Trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại Islamabad ngày càng giảm, cựu kẻ thù của Pakistan thời Chiến tranh Lạnh là Nga đang tạo dựng mối quan hệ quân sự, ngoại giao và kinh tế với nước này, mở ra một thị trường khí đốt phát triển nhanh chóng cho các công ty năng lượng xứ bạch dương.
Nga xích lại gần Pakistan vào thời điểm quan hệ giữa Washington và Islamabad rạn nứt xung quanh cuộc nội chiến ở Afghanistan, do Mỹ chỉ trích Pakistan dung túng khủng bố. Dù mối quan hệ gần gũi giữa Mát-xcơ-va và Islamabad vẫn còn mới mẻ, một loạt các thỏa thuận về năng lượng và quân sự hứa hẹn sẽ làm sống lại mối quan hệ vốn đã lụi tàn trong nhiều thập kỷ qua. “Đó mới chỉ là sự khởi đầu. Cả hai nước đã nỗ lực vượt qua quá khứ để mở cánh cửa cho tương lai” - Khurram Dastgir Khan, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, nói với Reuters.

Ngoại trưởng Pakistan Asif (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Mát-xcơ-va hồi tháng 2-2018. Ảnh: Reuters
Quan hệ Nga-Pakistan trở nên khắn khít khi hai nước có chung quan điểm đối với vấn đề Afghanistan. Cả Mát-xcơ-va và Islamabad cùng cảnh giác trước sự hiện diện của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan. Nga quan ngại rằng lực lượng này có thể “vươn vòi” tới khu vực Trung Á và “sát nách” Nga, trong khi IS trên thực tế đã tiến hành một số vụ tấn công quy mô lớn ở Pakistan. Trong động thái nhằm tăng cường quan hệ song phương, Nga mới đây đã bổ nhiệm lãnh sự danh dự cho tỉnh Khyber Pukhtunkhwa, giáp với tỉnh Nangarhar của Afganistan, nơi IS thiết lập nhiều căn cứ. “Chúng tôi có điểm chung trong hầu hết các vấn đề cấp ngoại giao. Đó là một mối quan hệ sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai” - Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi khẳng định.
Trong chuyến thăm Mát-xcơ-va hồi tháng rồi của Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif, hai nước đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban về hợp tác quân sự để chống lại mối đe dọa của IS trong khu vực. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục triển khai các cuộc tập trận quân sự thường niên vốn bắt đầu từ năm 2016, thực hiện hợp đồng Nga bán 4 trực thăng tấn công và động cơ máy bay chiến đấu JF-17 cho Pakistan.
Theo các quan chức năng lượng Pakistan, Nga và Pakistan đang đàm phán các thỏa thuận năng lượng tiềm năng trị giá lên tới 10 tỉ USD. Ngoại trưởng Asif tiết lộ, hai nước sẽ hợp tác trong 4-5 dự án điện năng lớn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Nga đã đạt các thỏa thuận cung cấp khí đốt và cơ sở hạ tầng cho Pakistan, một trong những thị trường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng phát triển nhanh nhất thế giới. Theo đó, Pakistan và Nga hồi tháng 10 năm ngoái đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về năng lượng, mở đường cho Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tham gia đàm phán việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Pakistan. Được biết, thương vụ này có giá trị lên tới khoảng 9 tỉ USD trong vòng 15 năm. Trong khi đó, có nhiều thông tin cho rằng một đường ống dẫn khí với vốn đầu tư lên tới 2 tỉ USD do Nga làm chủ đầu tư, dài 1.100km từ Lahore (thủ phủ tỉnh Punjab) tới thành phố cảng Karachi vốn bị trì hoãn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tập đoàn công nghệ Nga Rostec, sẽ được tiếp tục xây dựng.
Petr Topychkanov, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhận định Pakistan hiện là một trong số những quốc gia bị Nga lôi kéo sau khi “chia tay” Mỹ, trong đó gồm Philippines và Qatar. Trong khi đó, Daniel Markey, một chuyên gia về Pakistan ở Đại học John’s Hopkins (Mỹ), nói rằng quan hệ Nga – Pakistan là nhằm giải quyết 2 vấn đề của Mát-xcơ-va, đó là ngăn chặn mối đe dọa của IS từ Afghanistan và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.
TRÍ VĂN