09/03/2021 - 16:18

Người được ủy quyền có được ủy quyền lại cho người khác hay không?

Tôi có nhận ủy quyền thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền, vì lý do cá nhân, tôi không thể tiếp tục thực hiện thì tôi có được ủy quyền lại cho người khác tiếp tục công việc không? Nếu người được tôi ủy quyền gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc thì tôi có bị liên quan đến vấn đề bồi thường không?

THÀNH ĐẠT (ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) 

Luật sư Lê Công Hậu, Công ty Luật TNHH MTV Lê Hoàng, tư vấn như sau: 

Dựa vào những thông tin trên, trong trường hợp này, bạn có thể được ủy quyền lại cho người khác thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khoản 1, Điều 564, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp: có sự đồng ý của bên ủy quyền; do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được”.

Vì vậy, dựa vào thông tin mà bạn đã cung cấp là “vì lý do cá nhân” nên bạn không thể tiếp tục thực hiện công việc của mình là thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, bạn phải có được sự đồng ý của bên ủy quyền thì mới được phép ủy quyền lại cho người khác hoặc bạn phải chứng minh được rằng “vì lý lo cá nhân” ở đây là do sự kiện bất khả kháng. Tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh… Nếu như không ủy quyền lại cho người khác thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người ủy quyền.

Bên cạnh đó, trong trường hợp người được ủy quyền lại thực hiện công việc mà gây ra thiệt hại thì người ủy quyền lại phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người ủy quyền (trong trường hợp người được ủy quyền thực hiện đúng hình thức của hợp đồng ủy quyền lại giữa người được ủy quyền với người được ủy quyền lại). Khoản 3, Điều 564, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu”. Trong trường hợp này thì hình thức của hợp đồng ủy quyền lại phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu cho nên khi có thiệt hại xảy ra thì người được ủy quyền lại phải chịu trách nhiệm với người được ủy quyền. Nhưng hiện nay, pháp luật không có quy định về việc công chứng hợp đồng ủy quyền lại mà chỉ có quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền căn cứ vào Điều 55, Luật Công chứng 2014. Để hợp đồng ủy quyền lại có giá trị về mặt pháp lý, bạn nên công chứng hợp đồng ủy quyền lại tại các tổ chức hành nghề công chứng để thuận tiện sau này khi có tranh chấp xảy ra (chẳng hạn như vấn đề bồi thường mà bạn đã đề cập) thì hợp đồng ủy quyền lại có công chứng sẽ là bằng chứng có giá trị chứng minh.

H.Y (thực hiện)

Chia sẻ bài viết