15/04/2010 - 22:25

Nghịch lý cho cá tra và cá ba sa Việt Nam

Bằng việc đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD/năm, con cá tra Việt Nam trở thành ngành kinh tế thủy sản mũi nhọn của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, câu chuyện phát triển nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu con cá tra, ba sa ở trong nước cũng như tìm chỗ đứng ở nước ngoài cũng gặp nhiều sóng gió và chịu không ít điều nghịch lý.

Ở trong nước, nuôi trồng, chế biến cá tra trong thời gian qua được xem là một nghề “nóng”. Tuy nhiên, việc phát triển thiếu tính kế hoạch, thiếu quy hoạch... dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra những năm 2007-2008 và để lại dư âm nặng nề cho năm 2009 và những tháng đầu năm 2010: nhiều hộ nuôi cá tra phải treo hầm do nợ nần chồng chất. Hơn tháng qua, thị trường cá tra nguyên liệu cũng có nhiều biến động. Vào trung tuần 3 năm 2010, giá nguyên liệu cá tra đạt 16.800 – 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do biến động về tỷ giá giữa VNĐ và một số ngoại tệ, nhất là đồng đô-la Mỹ và đồng tiền chung châu Âu, sự biến động kinh tế... nên giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Sáng ngày 12-4, theo Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 500-700 đồng/kg so với cuối tháng 3-2010. Theo người nuôi cá tra, để chuyển hóa được 1 kg cá tra nguyên liệu cần 2kg thức ăn. Nếu chỉ tính thức ăn loại 22% đạm, hiện nay khoảng 8.400 đồng/kg, thì giá thành con cá tra đã ở mức 16.400 đồng/kg. Như vậy, với mức giá cá nguyên liệu hiện nay chỉ còn khoảng 16.200 – 16.300 đồng/kg, người nuôi cá tra... lỗ nặng.

Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu ở Công ty TNHH Công nghiệp Miền Nam, TP Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ 

Không chỉ gặp “vận rủi” ở thị trường trong nước, con cá tra nguyên liệu ở Việt Nam cũng đã và đang chịu nhiều áp lực ở thị trường nước ngoài. Đầu tiên, cá tra Việt Nam không được gọi tên Catfish theo thông lệ quốc tế vốn quen sử dụng, rồi vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ... Tiếp theo đó, những quy định, những rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, chế độ bảo hộ mậu dịch khắt khe, quy định về trọng lượng tịnh trong tỷ lệ mạ băng... của nhiều nước nhập khẩu liên tục đặt ra cho các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, con cá tra Việt Nam cũng chịu nhiều “tai tiếng”, ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu khi bị “bôi nhọ” ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước châu Âu, rằng: sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam không an toàn khi sử dụng, con cá tra của Việt Nam được nuôi trong môi trường không đảm bảo an toàn... ảnh hưởng khá lớn đến nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam.

Gần đây nhất, năm 2008, Mỹ ban hành một luật mới có tên là Farm Bill 2008 (Đạo luật Nông trại 2008), trong đó lại đưa cá tra, ba sa Việt Nam nằm trong nhóm “Catfish” (?!). Hiện nay, Đạo luật này đang được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp... và sẽ trình Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 6-2010. Theo Đạo luật Farm Bill, cá tra, ba sa Việt Nam muốn nhập khẩu vào Mỹ phải được nuôi theo đúng tiêu chuẩn áp dụng với cá da trơn tại vùng Đông Bắc Mỹ. Cụ thể, cá da trơn phải được nuôi trong các ao, hồ nước nông và nước giếng khoan. Trong khi đó, cá tra Việt Nam lại được nuôi trong nước tự nhiên ao, hầm... của hệ thống sông Cửu Long. Và theo nhận định của ngành hữu quan, nếu đạo luật này được thực thi, trong tương lai, sản phẩm cá tra Việt Nam rất khó vào thị trường Mỹ.

Liên quan tới những quy định của Đạo luật Farm Bill 2008, mới đây, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở TP Cần Thơ đã có thư gởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Tom Vilsack. Trong thư của các doanh nghiệp thủy sản TP Cần Thơ có đoạn: “Chúng tôi được biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang có dự định xếp cá tra, ba sa của Việt Nam (loài cá dòng Pangasius) và dạng Catfish cùng loại với cá da trơn Mỹ (loài cá dòng Ictalurus) nhằm đưa cá tra, ba sa của chúng tôi cùng phải chịu sự giám sát của đạo luật Farm Bill 2008. Chúng tôi phản đối ý định trên”.

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

113 DOANH NGHIỆP, CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, CHẾ BIẾN CÁ TRA, BA SA ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

(CT)- Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) vừa công bố danh sách 140 doanh nghiệp, cơ sở (gọi tắt là đơn vị) sản xuất, kinh doanh, chế biến cá tra, ba sa của cả nước đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 113 đơn vị, doanh nghiệp; trong đó, Long An và Bạc Liêu mỗi tỉnh 1 doanh nghiệp; Bến Tre, Trà Vinh và Hậu Giang mỗi địa phương 4 đơn vị, Cà Mau và Vĩnh Long 3 đơn vị. Các địa phương còn lại như Sóc Trăng (6 đơn vị), Đồng Tháp (17 đơn vị), Tiền Giang (18 đơn vị), An Giang (23 đơn vị) và TP Cần Thơ (29 đơn vị).

Theo NAFIQAD, Thông tư số 09/2010/TT-BNNPTNT ngày 26-2-2010 của Bộ NN&PTNT về các yêu cầu đảm bảo chất lượng, VSATTP trong chế biến sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu (có hiệu lực từ ngày 12-4-2010) quy định: Chỉ các lô hàng cá tra, ba sa được sản xuất từ các cơ sở sản xuất đã được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo quy định của Bộ NN&PTNT mới được phép xuất khẩu đi các thị trường. Các lô hàng cá tra, ba sa chỉ được làm thủ tục hải quan để xuất khẩu nếu kèm theo 1 trong 2 loại giấy chứng nhận chất lượng do các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1-6 (thuộc NAFIQAD) cấp. Cụ thể: Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo mẫu quy định của Quyết định 118/2008/QĐ-BNN ngày 11-12-2008 của Bộ NN&PTNT về việc Ban hành Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, VSATTP hàng hóa thủy sản, hoặc Giấy chứng thư vệ sinh (Health Certificate).

NAFIQAD sẽ liên tục cập nhật danh sách doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản Việt Nam đủ điều kiện đảm bảo VSATTP website: http://www.nafiqad.gov.vn.

Hà Triều

Trong thư, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản TP Cần Thơ đưa ra 2 lý do chính về việc phản đối của mình. Thứ nhất, cá tra, ba sa của Việt Nam và cá da trơn Mỹ khác nhau về cơ địa, chất lượng. Vì thế, về cách thức, điều kiện nuôi và chế biến hai dòng cá này hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, năm 2002, căn cứ vào sự khác nhau này, Quốc hội Mỹ đã đưa ra đạo luật không coi dòng cá Pangasius (trong đó có cá tra, ba sa Việt Nam) thuộc họ Catfish và các dòng cá này không được sử dụng tên Catfish trên nhãn hiệu sản phẩm. Nay, nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp cá thuộc họ Pangasius cũng là Catfish thì mâu thuẫn với quyết định trước đó của Quốc hội Mỹ... Thứ hai, việc xếp các dòng Pangasius vào dạng Catfish nhằm kiểm duyệt theo đạo luật Farm Bill 2008 không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam mà ngay cả người tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu của Việt Nam với giá cao hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp đang nhập khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam để chế biến, kinh doanh cũng sẽ chịu giá cao hơn và thời gian cung ứng sẽ chậm hơn...

Trước những quy định “vô lý” của Đạo luật Farm Bill 2008, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở TP Cần Thơ mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Tom Vilsack: cân nhắc việc kiểm duyệt cá dòng Pangasius theo Đạo luật vừa nêu nhằm đảm bảo tính khoa học, tính nhất quán trong luật pháp nước Mỹ; đồng thời, tránh thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp Mỹ...

Hà Triều

Chia sẻ bài viết