13/05/2010 - 21:59

Ngành công thương TP Cần Thơ tiếp tục phấn đấu, khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế

 

Trong những năm qua, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp, tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, ngành công thương TP Cần Thơ vẫn không ngừng tăng trưởng và phát triển. Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày Truyền thống Ngành Công thương Việt Nam (14/5/1951 – 14/5/2010), Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, xoay quanh việc phát triển ngành công thương của thành phố.

* Năm 2008 lạm phát tăng cao. Kế đến năm 2009, suy giảm kinh tế toàn cầu... Trong bối cảnh đó, lĩnh vực nội thương của TP Cần Thơ phát triển như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, lĩnh vực thương mại nói chung và nội thương nói riêng của TP Cần Thơ hoạt động trong bối cảnh thuận lợi đan xen những khó khăn, phức tạp. Nhất là chịu ảnh hưởng của tác động lạm phát cao và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với việc thực hiện sát sao các chủ trương, biện pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn lạm phát, suy giảm kinh tế, sự nỗ lực của ngành công thương và các ngành, các cấp hữu quan; đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, kinh tế thành phố nói chung và ngành công thương nói riêng tiếp tục phát triển. Giai đoạn 2006-2009, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 26,59%/năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 19,22%/năm. 2 chỉ tiêu vừa nêu, so với các chỉ tiêu tương ứng của giai đoạn 2001- 2005 là 13,17% và 16,02%. Trong 4 tháng đầu năm 2010, tình hình nội thương của thành phố tiếp tục tăng trưởng với tổng mức hàng hóa bán ra tăng 19% so với cùng kỳ năm 2009.

Cũng như một số địa phương khác trong cả nước, tháng 4 – 2008, giá gạo trên địa bàn TP Cần Thơ tăng cao bất thường do những thông tin sai lệch gây sốt ảo. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ngành công thương TP Cần Thơ luôn thực hiện đúng theo những chỉ đạo, chủ trương, biện pháp của Chính phủ; đồng thời, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong lĩnh vực bình ổn giá cả nên nhìn chung thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối ổn định; không xảy ra trường hợp thiếu hàng gây rối loạn thị trường... Trong nhiệm vụ này phải kể đến lực lượng quản lý thị trường đã tích cực chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời trên 2.100 vụ về hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... thu về cho ngân sách nhà nước gần 6 tỉ đồng, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

* Cơ sở hạ tầng thương mại là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành, đặc biệt là nội thương. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã có những đầu tư gì cho lĩnh vực này, thưa ông?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước diễn biến khá phức tạp, nhưng ngành công thương của TP Cần Thơ vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Cty TNHH Thực phẩm chế biến Nam Hải.  Ảnh: KIM XUÂN 

- Từ năm 2006 đến nay, TP Cần Thơ đã đầu tư gần 50 tỉ đồng xây dựng trên 40 chợ truyền thống, nâng tổng số chợ hiện có trên địa bàn thành phố trên 100 chợ. Ngoài hệ thống chợ này, hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có 8 siêu thị bán buôn, bán lẻ đang hoạt động có hiệu quả như siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Metro Cash & Carry Hưng Lợi, Siêu thị điện máy Best Carings, Siêu thị điện máy Chợ Lớn... Bên cạnh đó, TP Cần Thơ bước đầu đã hình thành hệ thống kho đầu mối cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nguồn hàng sản xuất trong nước, hay nhập khẩu đều được cung cấp về TP Cần Thơ với khối lượng lớn. Từ đây, nguồn hàng hóa được TP Cần Thơ làm đầu mối phân phối cho các tỉnh trong vùng và phân phối về các quận, huyện, các chợ trên địa bàn thông qua hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ chuyên ngành và tổng hợp...

* Đối mặt với nhiều thách thức thời gian qua, lĩnh vực xuất khẩu của thành phố phát triển ra sao, thưa ông?

- Tình hình xuất khẩu giai đoạn 2006-2008 của TP Cần Thơ cũng phát triển khá tốt; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ liên tục tăng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu của thành phố cũng bị hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2009 giảm 8,1% so với năm 2008. Nhưng nếu tính bình quân cả giai đoạn 2006-2009, kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 23,65%, so với tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 2001-2005 là 17,62%. Thời kỳ này, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản và nông sản, TP Cần Thơ đã có thêm một số mặt hàng mới của ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, dược phẩm, nhựa, cao su... Đặc biệt, dù được nhận định là còn nhiều khó khăn nhưng 4 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ đã trở lại mức tăng trưởng dương, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2009.

Có thể nói, với những nỗ lực đáng kể của ngành công thương, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác mới... nên thị trường xuất khẩu của TP Cần Thơ ngày càng được mở rộng. Đến nay, TP Cần Thơ đã có quan hệ xuất khẩu với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường là châu Á chiếm 40-50% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Âu chiếm 20-30%, còn lại là thị trường châu Mỹ, châu Phi...

* Trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp của TP Cần Thơ có gặp cản ngại gì, thưa ông?

- Giai đoạn 2006-2009, sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ vẫn giữ vững tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân 19,3%/năm; trong 4 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009. Song, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bởi sự tăng trưởng về giá trị tăng thêm còn thấp, công nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với Cần Thơ và chưa có sản phẩm đặc thù với tính cạnh tranh cao. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu công nghiệp ngày càng gây bức xúc trong dân; trình độ công nghệ của các ngành sản xuất cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp không đủ lực đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại nhưng việc phát triển các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác để tạo khả năng cạnh tranh trên thương trường chưa đủ mạnh. Một số doanh nghiệp có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, gian lận...) gây khó khăn chung. Ngoài ra, nguồn nhân lực của TP Cần Thơ qua đào tạo còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế...

Không chỉ riêng ngành công nghiệp, những vấn đề vừa nêu cũng là khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển ngành công thương của TP Cần Thơ.

* Thưa ông, trong thời gian tới, ngành công thương TP Cần Thơ sẽ làm gì để tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế của thành phố?

- Năm 2009, TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Năm 2010, cầu Cần Thơ chính thức được đưa vào sử dụng, cảng hàng không Cần Thơ mở rộng các chuyến bay quốc tế... sẽ là những điều kiện cần để TP Cần Thơ phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định vai trò trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa, trung tâm phát triển kinh tế của của vùng ĐBSCL. Điều này đòi hỏi ngành công thương cũng như các ngành kinh tế khác của thành phố tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng, yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Cụ thể, Sở Công thương TP Cần Thơ chủ động phối hợp cùng các đơn vị chức năng đầu tư, mở rộng, nâng cấp các chợ để từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại; đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng xuất khẩu những mặt hàng có giá trị tăng cao; tăng sản phẩm tinh chế và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô... Trong phát triển công nghiệp, để cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, TP Cần Thơ sẽ chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tập trung mọi nguồn lực cho nhóm ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông, thủy sản, cơ khí đóng tàu, chế tạo thiết bị... Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp sẽ được gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.

Để đạt được những nội dung trên, Sở Công thương TP Cần Thơ, cùng các ngành hữu quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp – thương mại; lấy đầu tư trực tiếp nước ngoài làm động lực để tăng cường nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý... Đặc biệt, trong quá trình phát triển, ngành công thương thành phố xác định nhiệm vụ cụ thể trong liên kết, mở rộng giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương vùng ĐBSCL, với TP Hồ Chí Minh và với các địa phương khác trong và ngoài nước.

* Xin cảm ơn ông!

Hà Triều (thực hiện)

Chia sẻ bài viết