13/12/2022 - 21:28

Nghị viện châu Âu rúng động vì tham nhũng 

MAI QUYÊN (Theo DW, Politico)

Các thể chế chính trị của Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào hỗn loạn giữa lúc bê bối tham nhũng tiếp tục nhấn chìm Nghị viện châu Âu (EP), đặt ra nguy cơ phá hoại nền dân chủ của khối 27 nước thành viên.

Ảnh: Getty Images

Trong một phiên họp ở Pháp, Chủ tịch EP Roberta Metsola cho biết cơ quan này đang là mục tiêu của cảnh sát Bỉ trong làn sóng đột kích mới nhắm vào các nhân vật chính trị có dính líu lợi ích của “một quốc gia vùng Vịnh”, được cho là Qatar. Tổng cộng, lực lượng chức năng đã tiến hành 6 vụ bắt giữ và khám xét 19 ngôi nhà riêng. Ở một tư gia, các nhân viên công vụ thu giữ số tiền mặt 600.000 euro cùng nhiều thiết bị máy tính, điện thoại di động của các nghi phạm. Họ cũng đem về sở một chiếc vali được cất giấu tại một khách sạn ở Brussels, trong đó có “vài trăm ngàn euro”.

Tiến trình điều tra nói trên được phát động sau khi ngành tư pháp Bỉ nghi ngờ Qatar vượt khỏi phạm vi vận động hành lang tại EP. Theo hồ sơ từ công tố viên, nước vùng Vịnh đã tìm cách mua chuộc, hối lộ các quan chức có tầm ảnh hưởng trong EP để thu về lợi ích kinh tế - chính trị. Phủ nhận cáo buộc, phái đoàn Qatar tại EU mô tả các báo cáo về những hành vi sai trái là “vô căn cứ và sai lệch nghiêm trọng”.

Tuy vậy, các tuyên bố này không làm lệch hướng điều tra của cảnh sát nhắm đến Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) trong EP với tâm điểm là Phó Chủ tịch Nghị viện Eva Kaili (ảnh). Nữ nghị sĩ 44 tuổi bị tố “tham gia tổ chức tội phạm, rửa tiền, tham nhũng và nhận hối lộ” từ Qatar để gây ảnh hưởng đến các quyết định của EP. Trong số các mối liên hệ đặt nghi vấn về việc Doha “đi đêm” với bà Kaili, gây chú ý nhất là phát biểu gây tranh cãi của nữ nghị sĩ Hy Lạp, rằng Qatar là quốc gia đi đầu về quyền lao động mặc dù họ đang vướng vô số cáo buộc vi phạm nhân quyền với người lao động nhập cư trước thời gian tổ chức World Cup 2022. Phát biểu tại EP trong tháng 11, bà Kaili còn cáo buộc một số nghị sĩ đã tham nhũng, phân biệt đối xử và “bắt nạt” Qatar. Ðầu tháng này, bà tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ quy trình tự do hóa thị thực vào EU cho công dân Qatar trong một cuộc họp của nghị viện mà bà không tham gia.

Trước các hành động pháp lý nhắm tới bà Kaili, liên minh S&D tại phiên họp mới đây đã quyết định khai trừ nữ nghị sĩ Hy Lạp trong khi những thành viên EP còn lại chuẩn bị tước bỏ chức danh Phó Chủ tịch của bà. Một số thành viên S&D khác không liên quan trực tiếp nhưng đang bị giám sát về mối liên hệ với những người bị buộc tội và sự vận động của họ thay mặt cho Qatar - cũng đồng ý từ bỏ các nhiệm vụ quan trọng trong EP.

“Lỗ hổng” sau bức màn vận động hành lang

Tuy các chi tiết chính thức về phạm vi và chiều sâu cuộc điều tra của cảnh sát ở Bỉ vẫn còn ít ỏi, Hãng tin DW cho biết hoạt động của các thành viên EP cùng những cơ quan khác của EU sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Tăng cường bảo vệ uy tín và nền dân chủ châu Âu, Chủ tịch EP Metsola tuyên bố sẽ mở riêng cuộc điều tra nội bộ trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lặp lại lời kêu gọi thành lập cơ quan đạo đức giám sát tất cả tổ chức của EU.

Theo quan điểm của các cơ quan giám sát, mối đe dọa đối với uy tín của châu Âu là rõ ràng do cơ chế hoạch định chính sách phức tạp và bảo thủ trong EU khiến nhiều thể chế trở nên không minh bạch và dễ bị mua chuộc. Song, hầu hết các nghị sĩ EP trước đây đều phản đối việc thắt chặt hơn nữa các quy tắc liêm chính. Ðánh giá quá trình thực thi các biện pháp bảo vệ lòng tin và thúc đẩy tính minh bạch trong EU, Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia về các vấn đề châu Âu (SEAP) Paul Varakas cho biết mua ảnh hưởng chắc chắn xảy ra bởi nó quá dễ dàng với một hệ thống vẫn còn nhiều kẽ hở. Do đó, theo các chuyên gia EU, việc Brussels cần làm hiện nay là nghiêm túc xem xét lại hiện trạng đằng sau bức màn vận động hành lang, cũng như câu hỏi liệu các biện pháp chống tham nhũng đã đủ tính răn đe hay chưa.

Chia sẻ bài viết