13/12/2014 - 15:17

Năng động, sáng tạo chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sự phát triển của TP Cần Thơ trong hiện tại vẫn chưa đủ sức lan tỏa ra vùng. Môi trường đầu tư, kinh doanh và cơ chế chính sách đầu tư của thành phố chưa hấp dẫn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn nhiều hạn chế… Để phát huy vai trò trung tâm, Cần Thơ cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Chuyển biến, nhưng chậm

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Theo đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được xác định “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”. Cùng với cả nước thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, TP Cần Thơ xác định mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình, phấn đấu đến năm 2020 đưa Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, trung tâm vùng ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực với mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

     Một góc TP Cần Thơ nhìn từ trên cao. 

Nhận định về kết quả 4 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Cần Thơ, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ- bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011- 2014 đạt 12,2%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến cuối năm 2014, khu vực I chiếm 7,27% (giảm 4,3% so với năm 2011), khu vực II chiếm 35,79% (giảm 6,02% so với năm 2011), khu vực III chiếm 56,94% (tăng 10,32% so với năm 2011) trong cơ cấu GDP. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2014 đạt 70,2 triệu đồng/người/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2011. Có thể thấy kinh tế của thành phố đã từng bước củng cố được nội lực, tăng trưởng theo chiều sâu”. Đến nay, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố giữ vị trí thứ 2 khu vực ĐBSCL (sau Long An), đóng góp 16% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Thành phố hiện có quan hệ xuất khẩu với khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp có những bước chuyển quan trọng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Tại hội thảo chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP Cần Thơ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 tổ chức ngày 11-12-2014, các nhà khoa học đến từ các viện, trường trên địa bàn TP Cần Thơ, TP HCM; các nhà quản lý đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ khá ấn tượng trong 10 năm (2004- 2014). Tuy nhiên, kinh tế thành phố hiện vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng còn thấp. Các nhà khoa học cho rằng, TP Cần Thơ được xác định là trung tâm vùng ĐBSCL về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, y tế… nhưng hiện tại các lĩnh vực này vẫn chưa phát triển xứng tầm do xuất phát điểm của thành phố thấp. Môi trường kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư lớn; việc ứng dụng khoa học công nghệ của Cần Thơ vẫn còn kém xa so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác cả nước. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển của thành phố qua hệ số ICOR hiệu quả và TFP (năng suất tích hợp các yếu tố tài nguyên- lao động- khoa học công nghệ) thấp. Do đó, cần đổi mới tư duy, sáng tạo và năng động để theo kịp xu hướng phát triển giai đoạn mới.

Kết hợp hài hòa các xu hướng phát triển

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định Cần Thơ phải phấn đấu trở thành trung tâm vùng ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của thành phố hiện chưa đầu tư đồng bộ, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều (nhất là nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ…). Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Thành phố có cảng biển, cảng hàng không, nhà máy nhiệt điện… nhưng vẫn chưa phát huy hết nguồn lực này do vướng luồng cho tàu lớn vào sông Hậu; giá cả hàng không cao và chưa hợp lý, chưa có nhiều đường bay quốc tế; nhà máy nhiệt điện chưa có khí để chạy... Nếu chỉ tính riêng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn đến năm 2020 vận hành 4 nhà máy và sử dụng nguồn khí từ Lô B sẽ đóng góp vào ngân sách thành phố khoảng 3.000 tỉ đồng”. Trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố đi theo hướng công nghiệp- thương mại dịch vụ- nông nghiệp. Nhưng thương mại dịch vụ đang trội hơn công nghiệp. Theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới, thành phố xin chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo thương mại dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố hiện tập trung nhiều chi nhánh của tập đoàn thương mại bán lẻ, bán buôn trong ngoài nước như: Big C, Co.opmart, Lotte,… Song, để phát triển thì nguồn lực là quan trọng (nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực); thành phố sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư như: ODA, FDI, từ xã hội… để đầu tư phát triển thành phố. Phải sử dụng công nghiệp công nghệ cao để tăng nguồn thu cho thành phố và phát triển bền vững nền kinh tế.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nêu dẫn chứng: “Riêng về phát triển nông nghiệp, Cần Thơ có thế mạnh mà không nơi nào có được, với diện tích đất sản xuất của 2 nông trường (Cờ Đỏ và sông Hậu) rộng khoảng 7.000ha rất thuận lợi cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để làm ra giống nông nghiệp chất lượng cao cung cấp cho vùng, cả nước”. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, muốn công nghệ cao thì phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, Cần Thơ là nơi quy tụ nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Với hệ thống trường đại học khá mạnh, thành phố cần tận dụng nguồn lực này để tập trung đầu tư dịch vụ giáo dục- đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả đồng bằng và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp có bài bản, chất lượng cho người lao động (nông dân, công nhân). Nhân lực là chìa khóa để phát triển bền vững.

Đề xuất mô hình tăng trưởng kinh tế cho TP Cần Thơ giai đoạn mới, GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng, trên lĩnh vực công nghiệp, với ngành công nghiệp mũi nhọn, Cần Thơ có thể chọn phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, chế tạo, sinh học (phục vụ cho nông nghiệp), vật liệu mới để chuyển hướng phát triển theo chiều sâu. Ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm (xay xát, may mặc, da giày…) là ngành công nghiệp truyền thống không thể bỏ được mà vẫn phải phát triển. Ngành công nghiệp có giá trị gia tăng nhanh là công nghiệp chế biến (thực phẩm cao cấp, thủy sản) là ngành mà Cần Thơ có thế mạnh cần tận dụng phát huy. Các ngành công nghiệp tích lũy tiền tệ cao (rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas, chế tác từ vàng…) cũng cần lựa chọn để phát triển. Về dịch vụ thì Cần Thơ cần khẳng định vai trò trung tâm dịch vụ vùng ĐBSCL: trung tâm tài chính (ngân hàng và phi ngân hàng) phải chú trọng phát triển tương xứng với quy mô kinh tế; trung tâm thương mại Cần Thơ đang có ưu thế. Còn trung tâm du lịch thì thành phố đang bắt đầu có hệ thống khách sạn 5 sao, du lịch sinh thái phát triển cần phát huy để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trung tâm đào tạo nhân lực – đây là thế mạnh lớn của thành phố. Đại học Cần Thơ là đại học vùng với nhiều ưu thế và tiếp cận với thế giới rất sớm, nhiều cơ hội tiếp cận với các khoa học công nghệ mới của thế giới. Với lợi thế hiện tại, TP Cần Thơ hoàn toàn đủ khả năng gánh vác sứ mệnh trung tâm động lực vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết