30/03/2020 - 09:29

Nghề bảo trì, sửa chữa điện lạnh luôn hấp dẫn 

Nghề bảo trì, sửa chữa điện lạnh đã bắt đầu được nhiều người chú ý, chọn học từ cách nay hơn chục năm. Đời sống người dân cải thiện, nhu cầu sử dụng các thiết bị liên quan đến điện lạnh ngày càng phổ biến làm tăng thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này.

Anh Sáng (bên phải) hướng dẫn học trò sửa chữa máy lạnh.

Buổi trưa nắng gắt, mặt lấm tấm mồ hôi, anh Nguyễn Văn Sáng, chủ cơ sở cơ điện lạnh Nguyễn Sáng, ở đường Trần Vĩnh Kiết, thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều vừa sửa máy lạnh cho khách vừa hướng dẫn, chỉ việc cho 2 học trò đang theo học nghề tại cơ sở. Anh Sáng cho biết: “Sau Tết cho đến tháng 4, tháng 5 là thời điểm vào mùa của công việc bảo trì, sửa chữa máy lạnh. Đến mùa mưa thì là thời gian kiếm tiền với công việc vệ sinh, sửa chữa máy giặt, tủ lạnh.  Bên cạnh đó, còn có máy nước nóng/ lạnh, tủ đông. Nghề bảo trì, sửa chữa điện lạnh bắt đầu thu hút nhiều lao động từ hơn chục năm nay, nhưng hiện tại, nghề này vẫn “hot” vì dễ kiếm tiền và nếu là thợ giỏi thì thu nhập rất khá”.

Anh Sáng cho biết, năm 2000, anh là một trong những học viên theo học nghề điện lạnh do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cần Thơ (cũ) tổ chức. Anh từ huyện Phụng Hiệp tới TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều bây giờ) để học nghề. Cả lớp gần 40 học viên nhưng chỉ có mười mấy người theo đuổi tới cùng, đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ nghề. Rồi đến nay, còn được chừng 4 người còn giữ nghề và có thu nhập tốt. Riêng anh Sáng mở được tiệm riêng, là một trong những cơ sở uy tín, được nhiều người dân biết đến khi nhắc đến dịch vụ bảo trì, sửa chữa điện lạnh tại TP Cần Thơ. Anh Sáng nói vui: “Hồi đó, nghe tôi nói đi học nghề điện lạnh, nhiều người trố mắt ngạc nhiên. Nhất là mấy ông, bà cụ hay bàn ra: “Tủ lạnh người ta xài mười mấy năm, rồi mày sửa cái gì, làm sao kiếm ăn?”. Riêng tôi vẫn tin học nghề này có tương lai. Và giờ thì, đúng là nghề không phụ tôi”. Nhưng để có được cơ ngơi hiện tại với thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Sáng cũng trải qua thời gian phấn đấu bám trụ nghề không hề dễ dàng.

Sau khi có chứng chỉ nghề, nghe lời cha khuyên, anh Sáng còn “neo” lại, cố gắng phụ việc thật chăm chỉ, chu đáo cho thầy. Thầy thương, tin tưởng thì truyền dạy thêm nhiều “bí kíp” để trở thành thợ giỏi. Anh Sáng kể lại: “Chỉ đứa nào siêng, chịu khó học thì thầy mới truyền hết kinh nghiệm quý. Còn nhớ, thầy thử thách độ kiên trì của chúng tôi bằng cách giao lưỡi cưa sắt mỏng, bắt ngồi cưa lốc (block) tủ lạnh để sửa linh kiện bên trong. Tôi ngồi cưa xong 2 cái thì đã hết ngày”. Hơn 1 năm phụ việc, tay nghề cứng, thầy mới “đuổi” rồi giới thiệu anh Sáng vào làm việc ở các công ty cần thợ bảo trì điện lạnh để có thu nhập cao hơn. Trải nghiệm ở nhiều doanh nghiệp, thực hành trên nhiều thiết bị điện lạnh của nhiều nhãn hàng và phục vụ đa dạng khách hàng ở các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang và kể cả huyện đảo Phú Quốc trong 4 năm sau đó, cho anh Sáng cơ hội tích lũy kinh nghiệm phong phú và nguồn thu nhập đủ mở tiệm riêng. Dù vậy, anh vẫn không ngừng học hỏi để bắt kịp sự phát triển của công nghệ ngày càng hiện đại được ứng dụng trên thiết bị điện lạnh. 4 năm trước, anh tìm học thêm lĩnh vực điện tử của một thầy giáo nhiều năm kinh nghiệm tại Cần Thơ rồi học 2 tháng chuyên về công nghệ biến tần (inverter) ở TP Hồ Chí Minh để sửa chữa các thiết bị điện lạnh đời mới được tốt hơn. Sau khi đã nhuần nhuyễn các kỹ thuật này, anh Sáng mới đăng ký với cơ quan chức năng, nhận đào tạo nghề cho học viên. Thời điểm đông nhất, cơ sở của anh Sáng có đến khoảng 7-8 học viên một lúc. Nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên ở các trường, tới vừa học vừa làm để tích lũy thêm tay nghề. Học trò của anh giờ làm nghề ở nhiều tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang và một số quận, huyện vùng ven của TP Cần Thơ. Trải qua nhiều năm trong nghề, anh Sáng đúc kết: “Nghề này vẫn còn nhiều đất phát triển, thu nhập khá nhưng người học nghề muốn thành công phải yêu nghề, chịu khó và quan trọng là phải ham học hỏi, tìm tòi và có vốn kiến thức cơ bản về điện tử. Và, học thành nghề chỉ là bước khởi đầu, hành nghề cho tốt mới là thử thách khó đối với những người thợ. Vì ham lợi nhuận, nhiều thợ không trung thực hoặc không tư vấn hết lòng cho khách hàng khi nhận lắp đặt, bảo trì, sửa chữa các thiết bị này sẽ không thể phát triển được”.

Gần 11 giờ trưa, điện thoại anh Sáng đổ chuông, khách hàng gọi đến nhờ anh đến bảo, trì, sửa chữa máy lạnh tại nhà. Anh Sáng lại bận rộn sắp lịch làm việc sao cho kịp yêu cầu của khách. Anh Sáng cho biết, không chỉ có kiến thức và tay nghề, với yêu cầu phục vụ tận nơi của khách ngày càng nhiều, người thợ còn phải rèn sự kỹ tính, học cách giao tiếp với khách, làm việc đảm bảo tính thẩm mỹ, chu đáo, an toàn và chất lượng. Những buổi đi làm tại nhà của khách, tôi cho học trò đi theo để quan sát và học những kỹ năng này”.

Cùng làm với anh Sáng có em Trần Tuấn Kiệt, 19 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng. Kiệt học nghề với anh Sáng từ khi mới tốt nghiệp THCS đến nay và hiện tại tay nghề của Kiệt đã xếp hạng khá. Kiệt nuôi ước mơ mở cơ sở riêng, phát triển nghề tại quê nhà. Anh Sáng cho biết: “Nhiều học trò sau ra nghề vẫn thường xuyên liên hệ, nhờ tôi tư vấn kỹ thuật. Tôi sẵn lòng hỗ trợ các em và vui khi biết các em sống tốt với nghề”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết