26/10/2021 - 09:39

Nâng đỡ trẻ em mồ côi vì COVID-19 

Dịch COVID-19 dần được kiểm soát, nhịp sống ở TP Cần Thơ đang từng bước trở lại bình thường. Thời gian qua, đại dịch đã gây ra nhiều hệ lụy, để lại nỗi đau mồ côi vì COVID-19 cho những đứa trẻ ngây thơ. Những nỗi niềm đó đang được các ngành chức năng và cộng đồng chung tay xoa dịu...

Chị Trần Ánh Xuân ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cùng con thắp hương cho chồng mất vì COVID-19.

Chung một niềm đau

Ðến thăm bé Phạm Thành Ðầy (6 tuổi) ở ấp Ðịnh Mỹ, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của bé. Cha bé là anh Phạm Thành Trung (37 tuổi) và mẹ là chị Ðào Thị Mỹ Hiên (33 tuổi) cùng đi Bình Dương làm việc nhiều năm qua. Anh Trung làm bảo vệ còn chị Hiên làm công nhân, để 3 đứa con cho ông bà ngoại chăm sóc. Mỗi tháng, anh chị gửi tiền về nuôi con. Dịp hè, anh chị về quê đón hai con lớn là Phạm Thành Hiếu (12 tuổi) và Phạm Thị Mỹ Hảo (7 tuổi) lên Bình Dương chơi. Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị Hiên đều nhiễm bệnh, ít lâu sau, anh Trung qua đời trong khi chị Hiên còn đang trong thời gian cách ly, điều trị. Trở về phòng trọ sau khi khỏi bệnh, chị Hiên và 2 con vẫn còn kẹt lại ở Bình Dương, chưa có điều kiện để đưa tro cốt của chồng về lại Cần Thơ.  

Tại quê nhà, cha mẹ của chị Hiên là ông Ðào Mạnh (82 tuổi) và bà Liêu Thị Ten (74 tuổi) vừa chịu nỗi đau mất người thân, vừa chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Bà Ten buồn buồn kể: “Nhà tui là hộ cận nghèo, không có ruộng đất canh tác gì, vợ chồng tui già yếu, đâu có làm ra tiền. Hàng tháng trông chờ tiền của vợ chồng con gái gửi về để nuôi cháu. Giờ con rể thì mất, con gái thì đi cách ly trị bệnh, rồi thất nghiệp. Mấy tháng qua, vợ chồng tui vót lá dừa cho người ta bó chổi bán, ngày kiếm được có hơn 10.000 đồng. Bà con xóm giềng với địa phương cho gạo, rau củ, nhu yếu phẩm nên cũng đắp đổi qua ngày”. Ngoài bé Ðầy, vợ chồng bà Ten còn nuôi hai cháu ngoại là con của một người con gái khác nên gia cảnh càng khó khăn hơn. Ngoài nỗi lo vật chất, bà Ten còn lo lắng cho việc học của ba đứa con chị Hiên. Bởi chồng chị Hiên mất rồi, chị thì sức khỏe yếu đi nhiều sau khi nhiễm bệnh. “Tui sợ nó không kham nổi khi phải một mình nuôi ba đứa con ăn học. Tui lo quá!”, bà Ten nói.

Ở huyện Thới Lai, còn có một hoàn cảnh mồ côi khác do COVID là em Lê Trần Khôi Nguyên (7 tuổi) ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh. Cha em là anh Lê Văn Bé Mười (38 tuổi), là thợ hồ, nhiễm bệnh và qua đời ngày 3-8. Mẹ bé là chị Trần Ánh Xuân, giáo viên Trường Mầm non Tân Thạnh, là F0 đã điều trị khỏi. Nhắc đến chuyện anh Mười, cả chị Xuân và con trai đều ngân ngấn nước mắt bởi nỗi đau mất mát vẫn chưa nguôi ngoai. Chị Xuân tâm sự: “Hai cha con quấn quýt nhau lắm. Ði làm về là ảnh chơi với con, cuối tuần là đưa con về nội chơi, đi đây đi đó, nên khi ảnh mất, con tôi buồn nhớ lắm, cứ hỏi về ba hoài, càng làm tôi chạnh lòng hơn”.

Những cơn mưa to, gió lớn gần đây càng làm căn nhà lá ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền thêm xiêu vẹo. Ngôi nhà ấy là nơi trú ngụ của Nguyễn Huỳnh Thế Vinh (11 tuổi) và Nguyễn Huỳnh Gia Bảo (3 tuổi) - 2 anh em vừa mồ côi cha do dịch bệnh. Gia đình không ruộng đất, cha mẹ hai em là anh Nguyễn Tấn Thành và chị Huỳnh Thị Lệ gửi con cho chị gái của chị Lệ chăm sóc để lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Chị Lệ làm giúp việc nhà, anh Thành làm thợ sửa điện tử dạo. Dịch bùng phát, cả hai vợ chồng không may đều bị nhiễm COVID-19. Anh Thành không qua khỏi, còn chị Lệ đang cách ly điều trị. Chị Huỳnh Thị Kim Vui, dì của hai anh em, bị khuyết tật nhưng vẫn vượt qua khó khăn để đùm bọc, chăm lo cho hai cháu.

Tại khu vực 10, phường Tân An, quận Ninh Kiều, gia đình chị Phạm Thị Nhàn luôn nhói lòng mỗi khi bé Huỳnh Quang Thành (6 tuổi) hỏi “Ba đi đâu sao không về với con?”. Chị Nhàn tâm sự: “Con tôi còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất cha. Bản thân tôi đến nay cũng không thể nào tin anh ra đi đột ngột như vậy!”. Chị Nhàn làm điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ và là lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Chồng chị, anh Huỳnh Hữu Quốc Cường (37 tuổi) không may nhiễm COVID-19, không qua khỏi sau 1 tháng chữa trị, để lại cha mẹ già, chị và con thơ. 

Chung tay hỗ trợ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, tính đến giữa tháng 10-2021, Cần Thơ có 11 trường hợp trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19. Các xã, phường, quận, huyện có trẻ mồ côi đều có sự quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các em bằng nhiều hình thức. Các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện có liên hệ với địa phương đến thăm và tặng quà cho một số em.  

Bà Liêu Thị Ten (74 tuổi) ở ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai hằng ngày vót lá dừa bó chổi để nuôi cháu ngoại Phạm Thành Đầy.

Ông Tăng Hoàng Ða, Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Lai, Chủ tịch Hội Ðồng đội huyện Thới Lai, cho biết: “Vào đầu năm học mới, Hội Ðồng đội huyện chỉ đạo các Hội Ðồng đội xã, thị trấn rà soát các trường hợp học sinh khó khăn. Trong đó, có 2 hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19, phía địa phương, hội, đoàn thể đến thăm, tặng quà và động viên gia đình. Ðồng thời, vận động nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu vượt qua nghịch cảnh. Hiện có một nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu cho em Lê Trần Khôi Nguyên bằng cách hỗ trợ tiền hằng tháng và chúng tôi đang xúc tiến làm các thủ tục. Còn ba em học sinh con của chị Hiên - anh Trung, chúng tôi sẽ cố gắng vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ cho các em tiếp tục đến trường khi hai bé lớn trở về Cần Thơ và bé nhỏ nhập học tập trung”.

Ngày 16-10 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cùng lãnh đạo huyện Phong Ðiền, quận Ninh Kiều đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho hai anh em Nguyễn Huỳnh Thế Vinh và Nguyễn Huỳnh Gia Bảo ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền và em Huỳnh Quang Thành ở phường Tân An, quận Ninh Kiều. Mỗi phần quà gồm 3 triệu đồng, một chiếc xe đạp, nhu yếu phẩm… Nhằm chăm lo, hỗ trợ 11 trẻ em có cha hoặc mẹ mất do nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố, Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn Công an thành phố phối hợp cùng Công an các địa phương thực hiện chương trình “Tình thương cho em”, bảo trợ chi phí học tập cho các em đến năm 18 tuổi. Ngoài chi phí quần áo, sách vở, xe đạp cho các em đến trường vào đầu năm học mới, hằng năm chương trình “Tình thương cho em” sẽ thực hiện mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho các em. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm hỗ trợ cho các em được học tập và phát triển trong điều kiện tốt.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, vẫn cần lắm sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện để góp phần giúp gia đình các em vượt qua khó khăn khi mất đi trụ cột lao động. Dù mất đi tình thương của cha hoặc mẹ, các em vẫn còn tình thương của cộng đồng để tiếp sức các em trên con đường phía trước.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết