13/09/2020 - 11:57

Ngủ kém có liên quan đến cơ chế khởi phát Alzheimer 

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California - Berkeley (Mỹ) vừa phát hiện mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ kém và việc tích tụ nhiều prôtêin độc hại beta-amyloid, một trong những tác nhân dẫn đến chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer). 

Ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Ảnh: iStock

Ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Ảnh: iStock

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã xem xét mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ mắc Alzheimer trên 32 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 70 - 90 tuổi. Đầu tiên, họ được yêu cầu ngủ 8 tiếng trong phòng thí nghiệm để các nhà nghiên cứu ghi nhận sóng não, nhịp tim, nồng độ ôxy trong máu và các chỉ số thể chất khác cho thấy chất lượng giấc ngủ của từng người. Những năm tiếp theo, họ được chụp cắp lớp phát xạ positron (PET) não bộ để theo dõi tốc độ hình thành các mảng bám beta-amyloid.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy có mối tương quan rõ ràng giữa chất lượng giấc ngủ của các đối tượng nghiên cứu và sự tích tụ mảng bám beta-amyloid theo thời gian. Đặc biệt, kết quả phân tích chỉ ra rằng giấc ngủ bị gián đoạn và thời lượng giấc ngủ non-REM (không chuyển động mắt nhanh) ít hơn có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành các mảng bám beta-amyloid. 

Theo các chuyên gia, kết quả trên củng cố giả thuyết của họ cho rằng chất lượng giấc ngủ vừa là một chỉ dấu sinh học vừa là một dấu hiệu cảnh báo trước nguy cơ phát triển Alzheimer. Bước tiếp theo của nghiên cứu là điều tra xem liệu các biện pháp can thiệp nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ có thể làm giảm tốc độ tích tụ mảng bám amyloid hay không.

Tác giả chính Joseph Winer cho biết: “Giấc ngủ sâu và giúp cơ thể phục hồi có khả năng làm chậm tiến triển của bệnh, do đó chúng ta nên ưu tiên việc này. Và nếu các bác sĩ hiểu được mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ Alzheimer, họ có thể hỏi thăm các bệnh nhân lớn tuổi về chất lượng giấc ngủ và đề xuất biện pháp cải thiện giấc ngủ như một chiến lược phòng ngừa căn bệnh thoái hóa thần kinh này”.

Ngoài chất lượng giấc ngủ, 8 dấu hiệu dưới đây cũng có thể cảnh báo sớm nguy cơ mắc Alzheimer.

+ Hay quên. Đây là một dấu hiệu điển hình của chứng mất trí nhớ, với  biểu hiện là thường xuyên thất lạc những vật dụng cần thiết (như chìa khóa, điện thoại, ví tiền...) hoặc không nhớ nổi mình vừa ăn gì vào buổi sáng.

+ Tâm trạng thất thường. Sự thay đổi tính khí này thường được nhận biết bởi người khác, chứ không phải từ bản thân người bệnh. Do bệnh tình ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và nhận thức, nên bệnh nhân ít để tâm đến cách hành xử của mình.

+ Mất hứng thú với các sở thích trước đó. Do Alzheimer ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, bệnh nhân dễ quên những thứ họ từng yêu thích, chỉ vì suy nghĩ về chúng đã biến mất khỏi đầu họ.

+ Thiếu tập trung. Thường xuyên cảm thấy thiếu tập trung, mất định hướng và lạc lõng trong cuộc sống rất có thể là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ, nên đi gặp bác sĩ.

+ Quyết định vội vàng. Hành động vội vàng, hấp tấp không suy xét hậu quả cũng là biểu hiện thường thấy ở người bị sa sút trí tuệ.

+ Mất phương hướng. Hay quên các tuyến đường hoặc địa điểm quen thuộc là dấu hiệu đáng lo ngại của bệnh mất trí nhớ, nhất là với người lớn tuổi - đối tượng cần được quan tâm nhiều để tránh nguy cơ lạc đường hoặc đến những nơi nguy hiểm.

+ Khó diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc. Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường gặp trở ngại trong việc sử dụng ngôn từ để bày tỏ quan điểm cá nhân một cách tự nhiên. Đó là do bệnh tình đã ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ của họ.

+ Gặp khó trong sinh hoạt thường ngày. Những hoạt động đơn giản và quen thuộc - như pha một ly trà, khóa cửa - có thể trở thành thách thức đối với người bị mất trí nhớ, do chức năng não bộ và nhận thức của họ dần kém đi.   

AN NHIÊN (Theo New Atlas, The Sun)

Chia sẻ bài viết