09/05/2020 - 08:29

Ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc 

Khi xuất hiện ngày càng nhiều lời chỉ trích nhắm về phía Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh xử trí sai lầm trong giai đoạn đầu của dịch bệnh khiến COVID-19 lan khắp toàn cầu và “đánh gục” nhiều nền kinh tế, các nhà ngoại giao nước này đã xung đột với những quốc gia sở tại theo cách hiếm thấy trong thời bình.

  Ảnh: AP

Hồi giữa tháng 3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (ảnh) gây ồn ào khi cáo buộc quân đội Mỹ cố tình gieo rắc virus Corona ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tại Brazil, đại sứ Trung Quốc cáo buộc con trai của Tổng thống Jair Bolsonaro bị nhiễm “virus tâm thần”, do người này chỉ trích sự nhập nhằng của Bắc Kinh về đại dịch. Đại sứ Trung Quốc tại Stockholm Gui Congyou hồi đầu năm cũng từng phản pháo mạnh mẽ những chỉ trích của Thụy Điển về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Chỉ trong vài tuần qua, ít nhất 7 đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi đã bị chính quyền nước sở tại triệu tập để trả lời các cáo buộc, từ truyền bá thông tin sai lệch đến đối xử “phân biệt chủng tộc” với người châu Phi tại Quảng Châu.

►Chiến binh hung hăng

Thật ra, ngay từ trước khi COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược ngoại giao đả kích mang tên “Chiến lang” (Wolf Warrior), đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng (ra mắt vào năm 2017), trong đó quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu. Để thực hiện chiến lược này, một thế hệ nhà ngoại giao trẻ tuổi của Trung Quốc thể hiện nhiệt huyết và lòng trung thành như những chiến binh dân tộc chủ nghĩa hung hăng, thậm chí có lúc tung ra những thông điệp mang tính hăm dọa với quốc gia mà họ được phái tới.

Gần đây, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong dẫn lời giới quan sát cho rằng những nhà ngoại giao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục đăng đàn trên Twitter và Facebook - hai mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc - để nói tốt về nước này cũng như phản bác các ý kiến của phương Tây nhắm vào Trung Quốc liên quan dịch COVID-19. Được biết, trong 6 tháng qua, nhiều nhà ngoại giao và đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới đã mở tài khoản Twitter. Lợi dụng Twitter, đại sứ quán Trung Quốc tại Caracas thậm chí đăng đàn chỉ trích kịch liệt cả đồng minh Venezuela vì các quan chức nước này (không nêu trên) gọi virus Corona là “virus Trung Quốc hay Vũ Hán”. Đoạn kết của bài viết tỏ ra giận dữ khi yêu cầu các quan chức Venezuela có liên quan “hãy mang mặt nạ và câm miệng”.

►Thế giới phản đòn

Năm ngoái, không lâu sau khi được cất nhắc giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã than thở về tình trạng “thiếu tinh thần chiến đấu” trong hàng ngũ các đồng nghiệp, rằng họ không chịu làm hết sức quảng bá hình ảnh “chuẩn mực” của quốc gia. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Zhao Tong của Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa nhận xét lời kêu gọi “tinh thần chiến đấu” của Bắc Kinh đã thổi bùng lên một lối diễn giải mang tính dân tộc rằng “đã đến lúc Trung Quốc đứng dậy đương đầu với sự thù địch từ phương Tây”.

Theo chuyên gia John Seaman tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, những sai lầm trong bước đầu phòng dịch của Mỹ, châu Âu đã cho Bắc Kinh cái cớ thuận lợi để “ra trận”. Đơn cử như vụ đại sứ Trung Quốc tại Paris - Lu Shaye - đăng bài viết phê phán các viện dưỡng lão Pháp bỏ mặc người già đến chết. Các chuyên gia cũng có chung nhận định rằng sự hiếu chiến nói trên nhiều khả năng sẽ tăng cao trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của loại virus chết người. Tổng thống Donald Trump cũng đã thúc giục giới tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc virus, thúc đẩy giả thuyết nó bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù hầu hết cơ quan tình báo vẫn hoài nghi nhận định này.

Nguy cơ mất kiểm soát

Một số nhà ngoại giao kinh nghiệm như ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ giữ khoảng cách khi cho rằng việc phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói virus do quân đội Mỹ mang vào Trung Quốc “có hại, không giúp ích cho ai cả”. Những người khác cũng bày tỏ nghi ngại về chiến lược ngoại giao “chiến lang”. Zi Zhongyun, chuyên gia lâu năm về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận thấy sự tương đồng trong các phát ngôn chủ nghĩa dân tộc của chính sách “chiến lang” hiện nay với nỗ lực chống lại ảnh hưởng phương Tây thời Phong trào Nghĩa Hòa (phong trào bạo lực tại Trung Quốc giai đoạn 1899-1901). Theo bà Zi, cách phản ứng như thế có nguy cơ khiến “mọi thứ mất kiểm soát”. Nhà nghiên cứu Pang Zhongying thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cảnh báo rằng thế hệ “chiến lang” Trung Quốc đang hành xử ngược lại với tinh thần chung của nghề ngoại giao.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết