Truyện ngắn TRẦN QUỐC CƯỠNG
Dưới chân rừng So Le có một thanh niên sống đơn độc. Anh nương náu ở đó từ khi xã có chủ trương trồng cây phủ kín đất trống, đồi núi trọc. Ngày đầu xuất hiện, anh lao vào ôm những bó cây phi lao, bạch đàn từ trên xe của lâm trường chở đến So Le, đưa vào trại phủ bạt dã chiến để học sinh trồng cây. Anh làm việc cẩn thận, chăm chỉ, hào hứng, khiến ông Xựng, người bảo vệ cây giống, có cảm tình rồi mời cơm, mời lưu lại giữ cây cho có bạn. Những người của lâm trường ái ngại:
- Cụ cho một người lạ hoắc canh giữ cây giống là mạo hiểm.
Ông Xựng nói chắc:
- Tôi xin bảo lãnh cho cậu Tuông được ở lại giữ cây với tôi và chịu trách nhiệm trước lâm trường.
Theo dõi Tuông làm việc, thấy chàng thanh niên nâng niu từng cây giống, say mê trồng cây, còn tranh thủ hướng dẫn cho học sinh cách trồng rừng
người nông trường thích lắm. Qua tiếp xúc, ông Xựng càng thêm quý Tuông bởi cha mẹ anh vốn là công nhân của một lâm trường ở Thanh Hóa. Cha mẹ Tuông vừa qua đời không bao lâu, anh đang học đại học năm hai thì quyết định tạm dừng, xuôi Nam, tìm một lâm trường đang cần người để nối nghề trồng rừng của cha mẹ. Ở quê nhà, anh còn anh chị đều làm việc tại lâm trường mà cha mẹ anh gắn bó.
Gần lều bạt nơi Tuông ở có một túp lều xập xệ. Chủ nhà là đôi vợ chồng trung niên có năm đứa con. Người chồng ốm, cao, gương mặt lúc nào cũng héo sầu. Mỗi tuần anh ta có ít nhất năm buổi tối say vêu vao. Mỗi lần say, anh ta khóc. Khóc chán rồi lăn ra ngủ li bì. Người vợ vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt lúc nào cũng u buồn, cam chịu. Chồng rượu chè là thế, nhưng không ai nghe vợ than van nửa lời. Mở đầu cuộc chè chén thường là miếng cá, trái cà với xị rượu mía, rượu sắn. Người chồng lặng lẽ ngồi cầm chai rượu tu từng hơi, không quát nạt vợ con, không ồn ào hò hát, khua chén, gõ xoong, chỉ kết thúc bằng tiếng khóc. Được cái là người chồng hằng ngày vẫn cần mẫn cùng vợ lên đồi trỉa bắp, trồng cây đến lúc không tỏ người mới quay về tổ ấm. Anh ta có biệt danh Bốn Xị, vì thứ Bốn lại hay uống rượu.
-----o0o-----
Tuông có thói quen ngày nghỉ tha thẩn trong rừng một mình với cái rựa quắm trên vai, bi đông nước và cục cơm vắt giắt kỹ ở thắt lưng. Anh mang theo rựa để phòng thân chứ chẳng làm chết một cái cây nhỏ. Mỗi lần anh em kiểm lâm gặp anh, họ nhìn nhau cười. Tuông len lỏi qua từng con dốc đá cây phủ rậm rì, cảm nhận bước vào rừng nguyên sinh như vào một thế giới kỳ ảo. Ở đó không chỉ có các loài chim, danh mộc hàng trăm tuổi, mà còn cả các loài hoa không tên đủ sắc màu tươi thắm. Mỗi lần Tuông ra khỏi rừng thường mang về một ít trái đỏ chín mọng, tròn tròn như viên bi lắc màu hồng phấn hoặc màu đỏ bầm. Những trái xay bằng đầu ngón tay út hình hột xoàn đen mượt như nhung
Năm đứa con Bốn Xị mỗi đứa cách nhau đúng một năm. Cái Tý mười hai tuổi, cu Sửu mười một tuổi, cái Dần mười tuổi
Cứ thế lần lượt áp tuổi cho thằng Mẹo, con Thìn. Chúng đều mến chú Tuông bởi mỗi lần chú Tuông vào rừng trở về đều có quà. Tuông quý mến bọn trẻ, nhìn chúng được phân phát trái cây, ánh mắt bừng lên, anh thấy lòng vô cùng ấm áp.
