16/03/2016 - 22:27

THÁCH THỨC TỪ VÙNG ĐBSCL: TÁC ĐỘNG BỞI HẠN MẶN

Nghịch lý giá nông sản

Hạn, mặn đang bao trùm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản… thiệt hại nặng, mất trắng, sản lượng giảm đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng giá cả hàng nông sản trên thị trường hiện nay đang có nhiều diễn biến trái chiều.

Giá lúa gạo tăng "ảo"

Vụ đông xuân năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo như thường niên, do giá lúa hiện nay đã tốt, có lợi cho nông dân. Nhưng đó là với nông dân không bị thiệt hại bởi hạn, mặn; còn những nông dân trồng lúa bị mất trắng đang lo chuyện xoay vốn cho vụ hè thu 2016 tới.

Thương lái bán gạo cho doanh nghiệp tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè. Ảnh: N.S

Tại tỉnh Tiền Giang, vụ lúa đông xuân 2015-2016 vừa kết thúc nhưng thương lái vẫn lùng sục tìm mua lúa của nông dân. Mấy ngày qua, thương lái Hồ Văn Minh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã nhờ rất nhiều "cò" lúa chạy ghe vào các tuyến sông để tìm mua lúa của nông dân ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông Minh đã dự trữ được gần 100 tấn lúa IR50404, OM 4900 và đang tìm mua thêm khoảng 50 tấn lúa nữa. Tuy nhiên, đậu ghe 3 ngày nay chỉ mua được trên 5 tấn lúa. "Từ đầu vụ đông xuân, giá lúa gạo liên tục nhích lên, hạn hán diễn ra gay gắt ở vùng lúa trọng điểm của cả nước nên nhiều thương lái dự đoán giá lúa sẽ tăng, nên chúng tôi tranh thủ mua lúa dự trữ chờ giá"- ông Minh nói. Thương lái Nguyễn Văn Hải, xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết đã dự trữ trên 170 tấn lúa các loại. Ông Hải cho biết: "Chúng tôi theo dõi thông tin trên báo đài để dự đoán giá lúa gạo. Năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tốt nên tôi quyết định vay tiền để mua tạm trữ lúa".

- Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết, công ty thu mua được 420/650 ha lúa đông xuân trong mô hình cánh đồng lớn ở xã Mỹ Trung (Cái Bè), Phú Cường, Phú Nhuận (Cai Lậy) với giá cao hơn thị trường 50-100 đồng/kg.

- Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết đến nay, công ty thu mua được 1.075/2.067 ha lúa trong mô hình cánh đồng lớn, sản lượng thu mua được 7.850 tấn (chủ yếu Jasmine 85 chiếm 80%). Dự kiến đến ngày 20-3 sẽ kết thúc đợt thu mua.

Theo một số DN xuất khẩu gạo tỉnh Tiền Giang, hiện giá gạo 5% tấm ở trong nước có mức 380-390 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan chỉ có 360 USD/tấn; gạo 10% tấm của Việt Nam có giá 375 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 365 USD/tấn. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết từ đầu vụ đông xuân đến nay, công ty thu mua trên 36.000 tấn gạo. Giá lúa khô tùy chất lượng, mua tại kho lúa OM 5451 là 5.750-5.850 đồng/kg, OM 4900 là 6.000-6.050 đồng/kg, lúa IR 50404 là 5.600-5.700 đồng/kg, lúa Jasmine 85 giá 6.100-6.200 đồng/kg. Gạo lứt nguyên liệu hạt dài tùy chất lượng 7.200-7.300 đồng/kg, gạo lứt IR 50404 có giá 6.850-6.950 đồng/kg. Ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo vẫn ổn định nhưng diễn biến giá lúa gạo của thị trường trong nước rất khó đoán.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khẳng định: "Tình hình xuất khẩu gạo vẫn đang bình bình nhưng thông tin El Nino và hạn, mặn đang diễn ra gay gắt ít nhiều cũng tác động đến giá lúa, gạo. Về mặt tâm lý, ai cũng nghĩ như vậy nên khi vào vụ thu hoạch, giá lúa gạo đã được đẩy cao hơn, thậm chí có cả tâm lý đầu cơ. Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý rằng yếu tố tâm lý hình thành từ các thông tin khá dồn dập, lặp đi lặp lại của các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh diễn biến hạn và xâm nhập mặn cũng có phần đóng góp cho xu thế tăng giá. Nhưng tới đây, giá lúa gạo sẽ giảm vì với mức giá như vậy thì gạo Việt Nam biết bán cho nước nào". Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, TP Cần Thơ, giá lúa vụ đông xuân hiện tăng khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ. Theo đó, giá lúa tươi hạt dài giá 5.100 đồng/kg, lúa IR50404 giá 4.700-4.800 đồng/kg. Thực tế, hạn mặn không phải là yếu tố tác động đáng kể làm tăng giá lúa gạo ở ĐBSCL mà giá lúa gạo chủ yếu là do thị trường quyết định. Năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tốt và mức giá khả quan. Nhờ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nên công ty đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho các đơn hàng xuất khẩu và ký được giá tốt. Tính đến hết quý I/2016, công ty đã ký các hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn gạo các loại và đều là gạo thơm chất lượng cao với mức giá thấp nhất là 420 USD/tấn, cao nhất là 780USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu hiện nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 10-15USD/tấn nhưng mức giá này vẫn tăng chậm và chưa tương xứng với giá lúa gạo nguyên liệu doanh nghiệp thu mua, chế biến trong nước. Vụ đông xuân 2015-2016, Trung An hợp tác bao tiêu 6.000ha tại TP Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, ước tính các cánh đồng lớn do công ty bao tiêu đạt hơn 45.000 tấn lúa.

Theo thông tin từ DN, lượng lúa trong dân không còn nhiều mà chủ yếu là lượng lúa tích trữ từ các thương lái.

Rau, quả, thủy sản giảm giá

Ngoài cây lúa thì nắng hạn và mặn xâm nhập tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tác động tiêu cực đến sản xuất rau màu, cây ăn trái, thủy sản của nông dân. Nông dân ngoài thiệt hại mùa vụ, còn chịu tác động "kép" bởi các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao nhưng giá bán nhiều loại nông sản đầu ra lại sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Tân, ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Nhiều loại rau củ gần đây đã giảm giá khá mạnh; trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng, giá nhiều loại phân bón cũng tăng đáng kể. Cụ thể, tháng 2-2016 giá Urê Phú Mỹ chỉ ở mức 328.000 đồng/bao/50kg nhưng nay đã lên ở mức 340.000 đồng/bao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, lợi nhuận của nông dân". Ông Nguyễn Văn Nhanh, ngụ xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cho biết: "Gần đây, nhiều loại rau cải bị giảm giá xuống ở mức thấp. Nhưng việc tiêu thụ cũng khó, kêu thương lái rất khó, họ cho biết là hàng tiêu thụ chậm, rau củ giá rẻ từ các nơi đổ về khá nhiều nên không tích cực mua rau củ cho nông dân địa phương".

Nguồn rau củ quả dồi dào được tập kết tại một vựa đầu mối ở chợ Tân An, TP Cần Thơ để cung ứng cho các chợ và điểm bán lẻ ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thực tế gần đây, giá nhiều loại rau củ quả tại nhiều địa phương ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL như: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang… đã giảm bình quân từ 1.000-5.000 đồng/kg so với trước. Đơn cử, giá bán nhiều loại rau củ của nông dân như: rau muống, cải xanh, cải xà lách, dưa leo, củ cải trắng… từ mức 7.000-10.000 đồng/kg, nay giảm còn 3.000-6.000 đồng/kg. Giá giảm do gần đây sức tiêu thụ hàng trên thị trường không tăng nhưng nguồn cung nhiều loại rau củ quả lại tăng mạnh. Nguồn hàng tăng còn do thời gian qua nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển đổi từ lúa sang trồng các loại rau củ quả và cây trồng ít có nhu cầu nước tưới nhằm đối phó với tình hình thiếu nước trong sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, thời gian qua nông dân tại đây đã hình thành được các vùng trồng rau chuyên canh và sản xuất được nhiều loại rau củ quả để cung ứng cho thị trường các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Gần đây, thời tiết nắng nóng đã làm tăng chi phí chăm sóc cho nhiều loại cây trồng nhưng bà con đã chủ động chứa nước ngọt phục vụ bơm tưới cho cây trồng, năng suất cũng khá. "Về lâu dài không biết giá các loại rau củ quả thế nào, chứ gần đây giá nhiều mặt hàng đã giảm xuống ở mức thấp khiến bà con rất lo. Đơn cử, giá củ gừng trước đây còn ở mức 7.000-10.000 đồng/kg nhưng nay giảm xuống chỉ còn ở mức 4.000 đồng/kg. Dưa leo từ ở mức 130.000 đồng/bịch 15kg nay giảm còn 80.000 đồng/bịch"- ông Sáu nói.

Còn giá thủy hải sản tại nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn khá bình ổn. Tại nhiều chợ ở nội ô thành phố, giá bán lẻ cá rô nuôi và cá tra ở mức 35.000- 40.000 đồng/kg; rô phi, điêu hồng, ba sa: 45.000 -50.000 đồng/kg; cá rô đồng và cá tra đánh bắt tự nhiên có giá 60.000-65.000 đồng/kg; cá lóc nuôi 55.000- 60.000 đồng/kg, cá lóc đồng và trê vàng loại 1: 130.000-140.000 đồng/kg; cá trê trắng 80.000 đồng/kg; ếch nuôi: 50.000 đồng/kg, ếch đồng loại 1 khoảng 100.000 đồng/kg… Theo bà Lý Thị Cẩm Châu, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 2, Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, gần đây nguồn cung cá tra, rô phi, điêu hồng, basa… khá dồi dào và giá cả khá bình ổn. Các mặt hàng này sẽ tiếp tục bình ổn trong thời gian tới do nguồn hàng được đảm bảo. Riêng nhiều loại cá biển như: cá sòng, cá nục, bạc má,… giá đã giảm bình quân khoảng 3.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần do đang vào mùa đánh bắt cá biển. Hằng năm, lượng cá biển bán trên thị trường rất dồi dào trong thời điểm từ tháng 2 âm lịch đến tháng 6 âm lịch do thời tiết thuận lợi cho các hoạt động đánh bắt cá biển. Hiện giá bán cá sòng tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm 2 đang ở mức từ 23.000-30.000 đồng/kg tùy giá bán buôn hay bán lẻ; cá nục ở mức 25.000- 32.000 đồng/kg; cá hường 32.000-38.000 đồng/kg; cá bạc má: 33.000-40.000 đồng/kg; cá tra 23.000-30.000 đồng/kg; cá điêu hồng 36.000-46.000 đồng/kg; cá lóc nuôi 42.000-52.000 đồng/kg… Bình quân xí nghiệp bán ra thị trường khoảng 17-20 tấn cá các loại/ngày.

Hạn, mặn lịch sử đang đặt ra nhiều thách thức cho vùng ĐBSCL, đời sống người dân, sinh kế bị ảnh hưởng nặng nề. Lúa mất trắng, năng suất giảm; thủy sản, rau quả chi phí sản xuất tăng nhưng phải đối mặt với tình trạng rớt giá. Đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trong vùng đang ngày một khó hơn.

Khánh Trung-Thành Nam-Minh Huyền

Chia sẻ bài viết