Từ những địa phương thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, hai xã anh hùng Giai Xuân (huyện Phong Điền), Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) đã không ngừng phát huy nội lực để chuyển mình, vươn lên... Về thăm lại những nơi này đúng dịp kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, càng phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của những vùng quê một thời nghèo khó...
* Sôi động nhịp sống vùng ven...
Trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, sau giải phóng, Giai Xuân là một trong những xã nông thôn nghèo, mọi thứ được gầy dựng lại từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh. Theo nhiều cán bộ xã Giai Xuân, từ năm 1975 đến năm 1990, kinh tế của xã chủ yếu là trồng lúa nhưng năng suất kém, thương mại dịch vụ không đáng kể, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%... Bây giờ, trước mắt chúng tôi là diện mạo của một Giai Xuân mới mẻ, đầy sức sống. Đường về UBND xã, tỏa đi các ấp, nối liền với các xã khác được trải nhựa hoặc bê-tông hóa khang trang. Dọc theo các tuyến đường chính, nhà cửa san sát, nhiều cửa hiệu, cơ sở kinh doanh mọc lên... Tại chợ xã, hoạt động mua bán tấp nập với đủ mặt hàng từ nông sản, trái cây cho đến vải vóc, quần áo, hàng điện tử, vàng bạc... Đến các ấp, chúng tôi bắt gặp nhiều ngôi nhà tường khang trang ẩn hiện dưới những vườn cây trái xum xuê, với hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao.
 |
Công nhân đang khẩn trương thi công đường giao thông ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Đông. Ảnh: P.LAM |
Theo đồng chí Phạm Văn Chính, Phó Bí thư Đảng ủy xã Giai Xuân, có thể nói, sự phát triển của Giai Xuân bắt đầu từ giai đoạn đất nước đổi mới và “chuyển mình” mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng ủy xã dồn lực “tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - nông nghiệp toàn diện - tiểu thủ công nghiệp”, tạo bệ phóng để Giai Xuân phát triển. Cùng với triển khai các biện pháp hỗ trợ, xã tập trung vận động nhân dân trồng lúa chất lượng cao, chuyển đổi vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, đồng thời mở rộng diện tích ao mương để nuôi trồng thủy sản... Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Đặng Văn Nghĩa ở ấp Thới Giai, một trong những hộ trước đây kinh tế gặp nhiều khó khăn, nay đã vươn lên khấm khá nhờ ứng dụng KHKT vào sản xuất lúa chất lượng cao và nuôi vịt. Theo anh Nghĩa, nhờ nhà nước quan tâm đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, chuyển giao KHKT nên những năm gần đây, nhiều hộ trong xã tăng từ sản xuất 2 vụ lúa lên 3 vụ lúa/năm, hoặc ứng dụng mô hình 2 lúa- 1 màu; nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng trên lĩnh vực làm vườn, hiện xã có trên 400 hộ đạt thu nhập từ 50 triệu đồng - 70 triệu đồng/ năm. Đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ luôn được địa phương tạo điều kiện bằng cách lập dự án vay vốn, phát triển sản xuất. Hiện xã có 212 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, tăng 83 cơ sở so với 2005. Cùng với quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn được xã tập trung thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể như: giới thiệu việc làm, lao động theo thời vụ tại các cơ sở, nhà máy trên địa bàn, đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho người dân. Các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” của các đoàn thể cũng được đẩy mạnh, từ đó, huy động được nguồn vốn tự tạo, vốn xoay vòng, lập các dự án vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm và giới thiệu cho các hộ nghèo được vay vốn để sản xuất. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, số hộ nghèo trong toàn xã còn 8,7% hộ, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Từ trung tâm xã chúng tôi bon xe về ấp Thới Giai. Nhìn từng tốp học sinh đạp xe đến trường, anh Nguyễn Văn Ca - một người dân địa phương, cười vui: “Bây giờ hệ thống cầu đường được xây dựng khang trang, ấp nối liền ấp, không còn cảnh học sinh đi học té ướt loi ngoi như trước. Ở đây, mỗi công trình cầu đường đều được đưa ra dân bàn bạc dân chủ nên ai cũng đồng lòng thực hiện...”. Cùng với sự phát triển của hệ thống cầu, đường, hệ thống điện, trường học cũng được quan tâm đầu tư; trạm y tế xã nhiều năm được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được phát động rộng mạnh đến từng hộ gia đình. Sự kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của nhân dân đã đưa Giai Xuân trở thành xã văn hóa vào năm 2007. Những năm qua, các tiêu chí của xã văn hóa tiếp tục được địa phương chú trọng thực hiện, nâng chất, tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong đời sống của người dân.
* Vùng sâu khởi sắc...
Đến Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) vào những ngày này, chúng tôi càng phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của một xã anh hùng. Tuyến lộ thẳng tắp từ thị trấn Cờ Đỏ đưa chúng tôi đến trung tâm xã chỉ mất khoảng 10 phút. Nhìn những căn nhà kiên cố, hàng quán mọc lên san sát ít ai ngờ rằng xã Thới Đông trước đây từng là xã đặc biệt khó khăn (xã 135 của Chính phủ). Từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã Thới Đông đã từng bước khắc phục những khó khăn, ngày càng phát triển. Tháng 12-2005, xã Thới Đông chính thức được công nhận rút khỏi Chương trình 135, và cũng trong năm này, xã đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nhiều người dân kể rằng, “bộ mặt” nông thôn Thới Đông thay đổi rõ nét nhất kể từ năm 2003, khi chính quyền các cấp xây dựng hoàn thành tuyến đường nối thị trấn Cờ Đỏ- Nóc Bằng, tập trung xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc theo chương trình 134, 167, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm. Trong đó, bê- tông hóa lộ giao thông liên ấp gần 90%; trạm y tế xã được sửa sang, nâng cấp; 100% hộ dân đều có điện lưới quốc gia sử dụng...
Có mặt tại công trình xây dựng đường giao thông thuộc ấp Thới Thạnh đang vào giai đoạn thi công nước rút, chúng tôi cũng thấy háo hức trước khí thế làm việc sôi nổi, tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê của bà con. Anh Thạch Hoàng Ân (Phó ấp Thới Thạnh), cho biết: “Khi chia tách ấp Thới Thạnh (năm 2009), phương tiện đi lại chủ yếu của bà con trong vùng bằng ghe xuồng hoặc đi nhờ bên phần đường thuộc ấp Thới Trường 2 (xã Thới Xuân). Vì vậy, ai cũng mong tuyến đường mau chóng hoàn thành...”. Ấp Thới Thạnh là một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã Thới Đông, có đến 80% dân số là người dân tộc Khmer. Những năm gần đây, nhờ được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư đúng mức, nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân dần được cải thiện. Đồng chí Lê Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thới Đông, cho biết: “Công trình làm đường được khởi công từ đầu tháng 8, tổng trị giá trên 740 triệu đồng, nhân dân đóng góp 20%, số còn lại do nhà nước đầu tư. Chúng tôi sẽ vận động bà con làm hàng rào, cột cờ và hoàn chỉnh các thiết chế, tiến tới tái công nhận ấp văn hóa, hướng đến xây dựng xã văn hóa...”.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Toại, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ, Thới Đông là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, vì vậy, huyện đã tăng cường đầu tư, hỗ trợ xã xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn hệ thống “điện, đường, trường, trạm”. Riêng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, những năm trở lại đây, xã đã tập trung chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tiêu biểu như các công trình nạo vét, đào mới hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu, quy hoạch xây dựng thành vùng trồng lúa chất lượng cao ở ấp Thới Xuyên, vùng nuôi cá tra giống tập trung ở ấp Thới Hưng, Thới Trung... Nhờ đầu tư, hỗ trợ về nhiều mặt, ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo, làm ăn khấm khá hơn.
Đi trên những tuyến đường bê tông khang trang, sạch đẹp, rực rỡ màu cờ nối liền các ấp ở hai xã anh hùng Giai Xuân và Thới Đông, lòng tôi rộn niềm vui. Tuy cuộc sống của một bộ phận người dân vẫn còn không ít khó khăn, nhưng sự chuyển biến khá căn bản và đáng kể trên các lĩnh vực ở hai địa phương trong thời gian qua đánh dấu sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương. Sự chuyển biến đó là tiền đề thuận lợi để các địa phương này tiếp tục chuyển mình, đánh thức những tiềm năng mới .
HOÀI THU - QUỲNH LAM