của một vụ chèn ép nhân viên nổi tiếng ở xứ kim chi.

Các luật sư trong nhóm Gabjil 119 tư vấn pháp lý cho nạn nhân gapjil. Ảnh: NY Times

Vào năm 2014, bà Cho Hyun-ah khi đó là Phó Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air đã yêu cầu máy bay đang trên đường lăn quay về sân bay quốc tế John F.Kennedy để đuổi tiếp viên trưởng Park Chang-jin khỏi phi cơ. Lý do bà Cho, con gái của Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho, nổi giận là vì một nữ tiếp viên phục vụ hạt mắc ca trong gói chứ không bày ra đĩa sứ. Trước khi máy bay cất cánh mà không có ông Park, ông này và nữ tiếp viên đã phải quỳ gối xin lỗi bà Cho.

Bốn năm sau, gia đình quản lý Korean Air lại gây chú ý khi các đoạn ghi âm, video nổi lên cho thấy Cho Hyun-min và bà Lee Myung-hee (tức em gái và mẹ của bà Cho Hyun-ah) có những lời lẽ xúc phạm nhân viên. Chủ tịch Cho Yang-ho đã phải lên tiếng xin lỗi trước công chúng, đồng thời sa thải 2 con gái khỏi hãng.

Ðến cuối năm 2018, cháu nội 10 tuổi của ông Bang Sang-hoon, chủ sở hữu tờ nhật báo lớn Chosun Ilbo, bị phát hiện chửi mắng tài xế riêng và đe dọa sẽ khiến người này bị đuổi việc. Viên tài xế 57 tuổi sau đó đã bị sa thải.

Những hành vi ngang ngược và xem thường cấp dưới ở Hàn Quốc phổ biến đến mức có cả tên gọi là gapjil. Trong một xã hội phân cấp sâu sắc như Hàn Quốc, nơi địa vị xã hội của một người được quyết định bởi nghề nghiệp, chức danh và sự giàu có, gần như không ai có thể thoát được “móng vuốt” của gapjil. Sử dụng những ngôn từ bắt nạt, dọa dẫm nhà thầu phụ và không trả lương cho nhân viên đúng hạn là những ví dụ của hiện tượng gapjil. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc bình quân 1.908 giờ năm 2020, cao nhất ở châu Á và nhiều hơn 221 giờ so với mức trung bình mà OECD đưa ra. Gapjil thường được cho là một trong những nguyên nhân đứng sau điều kiện làm việc khổ sở như thế ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, gần đây gapjil đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Trên các trang web, băng rôn ngoài đường phố và những miếng dán trong nhà vệ sinh công cộng, cơ quan chính phủ, cảnh sát, các nhóm dân sự đều cung cấp “đường dây nóng gapjil”. Mục đích là khuyến khích công dân “tuýt còi” những quan chức và cấp trên có hành vi lạm quyền. Còn trong trường học, các sinh viên treo bảng tố những giáo sư “gapjil” quấy rối tình dục. Chiến dịch này dường như đang phát huy hiệu quả. Các chính khách, quan chức cấp cao và sếp lớn của những tập đoàn đều chứng kiến danh tiếng bị ảnh hưởng nặng nề sau các bê bối gapjil.

Xu hướng thổi còi gapjil gần đây cũng phản ánh sự mất niềm tin sâu sắc với hệ thống tư pháp ở Hàn Quốc, nơi nhiều người cho rằng tòa án hiếm khi mạnh tay với những nhân vật hành xử cứ như họ đứng trên pháp luật. Năm 2007, Kim Seung-youn, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha, từng chỉ phải ngồi tù một thời gian ngắn sau khi tấn công nhân viên. Năm 2010, Chey Cheol-won, thành viên trong gia đình điều hành Tập đoàn SK, chỉ bị kết án 3 năm tù treo mặc dù đánh một nhà hoạt động bằng gậy bóng chày cả chục lần.

Dù vậy, bất chấp phong trào phản kháng gapjil, Hàn Quốc có thể còn rất lâu mới có được môi trường làm việc công bằng hơn, xã hội bình đẳng hơn. Luật chống hành vi quấy rối nơi công sở có hiệu lực từ năm 2019, nhưng người vi phạm chỉ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc phạt tiền 8.000USD. Trong cuộc khảo sát năm ngoái của Gabjil 119, nhóm dân sự đưa ra những lời khuyên pháp lý cho các nạn nhân gapjil, gần 29% nhân viên báo cáo bị ngược đãi tại công sở. Qua phân tích báo cáo của những người bị quấy rối tình dục tại công sở từ tháng 1-2021 đến 3-2022, Gabjil 119 nhận thấy 83% nạn nhân bị trả thù.

Chia sẻ bài viết