Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra trên địa bàn với tổng số 17 người mắc, không có ca tử vong. Trao đổi với phóng viên báo Cần Thơ, ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố, cho biết:
- NĐTP là do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc.
Nguyên nhân của các vụ NĐTP trong 6 tháng đầu năm 2012: 1 vụ do nhiễm vi sinh (Bacillus cereus); 1 vụ do nhiễm độc histamine (từ cá ươn); 1 vụ không xác định nguyên nhân. Tính chất: 1 vụ tại nhà ăn tập thể (8 người mắc); 1 vụ từ thức ăn bán trước cổng trường (6 học sinh mắc); 1 vụ tại hộ gia đình (3 người mắc).
* Nguyên nhân của các vụ NĐTP phần lớn là do nhiễm vi sinh vật, như vậy người bị ngộ độc dạng này thường có những biểu hiện gì ? Nếu không được cấp cứu kịp thời có ảnh hưởng đến tính mạng không ? Ngộ độc dạng này có để lại hậu quả gì lâu dài đối với sức khỏe bệnh nhân?
- Ngộ độc do vi sinh vật là do tác nhân từ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... Người bị NĐTP do vi sinh vật thường biểu hiện qua triệu chứng lâm sàng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng. Ngoài ra, có thể bị choáng váng, nhức đầu, nhiều trường hợp có sốt... Một số độc tố của vi khuẩn có thể gây tổn thương hệ thần kinh và tim mạch (co giật, tê cóng, lảo đảo, thấy song hình, suy hô hấp, trụy tim mạch...). Phần lớn dạng ngộ độc này ít gây tử vong (dưới 5%); ngoại trừ người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người già do tác nhân là độc tố của vi khuẩn. Ngộ độc do vi sinh không để lại hậu quả lâu dài, nếu được điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu nhiễm độc do hóa chất, kim loại nặng, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
* NĐTP do nhiễm vi sinh vật thường xảy ra từ nguyên nhân nào ?
- Do bảo quản thực phẩm không đúng cách. Ví dụ trữ lạnh không đủ nhiệt độ, do kỹ thuật tiệt trùng sản phẩm không đúng, côn trùng lây nhiễm, quá trình chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh (chẳng hạn bàn tay dơ bẩn khi tiếp xúc với thực phẩm), môi trường chế biến không sạch sẽ, nguyên liệu không tươi, đã bị ô nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng mà không được xử lý kỹ khi chế biến...
* Thưa ông, người dân phải làm gì để không xảy ra NĐTP do nhiễm vi sinh vật?
- Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, nhà hàng ăn uống, quán ăn, căn tin, nhà trẻ: Phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình chế biến, xử lý tiệt trùng sản phẩm, bảo quản thực phẩm đúng qui cách, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch... Đối với hộ gia đình và người tiêu dùng: Đảm bảo quá trình chế biến các món ăn tại gia đình hợp vệ sinh, không nên sử dụng thực phẩm nơi bày bán thức ăn kém vệ sinh, không nên mua sản phẩm mất phẩm chất, hư hỏng...
* Theo quy định, người gây ra NĐTP bị xử phạt thế nào, thưa ông ?
- Theo Nghị định 45/CP về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì người gây ra NĐTP bị xử phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra theo Luật An toàn thực phẩm, người gây ra NĐTP có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại nghiêm trọng, chết người thì buộc phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Trong 6 vụ ngộ độc xảy ra năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Đoàn kiểm tra đề nghị xử phạt 2 vụ, mỗi vụ 10 triệu đồng (một vụ tại nhà ăn của Xí nghiệp may Phong Đạt, quận Cái Răng, một vụ ngộ độc do bán xôi mặn thuộc địa bàn quận Bình Thủy (Sau đó xét giảm tiền phạt còn 2 triệu đồng, theo tình tiết giảm nhẹ).
* Thưa ông, đối với vụ ngộ độc tại quận Bình Thủy, một số người cho rằng dị ứng thức ăn, chứ không phải NĐTP, nên gọi thế nào cho đúng ?
-NĐTP là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc. Theo định nghĩa này thì khi ăn, uống bất cứ loại thực phẩm nào có chất gây hại (vi khuẩn, virus, kim loại nặng, độc chất...), kể cả ăn phải một số loại cá biển họ Scombridae (cá ngừ, cá thu, cá trích, cá nục...) đã bị ươn, do vi khuẩn yếm khí (M. morganii, W. perfringens...) kích hoạt histidine tạo ra lượng histamine rất cao (trên 150ppm) có thể gây ngộ độc. Thời gian qua, nhiều nhà ăn tập thể của một số tỉnh, thành từng xảy ra dạng ngộ độc này. Về mặt dịch tễ, người ta phân biệt giữa vụ NĐTP (Food poisoning outbreak) khi có trên 2 người mắc và trường hợp lẻ tẻ (sporadic case) xảy ra trên 1-2 cá nhân.
Dị ứng là hiện tượng phản ứng của hệ miễn dịch, do kháng thể IgE (globulin miễn dịch nhóm E) đối với một số chất kháng nguyên là protein lạ, còn gọi là dị nguyên, qua phản ứng sinh hóa tạo ra histamine và một số chất khác. Từ đó gây ra hiện tượng viêm tại chỗ và các triệu chứng điển hình như nổi mề đay, ngứa da, hen, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở... Dạng dị ứng thông thường chỉ xảy ra ở một số cá nhân có cơ địa mẫn cảm (ở trẻ em có độ mẫn cảm cao hơn) khi ăn một số loại thực phẩm như sữa, trứng, hải sản, một số loại đậu... ngay cả khi với số lượng rất ít, và hàm lượng histamine có trong thức ăn rất thấp, hoặc tiếp xúc với vật lạ như phấn hoa, cây cỏ, lông thú vật, do côn trùng đốt, một số loại thuốc kháng sinh, hóa chất...
Xét về mặt dịch tễ, ngộ độc thực phẩm và dị ứng với thức ăn là khác nhau. Trường hợp ngộ độc xảy ra cho 8 công nhân của một xí nghiệp tại quận Bình Thủy vừa qua chính là vụ ngộ độc do ăn cá ngừ đã bị biến chất (dạng ngộ độc scombroid).
* Xin cảm ơn ông!
HUỆ HOA (thực hiện)