30/08/2015 - 10:58

Nghệ thuật vẽ tranh kiếng của người Khmer Nam bộ

Tranh kiếng là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở Nam bộ trước đây. Đó vừa là dạng tranh dùng để trang trí, đồng thời là tranh thờ nên ngày trước hầu như gia đình nào cũng có một vài bộ tranh kiếng trong nhà.

Tranh kiếng ở Nam bộ

Vào cuối thế kỷ XVIII, tranh kiếng hình thành và phát triển mạnh ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Các lưu dân người Hoa mang theo loại hình nghệ thuật này đến Chợ Lớn. Nhân vật và nội dung trong tranh kiếng của người Hoa giai đoạn này chủ yếu là các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Huệ Quang Đại Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ…

Dần dần kỹ thuật vẽ tranh kiếng được người Việt tiếp thu và phát triển thành nhiều dòng tranh khác nhau. Đó là dòng tranh Lái Thiêu, Chợ Lớn, Chợ Mới… Và tranh kiếng cũng được phát triển thành nhiều loại. Ngoài dòng tranh vẽ các vị thần để thờ, còn có dòng tranh phong cảnh dùng để trang trí. Có thể phân loại như sau:

- Tranh thờ tổ tiên: có kích thước chung khoảng 1,5m x 1,5m, được chia làm ba đoạn: đoạn trên và đoạn dưới tấm tranh ngắn gọi là Thượng thổ và Hạ thổ. Giữa tấm tranh thường vẽ chữ Phước, chữ Thọ trên nền đỏ, xung quanh có vẽ khung. Khung chia nhiều đoạn, trong mỗi đoạn đều trang trí hình cây lá hoặc hồi văn, thỉnh thoảng có thêm hình con bướm hoặc con dơi ngậm hai trụ chỉ. Còn phần Thượng thổ hoặc Hạ thổ của bức tranh thường vẽ các cuốn thư nằm giữa hoa lá hoặc các dĩa quả tử hay đám sen có mấy con vịt lội.

Một chủ đề khác, gồm một bụi mai già, bên cạnh có bụi trúc, lan, cúc. Kết thân với tứ hữu (bốn bạn mai, lan, cúc, trúc) ấy là con nai, con dơi hoặc con bướm. Như thế, nội dung bức tranh này ngoài đề tài Tứ hữu còn đề tài Tam đa (phước, lộc, thọ: con dơi là phước, con nai là lộc, cây mai già và con bướm là thọ).

 Tranh vẽ chằn Wisàwon.

Một đề tài phổ biến là những bức tranh phong cảnh (sơn thủy) có những vùng trời, tận cùng là một rặng núi, lại có dòng sông điểm mấy cánh buồm trắng, bên bờ sông có một con đường đất quanh co, lơ thơ vài khóm cây và mấy nếp nhà. Đặc biệt trong bức tranh ấy không thể nào thiếu một cái nhà khang trang với sân vườn, hàng rào và dưới mé sông còn có một cái nhà dù để "cây có cội, nước có nguồn", con cháu được hạnh phúc ấm no là nhờ tổ tiên tích đức.

- Tranh thờ: tranh vẽ các vị Phật Di Đà, Bồ Tát, Quan Âm… Tranh trấn trạch thường có tranh Tử Vi chiếu trạch, Bát Quái…(1)

- Tranh treo cửa buồng: hình chữ nhật, kích thước 0,9m x 0,6m. Mỗi bộ hai bức treo trên hai bên có cửa buồng ngủ. Tranh cửa buồng vẽ theo đề tài loan phượng hòa minh (tượng trưng vợ chồng hòa hiệp), hoa sứ và chim công (tượng trưng sự tốt tươi và rực rỡ), bụi sen và đàn vịt (tượng trưng học hành tiến bộ)… Ngoài những đề tài cổ điển kể trên còn có những bức tranh phong cảnh, ngụ ý vinh hoa phú quý, gia đình hạnh phúc.

- Tranh tứ bình: một bộ tranh tứ bình gồm bốn tấm, kích thước phổ biến khoảng 1,5m x 1,5m hoặc 1,2m x 1,2m treo trên vách với mục đích trang trí.

Tranh tứ bình ở Nam bộ phổ biến đề tài mai, liên (sen), cúc, lan, tượng trưng cho các mùa. Ngoài ra, tranh tứ bình còn có các đề tài: Bát tiên quá hải (Bát tiên vượt biển), tứ hùng (mỗi tranh vẽ một con thú mạnh nhất theo quan niệm dân gian là voi, cọp, gấu, sư tử), tứ cảnh (bốn bức phong cảnh khác nhau như cảnh núi non, rừng rậm, đồng bằng, sông biển)…

Dòng tranh kiếng của người Khmer

Người Khmer tiếp nhận kỹ thuật vẽ tranh kiếng có phần muộn hơn người Việt. Trước đó, người Khmer đã có truyền thống vẽ tranh tường và tranh vải nên việc tiếp thu kỹ thuật vẽ tranh trên kiếng đối với người Khmer chẳng qua chỉ là sự thay đổi chất liệu. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Khmer chỉ kế thừa kỹ thuật chứ không sử dụng tranh kiếng theo nội dung tín ngưỡng của người Hoa và người Việt. Cho nên nội dung tranh kiếng của người Khmer thể hiện sắc thái văn hóa truyền thống của riêng mình. Ví dụ tranh thờ Phật phải vẽ theo Phật thoại Nam Tông. Còn tranh kiếng thờ ông bà, cha mẹ thì các nhân vật phải mặc trang phục truyền thống… Người Khmer còn có tranh kiếng để trấn yểm tà ma bằng hình ảnh chằn wisàwon (2).

Tranh kiếng của người Khmer phong phú, được chia làm nhiều loại:

Dòng tranh ông bà: thường vẽ sẵn trên kiếng hình ảnh phụ nữ hoặc nam giới mặc y phục truyền thống, có đầu nhưng không có mặt. Khi có ai đặt vẽ chân dung ông bà, cha mẹ thì mới vẽ thêm khuôn mặt vào tranh có sẵn. Trong tranh, các cụ già mặc trang phục trang trọng ngồi trên chiếc ghế bọc nệm hoặc ghế gỗ chạm trổ, bên cạnh là chiếc bàn nước nhỏ phủ khăn trắng, trên bàn đặt bộ ấm trà, bình hoa sặc sỡ. Phía sau là khung cửa sổ có treo rèm. Nền nhà lát gạch hoa…

Tranh Phật: tranh Phật để thờ là Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều đề tài khác nhau dựa vào các kỳ tích lấy từ tiểu sử của đức Phật: từ lúc đản sinh, tu tập đắc đạo, đến lúc hoằng pháp với việc đi khất thực, hóa độ chúng sanh hằng ngày khi đức Phật còn tại thế. Người Khmer còn vẽ những bức tranh về tiền kiếp của đức Phật, phổ biến nhất là Đại kiếp, tức kiếp cuối cùng trước khi thành Phật.

Một đặc phẩm của tranh kiếng Khmer là tranh wisàwon. Đây là Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống quân phương Bắc, chủ tướng của bộ chằn Dạ xoa rất uy mãnh(3). Tranh này thường được treo để trừ tà ma.

Kỹ thuật vẽ tranh kiếng của người Khmer ở Nam bộ

Cũng như tranh kiếng của người Việt và người Hoa, kỹ thuật tranh kiếng của người Khmer được vẽ qua nhiều công đoạn:

Trước tiên là cắt những tấm kính trong suốt và đặt làm khung gỗ để sau khi vẽ xong sẽ lồng tranh vào. Sau đó người ta lấy những mẫu đã vẽ sẵn trên giấy bóng mờ lót dưới tấm kính, rồi dùng cọ chấm vào sơn đen vẽ đồ lên y theo hình mẫu những nét tổng thể. Phơi nắng cho sơn khô, sau đó người ta tiếp tục công đoạn thứ nhì là sơn các màu thích hợp lên các hình đã vẽ sẵn. Vẽ tranh kiếng có nguyên tắc là phải vẽ phía sau mặt kính, khi vẽ xong mới lật tấm kính lại và đó mới là bề mặt chính của tranh. Do phải vẽ phía sau mặt kính nên các chi tiết lẽ ra phải vẽ sau cùng lại được vẽ trước tiên.

Công đoạn tiếp theo sau khi sơn đã khô là trang trí. Ví dụ, để vòng hào quang quanh Đức Phật tỏa sáng rực rỡ, người ta phết keo, sau đó rắc kim tuyến lên. Những nếp áo cà sa màu cam của Đức Phật cũng được rắc kim tuyến cho óng ánh sáng. Hiện nay do thị hiếu của người mua tranh kiếng, người vẽ tranh còn gắn thêm hạt kim sa… để bức tranh tăng phần lóng lánh. Sau cùng, người vẽ dùng cọ nhỏ vẽ những nét chấm phá cần thiết để hoàn chỉnh bức tranh trước khi lật mặt kính lại và lồng tấm kính ấy vào khung gỗ (4).

Tính đến nay, nghề vẽ tranh kiếng của người Khmer ở Nam bộ đã tồn tại trên 50 năm và đã phát triển thành những xóm nghề nổi tiếng ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Những nghệ nhân Khmer với phong cách đa dạng, kỹ pháp điêu luyện đã tạo nên những tác phẩm tranh kiếng đặc sắc. Tuy cùng chủ đề đức Phật và các tích chuyện tiền kiếp đức Phật nhưng không bức tranh của nghệ nhân nào giống nghệ nhân nào. Bên cạnh đó, khi nhìn vào những bức tranh kiếng của đồng bào dân tộc Khmer, người ta có thể phân biệt được ngay chúng với những dòng tranh khác, góp phần hình thành sắc thái mỹ thuật riêng của cộng đồng dân cư(5).

Trần Kiều Quang


(1) Trương Ngọc Tường (2002), Nghề vẽ tranh kiếng tại Nam Bộ, trong cuốn Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, tr.26-30.

(2) Phan Thị Yến Tuyết (2002), Nghề vẽ tranh kiếng của người Khmer ở Sóc Trăng, trong cuốn Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, tr.41-42.

(3) Huỳnh Thanh Bình, Sđd, tr.57-60.

(4) Phan Thị Yến Tuyết, Sđd, tr.43-44.

(5) Huỳnh Thanh Bình, Sđd, tr.62-63.

Chia sẻ bài viết