19/06/2016 - 07:34

Nàng Om Bok

Truyện ngắn Lương Minh Hinh

Vùng đất đầu giồng hoang sơ thường gọi đất Gừa Lão. Cây bên hồ nước thân to sụ quằn vươn tán lá lồng lộng giữa thảm cỏ xanh. Giữa khoảng mênh mang đó bỗng có ông lão đi nghênh ngang. Chân ông khua khua trên ngọn cỏ, mình gập tay dang ra vẫy như chim vỗ cánh.

Vừa đi ông nói: Đừng hỏi ta về làm gì. Ta không ngại thổ lộ, ta về viếng nàng Om Bok. Làm ơn chỉ giùm nàng đang ở đâu.

***

Thuở nhỏ ông lão có biệt danh Chim Phóng Sinh.

Chim Phóng Sinh mười tuổi đầu mà bắt chim trời như thò tay vào túi lấy đồ. Cậu từ xa cả chục cây số đeo lồng chim lái xe đạp nhỏ lướt trên cỏ xanh tới Gừa Lão. Cậu tính tìm chim ở Gừa Lão đặng làm ăn lớn. Vòm xanh Gừa Lão giữa đồng cỏ là sân chim đất giồng đông đúc. Chim di trú vượt đại dương châu lục bay ngang đậu Gừa Lão dưỡng cánh. Cậu tính phen này cho chim đạp chân vào bẫy, xỏ chân vào thòng lọng.

Tính là vậy nhưng Chim Phóng Sinh tới đây lại mải nhìn ngắm chim tụ hội, còn thả châu chấu, tung đậu, rải lúa gạo cứ như là trình tín lễ trước đất mới. Chim trời chịu tán xanh còn Chim Phóng Sinh thì chịu thân cội có lớp lớp rễ quần vấn thành những hang hốc long li oai vệ. Cậu lấy một cái hốc lớn của cây làm "động", nhìn ngắm mê đắm chỗ gửi thân.

 

Cách Gừa Lão dăm cây số là sóc Phmohl có cô bé mồ côi, dân sóc gọi luôn tên Côi. Bé Côi sống với cả phum sóc, tối ở nhà nào thì ngủ, gặp bữa nhà nào là ăn; áo quần rách lấy đồ của trẻ trang lứa mặc chẳng phân biệt đồ trai gái. Bé cảm động nhất là Lễ Ok-Om-Bok được người già lựa chọn đút cốm dẹp và hỏi mơ ước đầu tiên. Côi ước có em trai, có cốm dẹp.

Côi có thói hễ thấy cốm dẹp là lấy đựng vào cái hũ nhỏ xíu đeo trong cạp quần. Côi hay đeo cốm tới trakou- cây cổ thụ, tức là tới chỗ Gừa Lão. Dân làng bảo không tới ở đó. Vì Ông bảo đất đó bom đạn da cam. Còn Bà nói mẹ và em trai bỏ sóc theo hướng đó bao lâu có thấy về đâu. Nghe vậy Côi quyết lén tới Gừa Lão chờ mẹ đón em và cho em cốm dẹp. Bất ngờ tới Gừa Lão Côi thấy cái xe đạp của Chim Phóng Sinh. Côi nhìn Chim Phóng Sinh nằm như chết ngoẻo trong hộc cây, thất thanh la hốt hoảng:

- Thằng Chim Phóng Sinh chết! Chết rồi!

Chim Phóng Sinh chui ra chỉ mặt:

- Nói bậy! Mà sao đằng ấy có mùi làm ta rất thèm ăn. Mùi nếp thơm.

Côi vội vàng vạch áo lấy hũ cốm dẹp ra. Cậu chộp lấy, dốc cốm vào miệng. Trời đất! Côi chưa thấy ai có miệng nhồm nhoàm dữ vầy. Phải cả mâm cốm cúng trăng mới đủ cho miệng đó. Côi ra vai người cao tuổi đút cốm dẹp trong lễ hội hỏi Chim Phóng Sinh có ước mong chi?

- Ngon quá. Chim Phóng Sinh mong có cốm dẹp. Chim Phóng Sinh mong có Om Bok (1).

- Sao Chim Phóng Sinh tới đây?

- Tới với chim trên cây, ngăn rắn rít hại gốc cây.

- Hay quá, có Chim Phóng Sinh ở đây Côi cấy nếp không ngại chim chuột phá. Côi làm Om Bok!

Chim rạng rỡ mặt mày. Chim vỗ vỗ thân Gừa Lão:

- Chim và Om Bok kết bạn ở chỗ hốc này!

Om Bok cũng vỗ ba thân cây thay cho lời thề kết bạn.

Chim Phóng Sinh giữ nghề, cô bạn Om Bok cũng không được nghe cậu tiết lộ bí quyết chim muông. Cô thấy cậu trèo cây lên xuống như bay. Om Bok chỉ biết cậu đeo những cái lồng lên tàn cây là có chim để bán ở chợ phiên, các tụ điểm lễ hội cho người ta phóng sinh. Người người quây quanh cái lồng chim trên cái xe đạp nhỏ. Hàng chục đôi chim nhốt ở các ô trong cái lồng che đậy kín đáo. Cậu bé lễ phép chọn hướng đứng cho người phóng sinh. Ấy là cái hướng nhắm đến tán cây có sẵn lồng tổ và mồi thóc đậu thấm muối bếp. Khi được phóng sinh chim cứ nhắm hướng trước mặt bay tới gặp vòm xanh thì đậu, nếu không thấy lồng tổ và mồi màng ở đây, thì bay tiếp khi nào gặp lồng tổ mà ở. Xác định phương hướng thả chim rồi cậu nâng đôi tay người khách lên, đặt chim đứng trên tay khách, hướng về phía vòm xanh đã định. Cậu lui ba bước chắp tay. Người phóng sinh khấn khứa xưng danh, nói lời cầu chúc, nói lời thương yêu muôn loài và xòe tay. Chim bay lên trời xanh, chim trở về cuộc sống tự do!

Om Bok thấy Chim Phóng Sinh đi về với cái lồng trống không. Cô mừng thầm sao mà đắt hàng vầy. Cô đâu biết nếu bán không hết thì cũng thả chim cho nó thanh thản bay về Gừa Lão. Om Bok chẳng biết những cặp chim khỏe mạnh không vướng bận sinh đẻ ấp trứng nuôi con, đã được Chim tuyển dụng quay vòng tung cánh phóng sinh mỗi ngày để Chim cầm tiền bạc.

Chim Phóng Sinh mua leng cuốc khai hoang làm miếng ruộng cho Om Bok cấy nếp làm cốm dẹp cúng trăng. Anh chàng bán chim này ham hố cốm hơn người nên Om Bok tính mỗi tháng phải làm cho chàng mấy ký cốm dẹp ăn chơi. Việc này cần nhiều lúa nếp, phải mua nếp phơi khô sấy khô đổ bao đổ lu dự trữ để làm dần. Cần bao nhiêu Chim Phóng Sinh mua cho. Làm cốm nếp già phải lo lửa nước cho hạt nếp mềm rồi mới rang giã dần sàng ra cốm dẹp được.

Chim Phóng Sinh mua lúa nếp, mua đồ làm cốm, hũ lu đựng cốm, mua than và làm cái bếp lò bự. Hai người tay làm miệng chuyện mở lòng.

Bếp làm xa xa né lửa than cho cây cổ thụ. Lo cho cây. Cây cho chỗ.

Các thứ mua sắm xong Om Bok bắt tay vào việc xấy khô lúa nếp để dự trữ.

Chim Phóng Sinh lại mải miết đi bán chim. Đang bán hàng nghe ruột gan như lửa đốt. Có chuyện rồi. Bỏ chợ về coi chuyện chi. Mới được nửa đường thấy lũ chim mới phóng sinh xà xuống. Nhất định Gừa Lão bị sao rồi. Chạy! Gấp! Kìa tán gừa bị dập gẫy cháy xém. Mặt đất bếp núc của Om Bok hố bom cày lên. Nồi rang vỡ, cốm cháy thành than, bao nhiêu lúa nếp mua dữ trữ làm cốm cháy thành than hết rồi. Có vệt máu trộn tro than. Om Bok đâu? Nước mắt Chim Phóng Sinh tràn mờ mịt. Cậu bò lết quờ quạng tìm kiếm? Om Bok, đất đá, cỏ cây… tất cả bị nghiền nát thiêu đốt. Chim Phóng Sinh bốc tro than đất cát bỏ vào lu đưa vào trong hốc cây. Chúng mình sửa soạn chỗ nằm đâu có ngờ làm chỗ chứa than tro. Trời sập tối, khói lửa khét lẹt, lân tinh từ bom văng tứ tung lập lòe. Cậu vội vàng nhảy lên xe chạy xa Gừa Lão.

