Cách đây 20 năm, tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân. Với đường lối đổi mới, mở cửa của đất nước, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đã xây dựng và thắt chặt quan hệ hợp tác, viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Thụy Sĩ xếp Việt Nam vào danh sách 17 nước thuộc diện ưu tiên nhận viện trợ phát triển hằng năm. Hội Hỗ trợ Y tế Việt Nam (Hội VMA), Bệnh viện Morges (Thụy Sĩ) cũng đã đến hợp tác giúp đỡ các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP Cần Thơ.
Khởi nguồn mối quan hệ giữa y tế của TP Cần Thơ và Thụy Sĩ do Cần Thơ là quê vợ bác sĩ Blaise Grecon, người Thụy Sĩ, một trong các thành viên của Hội VMA. Bác sĩ Blaise Grecon tham quan BV đa khoa TP Cần Thơ (nay là BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ) và muốn hỗ trợ cho BV. Đến năm 1994, Hội VMA chính thức hoạt động tại Việt Nam. Thời điểm đó, TP Cần Thơ còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sĩ nên sự giúp đỡ của Thụy Sĩ rất đáng quí. Hình ảnh người điều dưỡng Thụy Sĩ hằng ngày đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ cùng với các điều dưỡng trong bệnh viện chăm sóc các bé sơ sinh, bé đang bệnh làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Đó chính là điều dưỡng Janine Jaccoud, hơn 15 năm nay, chị cùng làm việc, chia sẻ nhiều khó khăn với BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Cử nhân Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phòng điều dưỡng BV, cho biết: Hằng ngày, thường xuyên trao đổi công việc với nhau nên cô Janine Jaccoud hiểu rất rõ những khó khăn, hạn chế của người điều dưỡng. Cô cùng điều dưỡng BV xuống từng khoa quan sát các điều dưỡng làm việc, đánh giá và tổ chức tập huấn để khắc phục hạn chế để có thể phục vụ bệnh nhi tốt nhất. Nhiều năm làm việc, cô Janine Jaccoud trở thành “người nhà” của BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Hiện nay, Hội đang triển khai dự án hỗ trợ đào tạo liên tục tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ (thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 12-2016) cho các điều dưỡng. Ngoài ra, dự án cũng tổ chức các lớp dạy tiếng Anh và tin học miễn phí cho các cán bộ, công nhân viên của BV. Hằng năm, Hội VMA đều tổ chức đoàn bác sĩ sang BV Nhi đồng TP Cần Thơ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn.
 |
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội VMA, Khoa Sơ sinh được hình thành và phát triển như ngày nay. |
Nhớ lại thời gian đầu khó khăn, TS.BS Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ, kể: Hội VMA hỗ trợ trang thiết bị y tế, phát triển các kỹ thuật chuyên môn sâu, nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của BV thông qua nhiều hình thức như: đưa các cán bộ y tế của BV lên tuyến trên ở TP Hồ Chí Minh hoặc sang Thụy Sĩ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Bác sĩ Ngô Thị Bạch Vân, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, kể: “Hội VMA hỗ trợ BV hình thành khoa Sơ sinh (trước đó, khoa sơ sinh chỉ chiếm vài giường trong khoa Nội tổng hợp và khoa Cấp cứu, không có dụng cụ chuyên biệt) và Hội VMA hỗ trợ toàn bộ phần nội thất, dụng cụ y tế. Ngoài ra, Hội hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng của khoa học tập, nâng cao tay nghề ở BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh”. Những năm đầu thành lập khoa, Hội cử bác sĩ, điều dưỡng từ Thụy Sĩ sang thường trực tại khoa để cùng làm việc và trao đổi, nghiên cứu, tìm phương pháp điều trị chăm sóc, hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ, điều dưỡng của Hội rất nhiệt tình, tận tâm. Nếu không có sự hỗ trợ ban đầu đáng quí đó thì khoa Sơ sinh khó thể phát triển như hiện nay”. Với sự hỗ trợ của Hội VMA, lãnh đạo các cấp và nỗ lực của khoa, hiện khoa có 50 giường bệnh nhưng thực kê đến 80 giường. Đa số các bệnh lý sơ sinh, bác sĩ khoa có thể điều trị được. Bệnh nhân trong khoa chỉ có 30% của TP Cần Thơ, còn lại ở các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL. Không chỉ học hỏi về chuyên môn, ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các cán bộ, nhân viên của BV tác phong làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng Hội VMA, họ rất nhiệt tình, kỹ lưỡng và tận tâm với bệnh nhân, theo dõi sát sao từng trường hợp bệnh. Theo TS.BS Lê Hoàng Sơn, Hội VMA còn hỗ trợ thành lập đơn nguyên sơ sinh (nơi tiếp nhận những trường hợp sơ sinh bệnh lý hoặc trẻ nhẹ cân, non tháng) cho các BV tuyến quận, huyện ở TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận.
BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ BV Morges. TS.BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc BV, cho biết: Trải qua 20 năm, BV Morges hỗ trợ BV triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Tê tủy sống, tê ngoài màng cứng, tê đám rối thần kinh dưới sự hướng dẫn của siêu âm, chương trình chăm sóc người bệnh toàn diện cho điều dưỡng, tổ chức nhiều lớp về điều trị đau mãn tính, giảm đau sau mổ
BV Morges hỗ trợ 50 lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên sang BV Morges học tập và hơn 320 lượt cán bộ của BV Morges đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ làm việc và trao đổi kinh nghiệm. BV Morges cũng tặng BV 15 chuyến hàng trang thiết bị với tổng trị giá trên 3 tỉ đồng. Trong các hỗ trợ của BV Morges với BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, lĩnh vực được hỗ trợ nhiều nhất là gây mê hồi sức. Bác sĩ Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, cho biết: “Giai đoạn BV còn khó khăn, thiếu thốn, khan hiếm thuốc và thiết bị, BV Morges mang sang những thuốc mới, trang thiết bị mới và các kỹ thuật gây mê, giảm đau tiên tiến để hướng dẫn các BS, điều dưỡng của khoa. Hằng năm, BV Morges tổ chức đoàn bác sĩ nhiều kinh nghiệm sang BV khoảng 2 tuần để chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của BV Morges, khoa triển khai rất nhiều kỹ thuật gây mê, giảm đau mới, tiên tiến của châu Âu, góp phần công tác điều trị bệnh nhân. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 50-70 ca mổ”.
Qua nhiều năm gắn bó, các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trân trọng gọi các bác sĩ ở BV Morges là thầy. Bác sĩ Trần Huỳnh Đào tâm tình: “Các thầy mong muốn chúng tôi xây dựng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trở thành trung tâm giảm đau, gây mê hồi sức khu vực ĐBSCL. Bên cạnh kỹ thuật chuyên môn, chúng tôi học ở các thầy sự tận tâm, nhiệt tình, tỉ mỉ khi khai thác bệnh sử của bệnh nhân, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi, tin tưởng giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Đây chính là liều thuốc vô giá giúp bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe”. Trong các kỹ thuật được chuyển giao, kỹ thuật phối hợp thuốc bupivacaine với sufentanil và morphine trong tê tủy sống mổ lấy thai là kỹ thuật mới được ứng dụng hiệu quả. Đây là phương pháp mới đã được sử dụng ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ
nhưng thời điểm năm 2010, ở Việt Nam, chưa có BV nào sử dụng kỹ thuật này trong mổ lấy thai. Vì thế, các tài liệu nghiên cứu hầu như không có. Bác sĩ Trần Huỳnh Đào cho biết thêm: “Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tài liệu từ các thầy đến từ Thụy Sĩ và Pháp, khoa triển khai thành công kỹ thuật này. Qua khảo sát 234 sản phụ hiệu quả giảm đau rất tốt, tính an toàn cao. Giảm đau tốt giúp bệnh nhân cân bằng tâm lý, vận động sớm, giảm biến chứng hô hấp, nguy cơ thuyên tắc mạch và thời gian nằm viện. Ngoài ra, đối với sản phụ, việc chăm sóc trẻ tốt hơn, cho trẻ bú và ăn uống sớm để mau hồi phục sức khỏe. Hiện nay, kỹ thuật này được UBND thành phố chấp thuận triển khai đề tài nghiên cứu cấp thành phố”. Sản phụ Trần Thái Thảo, vừa được các bác sĩ ở BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ sử dụng kỹ thuật này để mổ lấy thai, cho biết: “Sau mổ hầu như em không cảm thấy đau và không còn sợ mổ nữa”.
Thời gian qua, BV Morges giúp trao đổi kiến thức về: thực hành gây mê hồi sức, giảm đau trong điều trị ung thư, chuyển dạ và sau mổ
cho BV Ung Bướu và BV Đa khoa TP Cần Thơ. Sắp tới, các BV trong thành phố mong muốn được BV Morges, Hội VMA tiếp tục tập huấn chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ các trang thiết bị
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng cho biết: “Thời gian qua, BV Morges, Hội VMA tích cực hỗ trợ nhiều chương trình dự án mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt ở lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố. Chúng tôi tin tưởng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Sĩ ngày càng phát triển tốt đẹp, TP Cần Thơ tiếp tục nhận nhiều sự hợp tác đầu tư, giúp đỡ từ Thụy Sĩ”.
Bài, ảnh: H.HOA