06/07/2013 - 20:33

NGƯỜI ANH HÙNG VỚI TRẬN ĐÁNH Ở “NGỌN ĐỒI 2 TRIỆU ĐÔ LA”

Tôi về núi Tô vào buổi sáng đẹp trời, sương trên ngọn cây rừng ven đường lác đác tan, hơi lạnh của núi phà vào mặt làm mát rượi. Thoáng xa, núi Tô còn lảng vảng những áng sương mờ ảo trông như chiếc áo lụa trắng khoác lên mình người thiếu nữ đang xuân khiến phong cảnh trở nên tuyệt đẹp! Hễ ai một lần đến với An Giang, đến với núi Tô nơi có đồi Tức Dụp sẽ được nghe và nhớ mãi về trận chiến lịch sử 128 ngày đêm của quân và dân An Giang!

Trong tất cả những con người làm nên lịch sử, nhiều người không còn nữa, nhiều người chẳng còn nhớ rõ ràng, may thay tôi được gặp một nhân chứng sống - chứng kiến, chiến đấu với địch suốt 128 ngày đêm khốc liệt nơi đồi Tức Dụp – ngọn đồi 2 triệu đô la thuở ấy. Đó là Anh hùng Lực lượng Vũ trang (AHLLVT) Lê Thành Cư – còn gọi là Hai Cư - một trong những người lính "Kiên cường, bất khuất, giữ vững núi Tô".

Sau hai đợt tấn công Tết Mậu Thân của ta, địch bị thiệt hại nặng nề. Ở Bảy Núi địch tăng cường đánh phá phong trào cách mạng. Vùng Tri Tôn, Tịnh Biên trở thành trung tâm của những cuộc chà đi sát lại của nhiều cuộc hành quân và bom đạn của địch. Bởi chúng thấy được nơi đây là vùng trọng yếu của ta, lại có căn cứ của Tỉnh ủy An Giang và cán bộ từ Khu 8 về đóng ở đồi Tức Dụp.

Thấy không thể phá được Bảy Núi mà trọng tâm căn cứ Tức Dụp núi Tô bằng những trận càn nhỏ lẻ, Mỹ- ngụy tăng cường đánh phá với quy mô lớn, cao điểm là trận 128 ngày đêm ở đồi Tức Dụp. Đồng chí Hai Cư kể: "Từ ngày 17-11-1968, địch bắt đầu mở cuộc hành quân lớn bắn phá vào đồi Tức Dụp, chúng tập trung 13 trận địa pháo, có 70 cây, nó hạ nòng bắn thẳng vào đồi; từng tốp máy bay B52 từ hướng Thái Lan bay qua, cứ cách 10 phút thì sà xuống thả một chập bom (mỗi 1 phi vụ gồm 3 chiếc); rồi B57 rải bom dọn đường, liên tiếp cả đám trực thăng hạ cánh, dồn quân xuống núi; địch từ dưới đánh lên, từ trên đánh xuống… Chu vi của quả đồi chỉ gần 2km mà chúng sử dụng cả mười mấy ngàn quân (hơn 18 ngàn) vây chiếm, cộng thêm B52, B57, pháo, M113…, ném bom bắn phá liên tục thì cảnh tượng hãi hùng như thế nào ?".

Đồi Tức Dụp hôm nay. 

Trước cảnh núi Tô, đồi Tức Dụp bị băm nát bởi đạn bom, sau cuộc họp khẩn ở Hội trường C6, ông Hai Cư cùng lãnh đạo Đảng bộ, chiến sĩ của đồi thề quyết tử với giặc. Với chỉ hơn 136 người, gồm cả lãnh đạo, phụ nữ, trẻ con; còn lực lượng chiến đấu chỉ khoảng gần 36 tay súng, họ đã chiến đấu rất anh dũng; bám trụ, giằng co (có cả vật lộn) với địch trên từng hốc đá, mỏm đá.

Cuộc chiến đấu quyết liệt, quân ta kìm đường tiến của địch, địch giăng thép gai, gài mìn, chặn đường rút của ta, hàng ngày chúng đều đổ quân, trút bom đạn xuống Tức Dụp. Để khích lệ tinh thần quân Mỹ – ngụy, Mỹ ra cái giá 2 triệu đô la tiền thưởng cho bọn chỉ huy quân ngụy nếu chiếm Tức Dụp Cô Tô.

Ta vừa trực tiếp canh gác đánh trả, lại đẩy mạnh khắc phục những khó khăn trong hang: không cơm ăn, không nước uống, không thuốc trị thương… Địch rào thép gai, mìn khóa chặt ta, ta lại không bắt được liên lạc tiếp viện ở bên ngoài, do người dân bị đưa vào ấp chiến lược. Để trụ vững chiến đấu với địch, đồng chí Hai Cư và một số chiến sĩ tình nguyện "mở đường máu" xuống núi tìm lương thực, gạo, thuốc từ bà con Khmer trong vùng. Ông nghẹn ngào: "Đau xót lắm ! Đối đầu với địch bị thương, hy sinh rất ít nhưng anh em đi tìm lương thực thì lại hy sinh nhiều, do đạp phải các loại mìn gài của địch. Thức ăn lúc ấy chỉ là củ nừng, môn nước, khoai mì, cháo lưng bát...".