***

Gừa Lão đã thêm mấy chục năm tuổi nữa. Chim Phóng Sinh cũng được gọi là ông rồi. Thân cây rễ bủa thêm lớp lớp. Bát nhang thờ Niếctà (2). Kìa sau bàn thờ… Cái lu! Cái lu Chim đựng tro than ngày nào. Rễ cây ôm quấn chắc chắn mà sao lại phô ra một phần da lu sành nâu bóng vậy?

Có người ở phía sau đặt giỏ đồ cúng xuống cạnh ông.

- Thắp nhang Niếctà à? Để tôi đốt nhang cho mà xá khấn.

Bàn tay cụt đưa tới trước mặt, ông lão sững người rồi chộp cổ tay và nức nở: Om Bok.

- Về làm gì?

- Tôi về để thắp nhang cho… cho… hu hu…

Chim Phóng Sinh bán chim tự phóng sinh biệt tăm biệt tích giờ còn về phóng sinh nước mắt sao?

- Mất hết mười ba đốt ngón tay vầy sao?

- Tại tôi. Tôi quyết làm cốm dẹp ngon lành cho ai. Tôi đốt lò than hồng sấy lúa nếp tươi cho khô để tích trữ, rồi tôi băm bổ làm cốm dẹp. Tay nghề non nớt lúng túng làm đồ đạc sập đổ chặt phăng mất nửa bàn tay. Bị thương chạy về sóc cứu chữa. Cái bếp lò lớn của Chim Phóng Sinh đốt rồi bỏ đó than lửa nung nóng đất đánh thức bom mìn bị lấp vùi nổ tung.

Lúc đó vụ nổ làm Chim Phóng Sinh sáng mắt. Kẻ ham tiền bắt chim bán. Người mưu phúc đức bỏ tiền mua chim thả. Luẩn quẩn tiền bạc mưu lợi hại chim hại người. Cậu lúc đó bỏ cái danh Chim Phóng Sinh đi tới nơi xa làm nghề trồng trọt.

Tôi còn một tay vẫn ráng làm cốm dẹp. Dần dần rồi cốm mình làm ngon có tiếng.

Côi không còn là nàng Om Bok dắt hũ cốm cạp quần của riêng Chim Phóng Sinh nữa. Cô thành người lớn nhớ ơn dân sóc Phmohl cho cơm ăn mỗi ngày, nên làm cốm dẹp cho bọn trẻ con cả ấp quanh năm. Côi đi khắp các giồng đất Cửu Long học lối làm cốm ra cốm dẹp Trà Vinh, An Giang, Bình Minh, làm bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng, bánh tét Cầu Ngang, xôi trắng xôi màu.

- Mà sao ông đến một mình, không đưa cả nhà tới Gừa Lão?

- Vợ tôi tham tiền ép tôi làm Chim Phóng Sinh. Cãi lộn. Bỏ nhau. May còn thằng con trai, tên Văn Nếu.

Văn Nếu được Chim Phóng Sinh xin sữa nuôi sống, trồng rau làm nông mà nuôi lớn lên cho ăn học đàng hoàng. Văn Nếu thành nhà khoa học tài nguyên môi trường, chuyên đi phá bom mìn.

***

Côi đã biết ngày xưa Chim Phóng Sinh lấy mồi dụ chim, giữ cánh chim. Giờ đem con trai "môi trường" dụ Côi. Được. Gỡ sạch đạn bom ở đất giồng đi. Chúng mình nói tiếp chuyện Om Bok hồi xưa.n

...................


(1) Om bok là cốm dẹp.

(2) Người Khmer Nam bộ có tín lễ tôn thờ thắp nhang cầu nguyện thần Niếctà chỗ có gốc cây, cửa vàm rạch, mô đất, hay hòn đá…

Chia sẻ bài viết