24/06/2012 - 20:57

XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG THỦY SẢN CHO THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Nền tảng từ những nông hộ nhỏ

Trạm trung chuyển, thu mua thủy sản từ các nông hộ đã được cấp chứng nhận Metro Gap tại TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Trong khi nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới thì người nuôi nhỏ lẻ các sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu thụ nội địa luôn gặp bấp bênh về đầu ra. Xuất phát từ ý tưởng gắn kết các nông hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ thành hệ thống cung ứng tin cậy phục vụ tiêu thụ nội địa, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã triển khai dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa”. Qua thời gian triển khai thí điểm tại TP Cần Thơ cùng một số tỉnh vùng ĐBSCL, dự án đã gặt hái được thành công bước đầu và hứa hẹn có thể nhân rộng trong tương lai.

Thành công bước đầu

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa” do Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 1 triệu USD. Trong đó, Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) hỗ trợ 250.000 USD. Các hoạt động chính của dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống nguồn thu mua cho trung tâm trung chuyển thủy hải sản tại TP Cần Thơ; Áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro (Metro GAP) cho một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt; Đầu tư vào hệ thống khuyến nông; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng cho thị trường nội địa; Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.

Trong quá trình thực hiện dự án, có 290 nông hộ nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL được đào tạo áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro cho một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đến nay, 70 nông hộ trong số đó đã đạt chứng nhận Metro GAP. Đặc biệt, dự án đã xây dựng được trạm trung chuyển tại TP Cần Thơ với công suất 4.500 tấn/năm. Với cơ sở vật chất hiện có, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam tiến hành thu mua thủy sản từ các nông hộ đạt chứng nhận để cung ứng cho hệ thống siêu thị Metro. Ông Bart Verheyen, Giám đốc thu mua và Mại vụ Thực phẩm, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết: “Đây là lần đầu tiên một công ty bán lẻ thực phẩm tự đầu tư phát triển chuỗi cung ứng bằng cách kết nối sự tham gia của những người nuôi nhỏ lẻ vào dây chuyền cung ứng nhằm phục vụ người tiêu dùng nội địa”.

Theo thống kê ban đầu, nhờ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khi tham gia vào dự án, trung bình sản lượng cá của nông hộ tăng 9%, doanh thu tăng ít nhất 49%. Ông Võ Thành Nhân (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), cho biết: “Tôi là một trong những người đầu tiên được hưởng lợi từ dự án này. Sau khi tham gia tập huấn và được cấp chứng chỉ, tôi nuôi ếch theo tiêu chuẩn Metro Gap và được công ty bao tiêu với giá thu mua cao hơn so với giá mua của thương lái, đầu ra tương đối ổn định. Ngoài ra, nhờ thực hiện ghi chép, quản lý sổ sách thường xuyên trong suốt quá trình nuôi nên tôi dễ dàng kiểm soát lợi nhuận, các chi phí đầu tư, tái đầu tư”.

Đôi bên cùng có lợi

Hiện nay, có 39 hộ nuôi thủy sản ở TP Cần Thơ đã được cấp giấy chứng nhận Metro GAP. Các hộ này tham gia cung cấp một số loại thủy sản cho siêu thị như lươn, ếch, baba, cá tai tượng, rô phi, bống tượng, điêu hồng, cá rô đầu vuông, rô đồng...

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Tiêu chuẩn Metro GAP phù hợp điều kiện thực tế của nông dân, nhất là những nông dân có quy mô sản xuất nhỏ. Người nuôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật và nuôi theo quy trình bền vững, theo dõi sát từ khi nuôi đến khi thu hoạch, được bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do cơ sở hạ tầng nuôi còn kém nên việc thực hiện tiêu chuẩn chưa nhiều; việc tiêu thụ hàng thủy sản của Metro do mới xây dựng nên số lượng thu mua còn hạn chế, mô hình chưa nhân rộng nhiều”. Theo ông Võ Thành Nhân (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), khi tham gia mô hình, nông hộ có đầu ra ổn định, song khó khăn hiện nay là các hộ nuôi thủy sản thường thu hoạch 1 lần với số lượng lớn trong khi Metro chỉ thu mua với số lượng cố định và cung ứng hàng ngày. Bên cạnh đó, công ty chỉ chọn thu mua các sản phẩm có kích cỡ lớn đồng đều, lượng thủy sản còn lại không đạt kích cỡ, người nuôi khó bán cho thương lái bên ngoài hoặc chỉ có thể bán với mức giá thấp.

Ông Bart Verheyen, Giám đốc thu mua và Mại vụ Thực phẩm, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết: “Từ những thành công ban đầu của mô hình, công ty Metro đang có kế hoạch tăng sản lượng thu mua và đối tượng thủy sản thu mua, tiến tới nhân rộng mô hình nuôi. Bên cạnh đó, đơn vị phụ trách tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các nông hộ tham gia dự án cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để nông hộ nuôi trồng được các sản phẩm thủy sản nước ngọt có chất lượng đồng đều, phù hợp với yêu cầu thu mua của công ty. Công ty cũng định hướng sẽ mở rộng đối tượng khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm thu mua, kích cỡ thu mua để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng lẫn nhà cung ứng”.

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa” do Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam triển khai mặc dù còn khá mới mẻ, song đây là bước khởi đầu đầy hứa hẹn cho các nông hộ thủy sản có thể liên kết với các công ty, doanh nghiệp để trở thành nhà cung ứng sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa. Trong chuỗi cung ứng này không thể thiếu vai trò của ngành nông nghiệp địa phương trong việc kết hợp với các công ty, doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật hướng đến hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Các địa phương có thể hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để nông dân có điều kiện tiếp cận với chuỗi cung ứng, thuận lợi vận chuyển cung cấp sản phẩm. Ngoài ra, địa phương cũng chính là cầu nối để liên kết nông dân lại thành tổ, hội nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như nhân rộng mô hình trong tương lai.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết