31/07/2023 - 15:13

Ngân hàng hạ dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 14%. Đồng thời, NHNN cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế.

Quý III-2023, các TCTD dự báo nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Ảnh minh họa

Tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng

Thống kê của NHNN, tính đến 30-6-2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng thấp do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kịch bản đề ra. Vì vậy, ngày 10-7-2023, NHNN đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 14% (mục tiêu đầu năm 2023 tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh tùy tình hình thực tế).

Theo lý giải của NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 thực hiện trên cơ sở đề nghị của các TCTD và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III-2023 do NHNN thực hiện đã nhận định thanh khoản hệ thống ngân hàng quý II-2023 duy trì ở trạng thái “tốt”, các TCTD kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng 12,5% trong năm 2023. Tại kỳ điều tra này, các TCTD đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Hiện dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tốt lên thời gian tới. Theo Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN), trong quý II nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng có cải thiện nhưng tỷ lệ TCTD nhận định “cải thiện” thấp hơn so với nhận định và kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các TCTD dự báo quý III-2023, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Tuy nhiên, vẫn có 11% TCTD dự báo nhu cầu vay vốn “giảm” trong năm 2023 so với năm 2022.

Thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh

Theo NHNN, qua 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay ngắn hạn, thì mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, các TCTD cũng đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để kích cầu tín dụng.

Tại kỳ điều tra đầu tháng 6-2023, trước khi NHNN công bố quyết định giảm thêm 0,5 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành lần thứ 4 vào ngày 16-6-2023, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,31- 0,42 điểm phần trăm trong quý III-2023 và giảm tương ứng 0,91 điểm phần trăm và 0,79 điểm phần trăm trong cả năm 2023.

Bên cạnh đó, tại kỳ điều tra lần này, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro (MBRR) khách hàng tổng thể trong quý II tăng nhanh hơn so với quý trước, với 34,2% TCTD nhận định MBRR khách hàng tổng thể ở thời điểm hiện tại đang ở mức “cao” và 48,2% TCTD dự báo MBRR khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, các TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng.

Theo đánh giá của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III-2023.

Với diễn biến từ thực tế, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III-2023 và tăng 12,5% trong năm 2023. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý III và tăng 10,6% trong năm 2023 (điều chỉnh tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 9,2% tại kỳ điều tra trước).

Cũng theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II được nhận định tiếp tục “cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.

Sự sụt giảm của tổng cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cũng phản ánh mức tăng trưởng tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, để tăng tổng cầu cần chính sách tài khóa, tiền tệ kết hợp đồng bộ và đảm bảo giảm thiểu tối đa các rủi ro, mới có thể kích cầu tín dụng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết