13/08/2017 - 16:02

Nghị lực “da cam” 

Bản thân mắc dị tật từ nhỏ, không được học hành đến nơi đến chốn nhưng với ý thức tự lập, nhiều nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) vẫn cần mẫn lao động, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Chính điều đó đã giúp những nạn nhân CĐDC này hòa nhập tốt vào nhịp sống cộng đồng.

Chị Mười Út kiếm sống với nghề may, sửa quần áo. 

Dòng giới thiệu về anh Đặng Tứ Hải, nạn nhân thuộc ấp Trường Ninh A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai trong danh sách nạn nhân vượt khó của huyện khá ngắn gọn: “khắc phục khó khăn dị tật tay chân, đi chọc bắp chuối, hái rau vườn bán”. Dù công việc giản đơn nhưng nếu không kiên trì, quyết tâm lao động, anh Hải sẽ không duy trì được hơn chục năm nay.  

Ông Đặng Văn Quân, cha anh Hải từng tham gia quân ngũ năm 1966-1967 và bị ảnh hưởng CĐDC. Anh Hải là con đầu lòng của ông, bị dị tật bẩm sinh, sức khỏe rất kém. Nhiều lần tưởng chừng không sống nổi nhưng anh Hải vẫn vượt qua được.

Lên 4 tuổi, anh Hải mới chập chững những bước đi đầu tiên khi có người dìu đỡ. Đến 8 tuổi, xương sống mới đủ vững để anh Hải có thể tự ngồi, tự đi. Cổ ngoẹo về bên trái, nói chuyện rất khó khăn, tay và chân trái của anh cũng yếu ớt, không thể làm nặng.

Không muốn sống bám và trở thành gánh nặng của gia đình, ngoài việc phụ giúp cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, anh lân la ra chợ tìm việc. Tình cờ, có người hỏi tìm mua bắp chuối, rau vườn. Biết các loại rau này dễ tìm, trong khi nhiều người dân địa phương ít quan tâm nên anh Hải xin hái, mang đi bán.

Anh Tứ Hải có thu nhập với nghề hái bắp chuối, rau vườn đem bán. 

Hôm chúng tôi ghé thăm, gần 11 giờ trưa, nắng như đổ lửa, anh Hải mới về tới nhà trong bộ đồ lấm lem bùn đất. Anh Hải khoe, hôm nay, hái được chục bắp chuối, kiếm được vài chục ngàn đồng.

Thấy con khó khăn đi hái bắp chuối, rau vườn, có khi lội bộ mấy cây số đường ruộng, vợ chồng ông Quân nhiều lần khuyên anh Hải ở nhà dưỡng sức nhưng anh vẫn kiên trì lao động và lấy công việc làm niềm vui trong cuộc sống. Tiền bán rau anh Hải chi tiêu tiết kiệm, dành phụ giúp gia đình.

Còn ông Lê Văn Minh, nạn nhân CĐDC/Dioxin ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ bán vé số dạo, nuôi 2 con đi học. Ông Minh bị ảnh hưởng CĐDC từ cha, ngay khi sinh ra, đôi chân dị tật nặng.

Sau nhiều năm tự tập luyện, ông có thể đi từng bước rất khó khăn. Chịu khó lao động, ông xây dựng gia đình hạnh phúc và có 2 con. Hằng ngày, ông giong ruổi bán vé số trên xe lăn, kiếm hơn 100.000 đồng. Số tiền kiếm được, ông phụ vợ các khoản chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và nuôi 2 con ăn học.

Ông Minh cho biết, từ nhỏ ông không được học hành, vì vậy ông sẽ cố gắng lao động, kiếm tiền nuôi 2 con học đàng hoàng để có tương lai tươi sáng hơn. Nhờ tấm gương yêu lao động từ cha mẹ, con ông Minh sớm có ý thức tự lập. Ngoài giờ học, em Lê Văn Phú, con trai ông Minh mới 12 tuổi theo các chú trong xóm đi bao xoài cho các nông hộ trong nông trường, kiếm mỗi ngày 60.000 đồng.

Trong danh sách nạn nhân vượt khó của Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ, còn rất nhiều những nạn nhân làm các nghề khác nhau.

Đó là chị Kiều Thị Mười Út sinh năm 1979, nạn nhân CĐDC ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ vẫn duy trì rất tốt nghề may. Dù đôi chân dị tật, đi đứng khó khăn lại vừa phẫu thuật cắt túi mật chưa lâu, chị vẫn cặm cụi sửa quần áo cho khách mỗi ngày. Chị còn tranh thủ nhận hàng từ tiệm may để may gia công.

Hay như 6 người con dị tật khoèo chân của ông Nguyễn Văn Quang, ở phường Trường Lạc quận Ô Môn đều có nghề ổn định: sửa chữa điện thoại, mua bán nhỏ và may mặc. Còn nạn nhân Nguyễn Thị Kiều, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, mưu sinh và ổn định cuộc sống với nghề chăn nuôi,…

Còn rất nhiều những tấm gương vượt khó, hăng say lao động, làm chủ cuộc sống của nạn nhân CĐDC. Dù thiệt thòi về sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, học tập, lao động nhưng các nạn nhân không cam chịu, ỷ lại người khác mà luôn cần mẫn lao động, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. 

Bài, ảnh: Minh An

Chia sẻ bài viết