Những ngày sau đó địch liên tục đổ quân, những toán lính biệt kích rừng núi tinh nhuệ nhất, bọn lính đánh thuê PakChungHy - Nam Hàn liều chết cũng được phái đến, bọn này nhảy trên đá rất giỏi; địch tăng cường thêm hỏa lực, vũ khí hóa học, bom xăng, bom bi… bỏ lăn lùa vào những vách đá, mõm đá, những lò ảng cho nổ tung rồi bốc lên từng cột lửa lớn ngùn ngụt nhằm đốt cháy cả núi Tô: "Chúng dùng bom hơi cay bỏ xuống, anh em chịu không nổi, nhiều người đã ngất xỉu. Sau mới nghĩ ra cách phòng độc: lấy vải thấm nước tiểu rồi trùm lên mặt, nhưng đến lúc đạn nổ rang trời tiểu không ra, lúc đó chỉ lo tránh bom, lo bắn với địch thôi, làm sao mà tiểu được" – đồng chí Hai Cư nhớ lại. Nhưng trong cái khó ló cái khôn: "Tôi cùng các chiến sĩ lấy dù của địch khâu lại thành cái mùng, hễ nghe tiếng "tít" rồi tiếng hú của bom là anh em giở mùng chui vô để chống hơi độc, khoảng vài phút giở mùng ra thì địch mò tới ta bắn liên tục, nhờ vậy mà khói độc gì cũng không sợ".

Cuộc chiến đấu mỗi ngày một ác liệt. Với sự nhanh nhẹn, gan dạ ta giáng cho địch nhiều đòn thảm hại, có lúc diệt gọn cả một trung đội.

Hàng ngày, ngoài những trận dội bom pháo, những lúc rảnh rỗi địch còn dùng máy bay đảo vòng vòng kêu gọi quân ta đầu hàng. Đồng chí Hai Cư kể: "Ngày nào nó cũng làm vậy, nhưng anh em không thèm để ý, những khi trời yên gió lặng, anh em một mặt canh gác, làm nhiệm vụ đi lấy đồ tiếp tế, thu lượm vũ khí của địch trang bị cho ngày chiến đấu mới; những buổi họp, tiếng ca, tiếng cười cứ đều đều vang mãi trong vách đá như chẳng có chút gì là đau thương, vất vả, sợ sệt…". Mỹ - ngụy thất bại ở Bảy Núi với nhiều nguyên nhân, phải chăng trong đó có lòng lạc quan, yêu đời của những người hùng nơi "Đất thép" núi Tô này…

* *

*

Cuộc đối đầu thập tử nhất sinh 128 ngày đêm với giặc rồi cũng qua. Nhân dân vùng Tri Tôn, đồi Tức Dụp vẫn đứng vững trước 2.000 quả bom, hàng chục ngàn quả pháo đủ loại, đủ cỡ; hiên ngang trước hàng muôn vạn viên đạn, quả mìn… Qua trận đánh, ta loại khỏi vòng chiến 4.700 tên địch, thu được 1.700 súng và nhiều quân trang quân dụng; bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, xe tăng, bọc thép M113…

Cuộc chiến đấu lịch sử, chiến thắng 128 ngày đêm vẻ vang của quân, dân An Giang ở Tức Dụp làm thất bại hoàn toàn những kế hoạch bình định chiếm đóng của Mỹ ở An Giang.

Sau chiến thắng, lực lượng cách mạng giành quyền kiểm soát trên vùng rộng lớn, hầu khắp Tri Tôn và Tịnh Biên, địch co cụm lại trong đồn bót, từ đó trở đi ta đẩy mạnh xây dựng, củng cố lực lượng, người dân toàn vùng Bảy Núi được tự do làm ăn, sinh sống...

Chiến thắng 128 ngày đêm ở đồi Tức Dụp – núi Tô là khúc tráng ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân An Giang và bộ đội chủ lực. Chiến tranh đã lùi xa, những kỷ niệm, nỗi đau về một thời máu lửa vẫn còn được AHLLVT Lê Thành Cư nhớ như mới hôm nào. Ngọn đồi xưa đối diện cửa nhà khoảng 2km vẫn sừng sững; màu xanh của rừng, của vườn cây trĩu quả, của ruộng lúa mượt mà… đã lấp đi những vết đạn, hố bom, tất cả đã đổi thay. Ông cười xòa: "mắt mờ rồi, chỉ thấy một màu xanh xanh trên núi vậy thôi, chứ không thấy rõ…", vết tích oai hùng lịch sử làm sao quên được, dẫu thời gian cứ trôi…Ông luôn tự hào và kể lại chuyện cũ bằng chất giọng sang sảng khi có ai đó hỏi về trận đánh "long trời lở đất" của ông và đồng đội ở ngọn đồi "2 triệu đô la"...

Liêu Ngọc Ân

Chia sẻ bài viết