Bất ngờ Bốn Xị xuất hiện với hai người lạ mặt. Một người đàn ông mặc chiếc áo bành tô, đội mũ nỉ, đeo kính râm cao lớn như thám tử. Một người con gái da trắng hồng, mũi cao, miệng nhỏ xinh xắn, dáng dấp thon thả. Bốn Xị nói:
- Giới thiệu với chú Tuông, đây là anh Xuyên và cô Hoa ở dưới phố lên tìm mua phong lan và chim cảnh. Chú dẫn lối chỉ đường giúp tôi
Thường ngày Bốn Xị ăn mặc luộm thuộm, nói năng cục mịch, không biết hôm nay trời đổi gió hay sao áo quần tươm tất, ăn nói văn hoa. Tuông liếc sang hai vị khách cố đoán họ thuộc thành phần nào. Người ở phố giàu sụ can cớ chi đến nơi thâm sơn cùng cốc để mua hoa lan, chim cảnh. Nghĩ vậy, Tuông nói:
- Tôi không phải là người khai thác rừng. Anh chị thông cảm!
Người đàn ông chìa tay ra, nhếnh mép cười ranh mãnh:
- Anh đừng khiêm tốn. Tôi biết anh rất sành sõi cánh rừng này. Anh làm ơn đưa chúng tôi lên núi một chuyến. Chúng tôi không phụ công anh.
Cô gái bỗng lên tiếng:
- Thú thật cùng anh, ở phố không thiếu phong lan, chim cảnh. Chúng em đến đây là muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, mong anh dẫn đường.
Bốn Xị lại nài:
- Chú Tuông là hàng xóm mà chưa khi nào đến nhà tôi. Hôm nay mời chú và anh chị đây đến nhà uống ly rượu lạt
Tuông xua tay:
- Tôi không quen rượu chè. Với lại còn giữ lán trại, chăm sóc cây giống.
Bốn Xị cười:
- Giữ lán trại có sắp nhỏ tôi lo. Không lẽ chú Tuông chê nhà tôi nghèo hèn.
Cực chẳng đã Tuông theo ba người đến nhà Bốn Xị. Mấy nhóc chắc là được ba chúng căn dặn trước, ngoan ngoãn ngồi chơi bắt nẻ, vừa trông chừng lán trại. Một cuộc nhậu thịnh soạn được vợ của Bốn Xị bày ra giữa nhà trên chiếc chiếu dài, nào gà luộc, heo quay với mấy chai rượu màu sóng sánh vàng. Tuông đoán có lẽ rượu thịt được khách từ phố mang lên. Đầu óc Tuông cứ luẩn quẩn suy đoán dụng ý của những vị khách kia, vì sao Bốn Xị quen biết với họ... rồi vô thức nhắm mắt uống đại một ly rượu được cô gái đưa đến môi. Ngụm rượu như dòng nước nóng chảy rần rật xuống tận dạ dày, chảy tới đâu nghe tới đấy, khủng khiếp. Bốn Xị không đợi mời lâu, anh ta uống nhiều mà coi bộ còn thòm thèm. Người đàn ông và cô gái uống từ từ như tận hưởng vị ngon của rượu. Ánh nắng dát mật của chiều chuyển dần sang màu tím. Xương xẩu trộn lẫn với tàn thuốc lá vương vãi trên chiếu. Chai rượu thứ ba vơi phân nửa, Tuông thấy đầu váng vất. Anh nâng ly theo lời mời của khách, nhấp môi lại đặt ly xuống. Cô gái cười đểu:
- Tửu lượng anh Tuông yếu quá, hay để em gánh phần cho anh.
Tuông nghe cơn nóng bốc lên đỉnh đầu:
- Được thôi! Tôi và cô uống tay đôi xem ai say trước nào!
Người đàn ông đi với cô gái bật cười khanh khách:
- Khẩu khí khá lắm! Bất chợt anh ta hạ giọng:
- Chú Tuông thường đi núi hẳn biết chỗ nào có nhiều danh mộc?
Tuông cụng ly cái rốp với Hoa, đưa tay vuốt mặt, giọng lè nhè:
- Chuyện nhỏ. Vùng nào có cẩm lai, lim, chò
tôi đều biết hết!.
-----o0o-----
Nửa đêm Tuông thức giấc, đầu nặng như chì, miệng chua loét, cổ họng khát cháy. Có tiếng tằng hắng:
- Đã tỉnh chưa ông tướng? Ông say đến mức không còn biết trời đất! Tôi tha ông về còn khổ hơn vác bao tải gạo trăm ký.
Tuông gắng gượng ngồi dậy. Đây là lần đầu tiên anh nghe ông Xựng xưng hô với anh kiểu như vậy:
- Hôm qua cháu quá chén. Cháu xin lỗi bác, lần sau không còn như vậy nữa.
Ông Xựng vặn lớn ngọn đèn:
- Cháu tệ thật! Có đi chơi ở đâu thì cũng đợi bác về rồi hãy đi, nghĩ sao mà giao lán trại, cây giống cho mấy đứa bé ham chơi coi. Mà cái thằng cao lớn, tướng tá dữ tợn với con bé trắng phau, ánh nhìn lấm lét ấy là ai? Cháu kết giao với chúng từ bao giờ?
Tuông như gà mắc tóc:
- Ông Bốn Xị giới thiệu là người ở phố lên đây mua chim cảnh, hoa lan
Ông Xựng cười nhạt:
- Dân buôn gỗ chính hiệu đó. Cháu liệu hồn!
Tuông tỉnh hẳn:
- Thiệt vậy không bác?
Ông Xựng nói như sợ người ngoài nghe thấy:
- Mấy ông kiểm lâm nói vậy, họ theo dõi từ trước.
Tuông tháo mồ hôi hột:
- Đúng rồi! Cháu nhớ lúc nhậu dường như một trong hai người có hỏi cháu về các loại gỗ quý ở trong núi và nơi tập trung danh mộc. Thì ra chúng nhằm vào cháu mà moi tin...
Tuông lại vào rừng, nhưng lần này có cả bác Xựng và cán bộ kiểm lâm phối hợp với công an tỉnh ém quân chờ bọn phá rừng. Tiếng chim vẫn líu lo. Rừng vẫn xanh um. Giữa cảnh thanh bình, thơ mộng ấy bất chợt có tiếng nói lao xao của một đoàn người lô nhô tiến lên con dốc. Họ vác rựa, cưa máy, tản mác vào những tàng cây hàng trăm năm tuổi. Tiếng cưa máy vừa rìn rĩn, re re, ong ong, tiếng cây vừa ngã đổ vang lên, cũng là lúc tiếng hô sắt gọn của kiểm lâm, công an vang động núi rừng. Bọn phá rừng sa lưới!
-----o0o-----
Đấy là chuyện của ba mươi lăm năm trước. Bây giờ Tuông đã là một cán bộ của lâm trường đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn say mê trồng cây gây rừng và tự nguyện làm người bảo vệ rừng. Ông Tuông cất một ngôi nhà cấp bốn ở ngay dưới chân rừng sống với vợ nguyên là cấp dưỡng của lâm trường. Hai đứa con ông đều theo nghề trồng và bảo vệ rừng. Ba mươi lăm năm trước, Tuông đã suýt mất mạng khi bọn buôn gỗ trở lại trả thù, lén cho người đốt trại của Tuông và cụ Xựng. May mà cụ Xựng cảnh giác cao, nên Tuông và cụ mới thoát khỏi đám cháy. Sau này, kẻ cầm đầu bọn buôn lậu gỗ, cũng là người đàn ông cao to tên Xuyên tiếp cận Tuông, bị bắt, nhận bản án thích đáng.