06/12/2012 - 09:38

Ngành Thủy sản hướng đến chứng chỉ mới nhất: ASC

Sau thời gian đối mặt với chướng ngại về thuế chống bán phá giá của Mỹ, yêu cầu sản xuất đúng tiêu chuẩn của châu Âu, hiện nay các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng đến mở rộng thị trường mới có thể đưa ngành cá tra phát triển trở lại, bằng cách tham gia một tiêu chuẩn mới (ngoài những tiêu chuẩn đã có như Global GAP, SQF 1000, BAP) là tiêu chuẩn của Hội đồng thẩm định chất lượng nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Lan (ASC).

Tiêu chuẩn hướng đến môi trường và cộng đồng

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện nay ngành thủy sản đứng trước rất nhiều hệ thống đánh giá và chứng nhận chất lượng, điển hình như SQF 1000, Global GAP, BAP, VietGAP và mới nhất là ASC. Tuy nhiên, mỗi loại tiêu chuẩn lại đáp ứng cho yêu cầu của từng thị trường khác nhau, điều này khiến các nhà sản xuất lúng túng trong lựa chọn tiêu chuẩn để thực hiện.

Do đó đã dẫn đến sự hỗn loạn và sự thiếu tương thích giữa các nhà sản xuất và các thị trường chính. Mặt khác, các yêu cầu trong từng tiêu chuẩn lại chồng chéo và đối kháng nhau, nếu doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì phải xây dựng hệ thống nuôi và chế biến theo Global GAP, xuất sang thị trường các nước châu Âu thì sản xuất theo BAP, SQF 1000,… Nếu một doanh nghiệp tìm nhiều thị trường ở các châu lục khác nhau thì chắc chắn phải theo tất cả các tiêu chuẩn mà khách hàng đặt ra. Từ đó làm tăng thêm gánh nặng chi phí thực hiện các tiêu chuẩn. Về phía người tiêu dùng, họ sẽ nhận những thông điệp không nhất quán khi mua sản phẩm.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH 

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn ASC và đạt 10% tổng sản lượng thủy sản đạt ASC. Dự kiến đến năm 2015, sẽ có 50% tổng sản lượng thủy sản đạt ASC. Theo ông Chris Ninnes - Giám đốc điều hành Hội đồng ASC, tiêu chuẩn ASC khác các tiêu chuẩn Global GAP, BAP ở chỗ quá trình thiết lập của nó bao gồm các bên liên quan như chuỗi cung ứng cá tra, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức Nhà nước tham gia xây dựng tiêu chuẩn này, sau đó triển khai rộng rãi và được ASC quản lý. Tiêu chuẩn ASC dựa trên 7 nguyên lý chính, trong đó có 2 nguyên lý về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, thức ăn cho cá phải tuân thủ là nguồn cá khai thác bền vững, không được khai thác ven bờ. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tham gia sản xuất theo ASC, giá trị sản phẩm chính là giá trị thực phải trả cho môi trường và xã hội, giúp nuôi cá tra bền vững hơn trong tương lai, ở góc độ nào đó người tiêu dùng sẽ trả chi phí này chứ không đánh lên người sản xuất. Mặt khác, khi doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn này, sản phẩm sẽ được dán nhãn chứng nhận ASC, giúp người tiêu dùng biết được đây là sản phẩm có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Đây là điều mà chính sản phẩm được bán trong nước Việt Nam cũng chưa có.

Dự kiến, Hội đồng thẩm định ASC sẽ tổ chức sự kiện giới thiệu toàn bộ chương trình chứng nhận dán nhãn đối với sản phẩm đạt ASC vào tháng 1-2013 tại Đức, đặc biệt là giới thiệu cho những nhà nhập khẩu và người bán lẻ để mọi người tăng cường nhận thức khi sử dụng sản phẩm liên quan tới trách nhiệm đối với môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP cho biết: Đạt tiêu chuẩn ASC là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam hoàn toàn hội nhập vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, chi phí tham gia ASC đang là câu chuyện mà doanh nghiệp tiếp tục đấu tranh. Hơn nữa, hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá bán cá tra đạt ASC cao hơn giá bán sản phẩm chưa được chứng nhận. Vừa qua, có 6 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra được trao chứng nhận đạt ASC như Tổng Công ty Vĩnh Hoàn, Tổng Công ty Vinh Quang, Tổng Công ty NTACO, Tổng Công ty Hùng Vương, Tổng Công ty Hoàng Long và Tổng Công ty Anvifish.

Khai thác mặt lợi từ ASC

Khi nói đến chứng nhận ASC, doanh nghiệp sẽ được những gì nếu hoàn thành tốt điều kiện do ASC đặt ra. Ông Châu Minh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Hoàng Long chia sẻ: Đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn này, những doanh nghiệp đều hy vọng sẽ được nhiều cái lợi hơn.

Bắt đầu từ năm 2010, Hoàng Long đã áp dụng tiêu chuẩn Global GAP khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và hiện nay là áp dụng tiêu chuẩn ASC để sản phẩm cá tra lưu hành tại thị trường châu Âu tốt hơn. Chính vì vậy, Công ty Hoàng Long đầu tư 48 ha tại ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, trong đó dành 8 ha mặt nước làm ao xử lý nước thải nuôi cá bằng các biện pháp sinh học, thả lục bình trong ao, xử lý xong mới thải ra môi trường, thời gian kiểm tra chất lượng nước 3 tháng/lần, trong khi điều kiện kiểm tra bắt buộc của ASC là 6 tháng/lần. Khi tham gia ASC, công ty cam kết phát triển bền vững về môi trường và xã hội, nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng xung quanh. Đây là điều mà khi áp dụng các tiêu chuẩn khác công ty chưa nhận thức rõ ràng.

Còn ông Dương Ngọc Minh - Trưởng Ban cá nước ngọt (VASEP) cũng đồng tình với tiêu chuẩn ASC với lý do, khi xuất hàng vào các thị trường như Đức, Hà Lan và một số thị trường khác như Thụy Sĩ, họ rất chú trọng vào tiêu chuẩn ASC, sản phẩm cá tra được dán nhãn ASC, những siêu thị mạnh dạn đặt hàng và trưng bày sản phẩm cá tra Việt Nam trong siêu thị của họ. Hơn nữa, ASC ghi nhận lại những quá trình, đầu tư xây dựng cũng như kiểm soát vấn đề nuôi trồng của doanh nghiệp, đưa lên những trang Web của họ. Đây cũng là một hình thức tác động rất lớn giúp quảng bá hình ảnh con cá tra Việt Nam ra thị trường nước ngoài, mà những tổ chức chứng nhận trước đây chưa làm được. Cái lợi của ASC doanh nghiệp chưa thấy hết ở chỗ, khi hội đồng ASC tổ chức kiểm tra vùng nuôi, nhà máy chế biến của doanh nghiệp, họ thu phí rồi trả về cho địa phương, nghĩa là các doanh nghiệp và người nuôi phải đóng góp để giúp bảo vệ môi trường cho địa phương đó.

Tuy nhiên, đứng trước việc đối mặt nhiều tiêu chuẩn như vậy, doanh nghiệp cũng phân vân, không biết sau ASC sẽ còn chứng chỉ hoặc tiêu chuẩn nào đối với doanh nghiệp và con cá tra Việt Nam, ông Châu Minh Đạt chia sẻ: Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản luôn phải theo yêu cầu của thị trường thì sản phẩm mới được chấp nhận. Thay vì cứ mãi chạy theo các tiêu chuẩn của nước ngoài, gây khó khăn và bất lợi cho quá trình sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rất mong muốn có một tiêu chuẩn riêng của chính Việt Nam tương đương với các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Mỹ và một số thị trường khắt khe khác, để đầu tư một lần, liên kết khép kín một lần, vừa an toàn cho sản phẩm, an toàn tài chính và an toàn cho cả ngành cá tra.

HỒNG NHUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết