09/01/2009 - 08:03

Ngoại giao nghị viện góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

Trong 2 ngày 8 và 9-1, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban châu Âu - Dự án hỗ trợ thể chế cho Việt Nam tổ chức hội thảo “Ngoại giao nghị viện - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại- Quốc hội Việt Nam; ngài Anders B. Johnsson, Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU); bà Madeleine Kihlberg, Tham tán, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam; Đại diện Vụ Hợp tác liên nghị viện của Quốc hội Pháp; đại diện Đại học Monash và các đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và liên kết khu vực mạnh mẽ như hiện nay, ngoại giao nghị viện với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đồng thời, Ngoại giao nghị viện cũng góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, giảm thiểu những bất đồng và định kiến, làm sâu sắc tình hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.

Đối với Việt Nam, thực hiện chính sách mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong sự phát triển chung đó có sự tham gia tích cực của đối ngoại Quốc hội trên cả hai lĩnh vực song phương và đa phương.

Về hoạt động song phương, Quốc hội Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới, qua đó tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.

Về hoạt động đa phương, nếu như trước đây Việt Nam chỉ tham gia một tổ chức liên nghị viện là Liên minh nghị viện thế giới (IPU), thì nay Việt Nam đã là thành viên của 7 tổ chức liên nghị viện khác. Đó là Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP), Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Diễn đàn nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPPD), Tổ chức nghị sĩ châu Á về môi trường và phát triển (APPCED). Ngoài việc tham gia tại 8 tổ chức liên nghị viện quốc tế nói trên, Việt Nam còn tham gia một số diễn đàn liên nghị viện hoạt động không thường xuyên khác. Thông qua các hoạt động đa phương, Quốc hội Việt Nam đã tích cực trao đổi, đề xuất các sáng kiến, đưa ra các khuyến nghị mang tính xây dựng thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời qua đó góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Có thể khẳng định, hoạt động ngoại giao nghị viện, cùng với ngoại giao Chính phủ và ngoại giao nhân dân đã góp phần hỗ trợ thiết thực cho phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước...

Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình về lĩnh vực ngoại giao nghị viện, rút ra những bài học bổ ích, tìm ra phương hướng và những giải pháp tối ưu thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động ngoại giao nghị viện trong thời gian tới.

VĂN SƠN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết