30/01/2013 - 21:23

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Cần Thơ

Hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức nghiệm thu Công trình nghiên cứu “Sưu tầm, nhân bản các số An Hà Báo và nghiên cứu sự phản ánh đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, văn học tại Cần Thơ
qua tờ báo này”.

Hiện nay, nghiên cứu về văn hóa ở TP Cần Thơ được tiếp cận trên cả hai yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Tuy số lượng đề tài, dự án nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa chiếm tỷ lệ khá thấp so với các lĩnh vực khác, nhưng các công trình đã thể hiện sự sâu sắc, toàn diện của quá trình khảo sát, nghiên cứu. Lịch sử văn hóa Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung được khơi dậy, bảo tồn và phát triển từ thành quả của các công trình nghiên cứu.

Sau 2 năm thực hiện (2011-2012), đề tài nghiên cứu “Sưu tầm, nhân bản các số An Hà Báo và nghiên cứu phản ánh đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, văn học tại Cần Thơ qua tờ báo này” của Tiến sĩ Lê Ngọc Thúy, Trường Đại học Cần Thơ, được Hội đồng nghiệm thu khoa học thành phố đánh giá cao. Đây là công trình nghiên cứu được nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học của TP Cần Thơ cho rằng có ý nghĩa quan trọng, vừa đóng góp vào hoạt động lưu giữ, bảo tồn văn hóa của thành phố, vừa làm nền tảng cho những công trình nghiên cứu về văn hóa ở Cần Thơ về sau. An Hà Báo là một trong những tờ báo tư nhân ra đời ở Cần Thơ vào thập kỷ 20 của thế kỷ XX, xuất bản 1 tuần 1 số báo. Hơn 16 năm tồn tại (giai đoạn từ năm 1917 đến 1933), An Hà Báo đã phản ánh hoạt động kinh tế-xã hội, giáo dục, văn hóa, văn học… tại Cần Thơ và ĐBSCL. Qua đề tài nghiên cứu, giúp người dân Cần Thơ ngày nay thấy được bức tranh khá toàn diện về đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của Cần Thơ trong giai đoạn lịch sử này. Điển hình báo có nhiều bài tường thuật lại các cuộc cúng đình tại làng Tân An; khánh thành đình làng mới ở làng Thường Thạnh; lễ hội Tống ôn trong mùa dịch bệnh ở làng Nhân Ái; các cuộc múa rồng, múa lân; lễ cúng kỳ yên tại làng Tân An, lễ rước sắc thần ở làng Tân Quới... Đặc sắc nhất là liên tiếp trong nhiều năm, mỗi dịp Tết, báo đều có bài tường thuật “Lễ tết tại Cần Thơ”. “Kết quả đạt được của công trình sưu tầm, nhân bản các số An Hà Báo đã cho chúng ta thấy được những nét văn hóa đặc sắc của người Cần Thơ xưa và tất cả những yếu tố liên quan đến con người của mảnh đất Tây Đô. Từ đó, giúp đội ngũ trí thức, người làm nghiên cứu có những tiền đề cho công trình, dự án nghiên cứu văn hóa tiếp theo về Cần Thơ cũng như vùng”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Sau đại học Trường Đại học Cần Thơ, nhận định.

Trong giai đoạn 2004-2012, toàn thành phố đã triển khai thực hiện 8 đề tài, dự án về văn hóa. Những đề tài, dự án này đã đạt được mục tiêu cơ bản là đánh giá thực trạng hiện hữu của văn hóa ở TP Cần Thơ, làm tiền đề cho những giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng thời, giải quyết những vấn đề cụ thể là xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị với hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở. Về mặt văn hóa tinh thần, thành phố đã có những công trình nghiên cứu như: Địa chí Cần Thơ (2002); Văn hóa, văn nghệ dân gian Cần Thơ; Văn hóa sông nước Cần Thơ; Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền… từng bước định hình nền tảng hình thành văn hóa Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa tinh thần, các nhà nghiên cứu quan tâm chú trọng tính bao quát, bề dày của quá trình hình thành ở nhiều cấp độ khác nhau. Nghiên cứu văn hóa với khía cạnh vật chất ở giai đoạn này, có những công trình như: Cần Thơ xưa (tác giả Huỳnh Minh, năm 2001), Dân dã mà ngon (tác giả Tôn Thất Lang, năm 2009), Nhà cổ ở TP Cần Thơ (Bảo tàng Cần Thơ, năm 2010). Kết quả của những công trình nghiên cứu văn hóa đã góp phần khái quát diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc vùng ĐBSCL, Cần Thơ. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã nghiên cứu sâu sắc, chi tiết về văn hóa Tết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo… Một số đề tài nghiên cứu về văn hóa đã từng bước góp phần phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu trên các lĩnh vực. Như công trình nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của cố soạn giả Mộc Quán -Nguyễn Trọng Quyền, đã nêu bật vai trò, vị trí của soạn giả đối với quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương...

Theo soạn giả Nhâm Hùng, văn minh đô thị bao gồm những giá trị văn hóa hình thành trong quá trình đô thị hóa. Dấu vết văn hóa được thể hiện qua không gian kiến trúc, kết cấu hạ tầng, các công trình về kinh tế, hành chính, văn hóa, dân cư và cả nếp sống của con người trong giai đoạn lịch sử đó. Văn hóa xã hội của TP Cần Thơ đang có nhiều chuyển biến theo hướng phát triển kinh tế, gắn liền với thực hiện công bằng xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Từ đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các dịch vụ văn hóa phải đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được tăng cường, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội, làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Cần Thơ.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết