(CT)- Ngày 14-7-2011, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010 (viết tắt là NQ21). Hội nghị do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ đã đến dự.
 |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.
Ảnh: KIM XUÂN |
Hội nghị đánh giá: Trong 10 năm thực hiện NQ21, cùng với sự đầu tư của Trung ương, các địa phương khu vực ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế gắn với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... góp phần đưa ĐBSCL phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực I giảm 14,4%, khu vực II tăng 7,5% và khu vực III tăng 7%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, thu ngân sách tăng gấp 6 lần, so với năm 2001. Trong 10 năm qua, toàn vùng đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 627 ngàn tỉ đồng; hoàn thành việc nâng cấp thành phố Cần Thơ thành đô thị loại I, là thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập mới 10 thành phố thuộc tỉnh, 4 thị xã. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các thành phố, thị xã, thị trấn ở các tỉnh, thành ĐBSCL phát triển khá nhanh.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm được cải thiện. Đến cuối năm 2010, có 98,9% số xã, phường trong vùng đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ, y tá phục vụ đạt 97%. Có 88.665 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ nhà ở, hàng chục ngàn hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, mua máy móc, công cụ lao động, vay vốn để phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng giảm từ 14,18% cuối năm 2000 xuống còn 7,32%. Đến cuối năm 2010, toàn vùng có 8.492 tổ chức, cơ sở đảng với 409.864 đảng viên; trong đó có 14.267 đảng viên là người dân tộc. Quốc phòng an ninh trong vùng được giữ vững...
Hội nghị xác định, mục tiêu chính giai đoạn 2011-2020 là tập trung xây dựng vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12-13%; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm xuống còn 32-30%, công nghiệp xây dựng tăng lên 33-34%, khu vực dịch vụ 35-36%. Thu nhập GDP bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 50 triệu đồng (tương đương 2.130 USD) và đạt khoảng 70 triệu đồng (tương đương 3.200 USD) vào năm 2020. Những khâu đột phá của vùng được xác định trong 10 năm tới là: phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề và xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển hợp lý các đô thị trung tâm và các khu công nghiệp đã được quy hoạch.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng biểu dương nỗ lực, những thành tựu to lớn và khá toàn diện mà ĐBSCL đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, những thành tựu đó đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của NQ21; có sức lan tỏa mạnh mẽ và ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho toàn vùng Tây Nam bộ tiếp tục phát triển. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương cần ra sức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển toàn diện vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện và hiện đại, coi đây là mặt trận hàng đầu của vùng; phát triển công nghiệp một cách hợp lý và đẩy nhanh dịch vụ - thương mại...; sớm xây dựng và hoàn thiện quy hoạch kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL; từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù trên cơ sở quy hoạch để phát huy thế mạnh của vùng. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần phát huy vai trò cầu nối để xây dựng và thắt chặt hơn nữa sự liên kết giữa các địa phương trong vùng và từng bước mở rộng phạm vi liên kết với các vùng miền khác để cùng hợp tác phát triển...
Dịp này, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã trao Huân chương Độc lập Hạng nhì cho đồng chí Sơn Song Sơn và Huân chương Độc lập Hạng ba cho đồng chí Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; trao Huân chương Lao động Hạng nhì cho đồng chí Bùi Việt Lâm, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
HOÀNG THANH