30/11/2009 - 22:03

Người góp nhặt niềm vui

22 năm qua, cô Huỳnh Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Bình Yên A, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, đã phục vụ cộng đồng bằng những công việc có ý nghĩa. 62 tuổi nhưng lúc nào cô cũng bận rộn, và xem đó chính là niềm vui, lẽ sống khi thấy mình vẫn còn có ích cho đời. Năm 2009, cô Tuyết được Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ xét tặng Huy hiệu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Vì lợi ích của tập thể

Bà con ở khu vực Bình Yên A thường nhắc đến cô với lòng thương mến thật sự một con người luôn biết sống vì người khác. Những khi phát thuốc hay nhắc nhở tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng, tư vấn giữ gìn hạnh phúc trong đời sống vợ chồng... cô đều là người xung phong đi đầu, bất kể nắng mưa, sáng tối, không gặp được thì gọi điện nhắc chừng. Theo cô Tuyết, những công việc như tuyên truyền giữ gìn vệ sinh công cộng, kêu gọi mọi người đi tập thể dục, vận động đóng góp chăm lo tết cho trẻ em nghèo, xin tập vở, quần áo cũ cho các hộ khó khăn,... thấy nhỏ nhưng ý nghĩa lắm, mỗi người góp một tay thì sẽ thành chuyện lớn. “Muốn làm công tác xã hội tốt thì trước mắt phải bắt đầu từ chuyện nhỏ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, không tính toán thiệt hơn. Chẳng thà không làm, nhận thì phải làm tới nơi tới chốn nếu không lương tâm cắn rứt lắm. Tôi cứ nghĩ việc người ta là của mình nên phải gắng lo chu đáo”, cô Tuyết bộc bạch.

Cô Huỳnh Thị Tuyết (bìa phải) trao đổi công tác với bà Ngô Thị My Ne, Chủ tịch Hội LHPN phường
Long Hòa. Ảnh: K.C. 

Các phong trào của khu vực Bình Yên A được nhiều nơi khác biết đến, một phần cũng nhờ vào sự tích cực tuyên truyền, vận động của cô Tuyết. Không chỉ bằng hành động, cô còn lấy chính bản thân mình ra làm gương: ăn uống điều độ, tiết kiệm nhưng rất hào phóng trong công tác từ thiện, giữ mình trong từng lời ăn tiếng nói, cư xử hòa nhã với mọi người... Bà Ngô Thị My Ne, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: “Cô Tuyết là một cán bộ rất nhiệt tình, giàu lòng thương người, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 22 năm công tác Hội Phụ nữ, cô Tuyết luôn hết lòng vì việc chung, đóng góp rất nhiều trong các phong trào ở địa phương, đặc biệt trong việc vận động người dân thực hiện phòng chống tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp chị em thành lập tổ hùn vốn không lãi, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân cô Tuyết có lối sống gương mẫu, là gương điển hình vượt khó vươn lên của phường”.

Cô Tuyết có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cảm hóa các đối tượng phạm pháp. Trước đây, khu vực Bình Yên A là địa bàn khá phức tạp, thường xảy ra tình trạng trộm cắp, dân nghiện hút chích, đánh bạc... Cô Tuyết theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh đối tượng, đến từng nhà kiên trì động viên phụ huynh cùng phối hợp giáo dục con cái. Không ít lần, vợ chồng cô còn đứng ra bảo lãnh những đối tượng phạm pháp trong khu vực mà người dân yêu cầu đưa đi cải tạo, giúp họ hoàn lương, làm lại cuộc đời. Là người có uy tín nên những vụ việc mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp, kiện tụng trong khu vực cô chú đều có mặt tham gia giải quyết thấu tình đạt lý.

Đa phần bà con trong khu vực Bình Yên A thuộc thành phần dân lao động nghèo nên kinh tế là vấn đề mọi người quan tâm nhiều nhất. Trước khi vận động chị em vào Hội, cô Tuyết tìm cách lân la đến nhà từng người, hỏi thăm hoàn cảnh, bày vẽ cách thức làm ăn, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, nấu ăn... Cô Tuyết vận động hội viên trồng chuối nuôi heo đất dành dụm tiền. Cô còn tuyên truyền mọi người thực hành tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi. Từ chỗ tin tưởng, được bà con coi như người thân, cô mới vận động mọi người vào Hội, phân tích cho chị em thấy được quyền lợi của hội viên. Những buổi sinh hoạt, cô lồng ghép thuyết trình các kỹ năng sống, kiến thức, giúp hội viên xây dựng gia đình tốt hơn. Nhờ vậy, bây giờ nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ngưỡng khá, nhà tường khang trang thay cho những mái lá xưa kia, con cái được cha mẹ cho học hành đàng hoàng. Cô Nguyễn Thị Châu, một người dân trong khu vực Bình Yên A, kể: “Cách đây mấy năm, nhà tôi rất nghèo, gánh ve chai không đủ nuôi con. Nhờ cô Tuyết giới thiệu cho vay vốn ngân hàng và tham gia các tổ hùn vốn, tôi có điều kiện làm ăn, mua sắm vật dụng gia đình. Cuộc sống của tôi khấm khá, hạnh phúc hơn phần lớn nhờ vào sự động viên, khích lệ của cô Tuyết”.

Vượt khó, vươn lên

Quê cô Tuyết ở Hậu Giang, ba là liệt sĩ, hy sinh khi cô còn trong bụng mẹ. Nhà cô Tuyết có truyền thống cách mạng, mới 11 tuổi, mẹ đã gởi cô theo các cô chú, bạn của cha ngày trước, để đi học. 13 tuổi, cô làm giao liên ở tiểu đoàn D207 Kiên Giang. Từ năm 1960 - 1966 cô tiếp tục công tác ở tiểu đoàn D207. Trong năm 1966, cô Tuyết bị địch bắt giam tại Hậu Giang. 9 tháng trong tù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng cô vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Năm 1967, ra tù, cô Tuyết tiếp tục về tiểu đoàn công tác đến năm 1973. Sau đó, vì lý do sức khỏe, đơn vị cho cô về địa phương trị bệnh. Di chứng của những tháng ngày tù ngục là một bên tai cô không còn nghe được, giữa trán hằn sâu vết lõm, khớp đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Năm 1976, cô Tuyết lấy chồng, về sinh sống tại khu vực Bình Yên A. Được gia đình chồng chia gần 3 công đất, cô làm lụng vất vả nuôi 5 người con. Khi chồng bị tai biến, tim mạch, cô bán bớt một phần đất lấy tiền chữa bệnh cho chồng, trên phần đất còn lại cô chia cho mỗi đứa con một cái nền nhà, các con lập gia đình sống quây quần bên mẹ cha. Từ năm 1987, cô Tuyết tham gia công tác phụ nữ tại ấp Bình Yên A, phường Long Hòa cho đến nay. Vừa đảm đương công tác vừa chăm sóc người thân, mấy chục năm qua cô như con thoi sớm tối đi về, không thiết đến bản thân... Chồng cô Tuyết bị tai biến 8 năm nay, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ngoài lo cho chồng và 2 đứa cháu nội, đảm đương cơm nước trong nhà, 3 năm nay, cô Tuyết còn nhận phụng dưỡng người cô ruột 88 tuổi bị mù, bệnh tật. Hễ lo xong việc nhà, cô lại hòa mình vào việc chung của cộng đồng, không nề hà gian khổ. Ghé thăm cô Tuyết trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở khu vực Bình Yên A, nghe cô kể chuyện đời, chuyện nghề mới thấm thía tấm lòng của người cán bộ phụ nữ cơ sở. “Mơ ước của tôi là có sức khỏe tốt để tiếp tục làm công tác xã hội vì nó đã như máu thịt rồi, nếu phải xa chắc tôi không chịu nổi”, cô Tuyết tâm sự.

Những ngày đầu nhận công tác, một mình ngược xuôi gầy dựng phong trào, khó khăn không kể xiết, nếu không có gia đình làm điểm tựa chắc cô cũng khó lòng vượt qua. Chồng cô, chú Nguyễn Văn Kiệt, rất tâm lý và thương yêu vợ nên luôn ủng hộ bà xã hết mình. Đưa bàn tay chai sần, nứt nẻ, dấu tích của những tháng ngày miệt mài lao động, quệt nước mắt, cô Tuyết rưng rưng, nói: “Có đắng cay mới được mùa trái ngọt. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình và đã thu được thành quả xứng đáng. Cưới nhau, khi gia đình hai bên đều nghèo nên vợ chồng càng thương nhau hơn, cùng chung lưng vượt khó. Chúng tôi coi trọng nhau như khách, không hạch hỏi, có khuyết điểm thì để đối tượng tự cảm và tự sửa, đã là người trong gia đình với nhau thì không nghĩ hơn thua, quan trọng nhất là tình nghĩa. Chúng tôi luôn phấn đấu tạo hạnh phúc để gia đình thật sự là tổ ấm”. Cô Tuyết đang ở cùng vợ chồng con trai út, mấy năm nay, con trai út cô bị khối u ở vai, vừa mổ xong, khối u lại nhảy xuống chỗ khác, giờ con trai cô nằm nhà không làm việc nặng được. Kinh tế gia đình chỉ trông cậy vào lương công nhân của con dâu út và lương thương binh của cô. Hoàn cảnh khó khăn, cô Tuyết mượn đất trống của người dân trong khu vực trồng rau, cô trồng nhiều thứ từ rau lang, đậu bắp, mướp, cải xanh..., nên có hàng bán thường xuyên, đỡ được tiền chợ.

* * *

Đưa chúng tôi xem rất nhiều giấy khen các cấp của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Huy hiệu Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.... dành tặng cho mình, có cái đã ngả màu thời gian, không nhìn rõ chữ, mắt cô Tuyết ánh lên niềm xúc động. Những niềm vui cô góp nhặt mang đến cho người khác bao năm qua đã chuyển biến thành nhiều phong trào đem lại lợi ích thiết thực cho bà con, tập thể phụ nữ ở phường Long Hòa.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết