10/10/2021 - 08:57

Ngành sách thích ứng với đại dịch COVID-19 

Doanh thu ngành sách toàn cầu năm qua đạt 119 tỉ USD trong bối cảnh phải vượt qua nhiều thách thức do COVID-19. Từ đó, ngành xuất bản thay đổi để thích ứng với đại dịch.

Các cửa hàng sách ngày càng ít người đến, thay vào đó là mua bán trực tuyến.

Báo cáo từ Hiệp hội các Nhà xuất bản thế giới (IPA - International Pulishers Association) cho thấy ngành sách đang vượt qua những thách thức để có những tín hiệu thay đổi tích cực. Sự thay đổi này còn diễn ra rộng khắp khi IPA lựa chọn 33 thành viên đại diện cho 33 quốc gia có sự đa dạng về địa lý, phân khúc thị trường để khảo sát hoạt động xuất bản. Theo đó, các quốc gia đến từ châu Á chiếm tỷ lệ 40%, châu Phi là 27%, châu Âu là 17%, châu Mỹ chiếm 17% theo bảng tổng hợp đánh giá này.

Báo cáo cho biết từ tháng 3-2020, dịch COVID-19 bùng phát, ngành xuất bản sách chịu ảnh hưởng nặng. Chuỗi cung ứng sản xuất của ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức đứt gãy: các xưởng in đóng cửa, thiếu nguyên liệu, nhu cầu mua sách giảm, vận chuyển khó khăn… Sách cũng không phải là mặt hàng thiết yếu để có những chính sách ưu tiên, do đó doanh thu giảm sâu. Cụ thể, doanh số bán sách trong năm 2020 của Ai Cập giảm đến 70%, Maroc giảm 70%, Jordan giảm 60%, UAE giảm 50%... Ngành sách tại những quốc gia này được đánh giá sẽ phục hồi rất chậm bởi sức mua giảm mạnh, trong khi việc giới thiệu sách trên môi trường số gặp nhiều hạn chế. Ngược lại ở những quốc gia có công nghệ kỹ thuật hiện đại, văn hóa đọc phát triển và sở hữu thị trường sách nội địa lớn, thì việc sụt giảm của ngành sách không quá nhiều và có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn. Ðơn cử như tại Trung Quốc, mức sụt giảm chỉ khoảng 9% trong 6 tháng đầu năm 2020, nửa cuối năm đã dần khôi phục; Tây Ban Nha chỉ giảm 22% và đã có dấu hiệu phục hồi sớm nhờ đẩy mạnh phát hành trực tuyến.

Theo báo cáo trên của IPA, khảo sát tại 20/33 quốc gia cho thấy xu hướng đọc ebook và nghe audio book đang lên ngôi. Xu hướng đọc sách kỹ thuật số đang được ưa chuộng và sẽ tiếp tục phát triển. Do đó, việc chuyển đổi số trong ngành xuất bản là cần thiết để các doanh nghiệp xem xét và vạch ra chiến lược phát triển phù hợp. Tại Úc có đến 36% người được hỏi cho biết họ đọc sách nhiều hơn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, còn tại Anh con số này là 41%. Cũng ở những quốc gia này, ebook và audio book đang được các nhà xuất bản chú trọng đẩy mạnh phát triển, một phần vì các thư viện đóng cửa, một phần vì sự chuyển đổi số trong ngành. Nhiều hội chợ sách quốc gia và quốc tế có xu thế chuyển sang hình thức trực tuyến, trong khi các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng gia tăng thúc đẩy việc bán sách trực tuyến.

IPA cũng đã tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến để nắm bắt thực trạng và tìm những giải pháp hỗ trợ các nhà xuất bản toàn cầu thích ứng theo xu hướng mới thị trường dưới tác động của COVID-19. Ngành xuất bản ở từng quốc gia cũng định hình những sáng kiến riêng để thích ứng và phát triển.

Cụ thể, Hiệp hội các nhà xuất bản New Zealand đã sáng lập Liên minh sách. Ðây là đơn vị điều phối, đại diện cho các nhà sách, tác giả và giới truyền thông, nhằm tìm sáng kiến hỗ trợ phục hồi ngành. Hiệp hội các nhà xuất bản Anh xây dựng đường dây trợ giúp để thành viên có thể tiếp cận nhanh nhất các chương trình của Chính phủ trong hỗ trợ các chính sách cho ngành. Trong khi đó, Viện sách Brazil, Liên minh các nhà xuất bản Brazil và Hiệp hội Thư viện Quốc gia Brazil phối hợp vận động tổ chức tài chính để có những khoản vay ưu đãi và hoãn thanh toán cho đơn vị xuất bản trong trường hợp không nhận được gói hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ. Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ gửi thư tới Quốc hội, kêu gọi sự ủng hộ từ Chính phủ cho thư viện công cộng với khoản tài trợ 2 tỉ USD; khuyến khích người dân đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nhà xuất bản. Hiệp hội các nhà xuất bản Indonesia hợp tác với thị trường trực tuyến: Tokopedia, Bukulapak… đào tạo online về phát triển ebook, bán hàng và tiếp thị sách trên môi trường số.

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến trong ngành xuất bản sách đã triển khai hiệu quả. Canada tổ chức chương trình “Canada Read Aloud” miễn lệ phí khi đọc một số đầu sách chọn lọc trực tuyến. Ấn Ðộ hợp tác với National Book Trust triển khai mô hình “Stay home - India with books” cung cấp hàng trăm đầu sách ở định dạng PDF để mọi người ở nhà đọc sách miễn phí. Tại Hàn Quốc, các nhà xuất bản sách chung tay tổ chức chương trình tặng sách cho bệnh nhân COVID-19 với 102 đơn vị xuất bản tham gia, mang đến 14.000 đầu sách.

Cũng như nhiều ngành khác đang gặp khó khăn vì COVID-19, ngành xuất bản đang dần thích ứng với nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh số hóa, tổ chức những sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc trong bối cảnh dịch bệnh... đang mang lại những tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi và phát triển của ngành.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Internationalpublishers, Publishersweekly, Nytimes)

Chia sẻ bài viết