15/10/2012 - 10:47

Kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2012)

NĂNG ĐỘNG GIÚP THANH NIÊN LẬP NGHIỆP

Anh Nguyễn Thanh Toàn, khu vực 1, phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), hướng dẫn các học viên tháo phụ tùng xe gắn máy. 

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam TP Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ thanh niên vươn lên có cuộc sống ổn định. Trong đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ vốn vay, cây con giống và tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… là những cách làm thiết thực, "bấm trúng" nhu cầu chính đáng của nhiều thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Mỹ Trắng ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), đúng lúc anh Trắng đang tất bật giới thiệu, bán các loại ngư cụ cho bà con. Anh Trắng phấn khởi cho biết: "Mùa nước nổi, nhu cầu mua các loại ngư cụ đánh bắt của bà con khá cao nên có hôm thu vào từ 2 - 3 triệu đồng, thấp hơn thì được hơn một triệu đồng, trung bình tôi kiếm lời từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày". Đa số bà con ở đây sống bằng nghề nông nên sau khi lập gia đình và được cha mẹ cho ra riêng, anh Trắng ấp ủ mở cửa tiệm bán ngư cụ nông nghiệp và một số hàng hóa thực phẩm khác ngay trong xóm. Năm 2010, anh Trắng gom hết số tiền do cha mẹ hai họ cho khi cưới, với hơn 30 triệu đồng, để mở tiệm buôn bán nông cụ rộng hơn 120m2.

Dẫn chúng tôi tham quan cửa tiệm đầy ắp hàng hóa, anh Trắng bộc bạch: "Ngày đầu khởi nghiệp buôn bán, tôi cứ nghĩ đơn giản, ai ngờ vừa cất xong cửa tiệm thì đã hết vốn. Giấc mơ làm chủ một cửa tiệm buôn bán nông cụ tưởng chừng tan vỡ vì không có tiền lấy hàng về bán, nhưng ngay lúc đó tôi được Hội LHTN xã giúp đỡ hướng dẫn vay hơn 4 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình…". Với số vốn ban đầu đó, anh Trắng nhập các mặt hàng đảm bảo thu hồi vốn nhanh rồi dần tích lũy, bày bán những sản phẩm nông cụ với vốn đầu tư cao, như: lưới, chăn vịt, phụ tùng máy móc nông nghiệp. Bây giờ, cửa hàng của anh bán nhiều, phong phú về chủng loại, với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng. Anh Đỗ Văn Đạt, Bí thư Xã đoàn Trường Thắng, cho biết: "Để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, Đoàn - Hội LHTN xã đã hướng dẫn 226 hội viên vay vốn, thành lập 01 tổ vay vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, với nhiều mô hình hiệu quả, như: buôn bán, chăn nuôi heo, trồng dưa hấu… Đặc biệt là tổ đan cần xé đã giải quyết lao động cho hàng chục thanh niên địa phương".

Cũng nhờ tham gia tổ đan cần xé mà anh Hồ Văn Chuyển ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, có thu nhập ổn định, con cái ăn học đàng hoàng. Theo anh Chuyển, nghề đan cần xé đã có từ lâu đời, thế nhưng do sản xuất manh mún và hàng hóa không có đầu ra nên đa số nam, nữ thanh niên trên địa bàn ấp chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đến năm 2009, tổ đan cần xé được thành lập, anh xin tham gia tổ. Anh Chuyển chia sẻ: "Các thành viên trong tổ phân công nhiệm vụ hẳn hoi, người phụ trách mua nguyên liệu, người liên hệ với thương lái, khách hàng. Mỗi ngày tôi thu lợi từ 70.000 - 80.000 đồng, tính ra mỗi tháng thu nhập từ 2-3 triệu đồng". Làm ăn hiệu quả nên anh Chuyển mua thêm máy vót nan (loại máy tự chế), trị giá hơn 20 triệu đồng, nhằm tăng năng suất lao động. Theo anh Chuyển, những năm gần đây, sản phẩm làm ra đôi lúc không kịp giao hàng cho khách, nhất là vào mùa thu hoạch lúa, trái cây, vì vậy nhiều thanh niên địa phương tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận đan cần xé thuê, thu nhập mỗi ngày cũng hơn 50.000 đồng.

Ở huyện Cờ Đỏ, bên cạnh hỗ trợ vốn vay, thời gian qua, các cấp Hội LHTN huyện Cờ Đỏ tổ chức cho thanh niên tham qua các mô hình kinh tế hiệu quả. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 14 đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho đoàn viên, hội viên thanh niên. Nhờ vậy, nhiều đoàn viên đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Anh Đặng Minh Thuận, Bí thư Xã đoàn Trung Thạnh, chia sẻ: "Khó khăn của thanh niên nông thôn trong quá trình lập nghiệp là thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nên hàng năm Đoàn - Hội LHTN phối hợp các ban ngành, đoàn thể xã tổ chức 2 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, như: chăn nuôi, trồng trọt…". Cũng nhờ tham gia đều đặn các lớp chuyển giao KHKT mà Nguyễn Xuân Lâm, ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), đã "phất" lên, với thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm từ nghề nuôi heo. Hệ thống chuồng trại của Lâm có qui mô lớn, hiện có hơn 40 con heo sinh sản lẫn heo thịt. Theo Lâm, chăn nuôi heo cần khoa học, phải tính toán kỹ lưỡng từ việc tận dụng nguồn phụ phẩm để tiết kiệm chi phí, đến kỹ thuật chăm sóc heo đạt hiệu quả. Nghĩ vậy nên Lâm thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với bà con và tham gia các lớp chuyển giao KHKT do xã tổ chức.

Sự hình thành ngày càng nhiều câu lạc bộ chăn nuôi, sản xuất kinh doanh giỏi càng thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp thêm khởi sắc. Đây thực sự là nơi để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như ở quận Cái Răng, Quận đoàn phối hợp với Phòng Kinh tế quận đã thành lập mới 4 câu lạc bộ chăn nuôi ở các phường Tân Phú, Ba Láng, Thường Thạnh, Phú Thứ, qua đó đã hỗ trợ 2.000 con vịt xiêm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 54 triệu đồng. Nguyễn Nhựt Trường, khu vực 3, phường Ba Láng, là một trong 15 thanh niên ở phường Ba Láng được Quận đoàn Cái Răng hỗ trợ 50 con vịt xiêm để nuôi. Lúc khởi nghiệp, tài sản của Trường chỉ có hơn 1.000m2 vườn trồng sầu riêng và cóc, thu nhập mỗi năm chỉ nhỉnh hơn 20 triệu đồng/năm. Để tăng thêm thu nhập, Trường thả nuôi vài chục con vịt siêu thịt trong khu vườn. Hay tin Quận đoàn Cái Răng hỗ trợ vịt xiêm con, Trường vui mừng khôn xiết. Qua gần 2 tháng nhận nuôi, đàn vịt của gia đình Trường béo tốt và lớn nhanh rõ nét. Trường cho biết: "Giá vịt xiêm con mua ngoài thị trường cũng hơn 18.000 - 19.000 đồng/con, tính ra cũng hơn một triệu đồng. Nguồn giống này giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí chăn nuôi, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình".

Cùng với việc hỗ trợ con giống, các cấp Hội LHTN quận Cái Răng cũng đã phối hợp mở 11 lớp dạy nghề cho hơn 385 học viên, giúp thanh niên có nghề nghiệp vững vàng. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Thanh Toàn, ở khu vực 1, phường Ba Láng, nhờ tham gia các lớp dạy nghề sửa xe gắn máy, nay Toàn đã trở thành chủ một cửa tiệm sửa chữa xe gắn máy tại địa phương. Toàn đã dạy nghề cho hơn 35 thanh niên trên địa bàn, trong đó có nhiều người đã mở cửa tiệm sửa chữa và có cuộc sống ổn định hơn. Theo anh Toàn, nhờ học nghề này, mỗi tháng anh vừa có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng, vừa có thể ở nhà phụ giúp gia đình.

Theo Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 16.901 hội viên, thanh niên, trong đó có 4.935 hội viên, thanh niên có việc làm ổn định, đồng thời đã phối hợp mở 55 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.330 hội viên, thanh niên. Các tổ vay vốn do Đoàn - Hội quản lý cũng đã giải ngân hơn 30 tỉ đồng hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trong đó đa số là hội viên, thanh niên. Qua khảo sát của các cấp Hội, trên địa bàn thành phố có hơn 50 mô hình kinh tế hiệu quả đang được nhiều thanh niên nhân rộng. Theo anh Huỳnh Trung Trứ, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Cần Thơ, để hỗ trợ thanh niên vươn lên làm giàu trên quê hương, sắp tới, Ủy ban Hội LHTN thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tăng cường hỗ trợ hội viên, thanh niên nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ cây, con giống cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHTN Việt Nam thành phố cũng sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tìm đầu ra cho các sản phẩm từ các mô hình của thanh niên và tăng cường dạy các nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo điều kiện để thanh vươn  

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết