11/04/2020 - 06:17

Người cao tuổi, bệnh mạn tính có nguy cơ cao mắc COVID-19 

Theo số liệu thống kê của cơ quan y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn những người khác, bệnh cảnh nặng nề hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ khám bệnh cho người cao tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) thường nặng hơn ở những người trên 60 tuổi hoặc những người có sẵn các vấn đề sức khỏe như các bệnh về tim, phổi, đái tháo đường hoặc các bệnh gây ảnh hưởng hệ miễn dịch. 

Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong vì mắc COVID-19 ở người trên 70 tuổi lên tới 19%; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); 6% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, 8/10 ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ là người cao tuổi.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi. Phần lớn, trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Theo kết quả của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh; và con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

Do vậy, nhóm người cao tuổi, có bệnh nền là đối tượng dễ tổn thương nhất nếu không may mắc bệnh COVID-19. Bộ Y tế vừa có Quyết định 1588/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”. Việc phòng ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19 không chỉ giúp phòng tránh lây lan bệnh ở một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong chung, mà còn góp phần trì hoãn đỉnh dịch, tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế. 

Văn phòng WHO tại Việt Nam phối hợp Bộ Y tế xây dựng các biểu bảng, đồ họa hướng dẫn biện pháp bảo vệ nhóm những người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19. Do vậy, đối với nhóm có nguy cơ cao, ngay bây giờ cần tìm hiểu và thực hiện các hành động đúng đắn để bảo vệ chính mình. Nếu không thuộc nhóm có nguy cơ cao, người dân vẫn phải nhớ thực hành các khuyến cáo phòng bệnh của WHO. Nguy cơ thấp không có nghĩa là không có nguy cơ. Hãy góp phần bảo vệ mình để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đặc biệt là ngăn chặn lây lan sang nhóm những người có nguy cơ cao.

Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, người thuộc nhóm nguy cơ cao cần lên kế hoạch khám định kỳ trước với bác sĩ (ví dụ có thể vào giờ thấp điểm) và xin lời khuyên về những điều phải làm nếu có dấu hiệu bị bệnh; đảm bảo đã được tiêm phòng đầy đủ; dự trữ đủ cơ số thuốc thường dùng, thực phẩm có thể để được lâu và các vật dụng khác để giảm tối thiểu việc phải đi ra khỏi nhà; luôn cập nhật các khuyến cáo về sức khỏe của Chính phủ, Bộ Y tế và WHO.

Tất cả người dân hãy bảo vệ chính mình trong đại dịch COVID-19 bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; thường xuyên làm sạch và khử trùng các đồ vật hay chạm vào; tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; tránh tụ tập hoặc đến những nơi đông người; tránh tiếp xúc gần với những người bị sốt hoặc ho; duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục hằng ngày và ăn thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng. Khi có các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi và/hoặc khó thở, cần gọi ngay cho cơ sở y tế gần nhất hoặc đường dây nóng 19009095,19003228 của Bộ Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết