02/07/2017 - 17:07

Nâng chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ

Trong 5 năm qua (2012-2016), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và 13 tỉnh, thành trong khu vực tập trung thực hiện "Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ" và đạt nhiều kết quả khả quan. Theo các địa phương, hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ phát triển theo hướng ổn định và bền vững gắn với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng tín dụng chính sách

 Cán bộ NHCSXH quận Bình Thủy hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn.

Theo NHCSXH, năm 2012, tại thời điểm xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực này là 16.902 tỉ đồng, chiếm 16,3% dư nợ của toàn quốc. Trong đó, nợ quá hạn chiếm đến 35% nợ quá hạn toàn quốc, tỷ lệ nợ quá hạn 4,11%, gấp 2,1 lần so với bình quân chung toàn quốc. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án (2012-2016), NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách tại 118 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, tổ chức giao dịch tại 1.581 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã; xây dựng và củng cố được 39.539 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, cho biết: "Đến 31-12-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ đạt 27.838 tỉ đồng với trên 2,062 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng 64,5% so với cuối năm 2011. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách được nâng lên so với thời điểm xây dựng Đề án. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 3,3% so với thời điểm xây dựng Đề án. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012-2016 tại khu vực Tây Nam bộ từ 10% vào năm 2012 xuống còn 8,46% vào năm 2016 theo tiêu chí nghèo đa chiều. Đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 153 xã năm 2013 xuống còn 93 xã năm 2016. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương".

Tại hội nghị Tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện "Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Phải xem tín dụng chính sách là công cụ của Đảng và Nhà nước, kết hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ. Đối với tín dụng chính sách ưu đãi cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, Nhà nước ưu đãi về lãi suất và bỏ vốn cấp bù nên đây cũng là công cụ tài khóa của Nhà nước. Tín dụng chính sách vừa có ý nghĩa kinh tế, chính trị xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn chặt với chính sách giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là công cụ của dân, do dân và vì dân. Nông dân là đối tượng thụ hưởng và cũng là chủ thể nên Đề án cần có sự tham gia của người dân, các hội đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Vì mục tiêu thoát nghèo bền vững

Khu vực Tây Nam bộ thường xuyên chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đã và đang diễn tiến ngày càng phức tạp, khó dự đoán, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ vay vốn. Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, chia sẻ: Thời gian qua, khu vực Tây Nam bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… Trước những khó khăn này, NHCSXH luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan để hướng dẫn người vay lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo quy định. Đồng thời, bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất. NHCSXH nỗ lực thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ chính xác, kịp thời.

Nông dân ĐBSCL là đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và rất cần vốn để đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch ớt phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp song đây cũng là lĩnh vực chịu nhiều yếu tố tác động và dễ bị tổn thương làm ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của người dân. Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nông dân ĐBSCL đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: hội nhập, biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái… Trong khi nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, phải tiến hành "giải cứu" như trường hợp giải cứu heo vừa qua. Để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, Hội Nông dân kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung vốn điều lệ, cấp bù lãi suất cho NHCSXH vì nhu cầu tín dụng cho các đối tượng này rất lớn; tăng hạn mức tín dụng cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cần hỗ trợ nông dân xử lý sớm những rủi ro về dịch bệnh, tình trạng được mùa mất giá.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho NHCSXH hoạt động an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ NHCSXH tìm kiếm các nguồn vốn để cho vay nhất là nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế; nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói, giảm nghèo. NHNN cũng chỉ đạo NHCSXH lựa chọn triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình tín dụng chính sách cho các đối tượng thụ hưởng trong vùng, tránh triển khai dàn trải, kém hiệu quả trong điều kiện nguồn vốn còn nhiều khó khăn. NHNN cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo tiếp cận dễ dàng hơn đối với tín dụng thương mại để có điều kiện thoát nghèo bền vững. 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo: Thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ, tín dụng chính sách lan tỏa từ cấp tỉnh, thành phố đến huyện, xã. Người dân được trực tiếp xét chọn các đối tượng vay vốn và giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách. NHNN và NHCSXH nghiên cứu giải pháp cho các đối tượng chính sách vay lại để xử lý nợ xấu; phấn đấu nâng mức tăng trưởng tín dụng chính sách lên mức bình quân 10%/năm. Thời gian tới, NHCSXH cần phối hợp với các địa phương hoàn thiện thể chế, chính sách tín dụng; đối tượng, định mức cho vay đến các điều kiện cho vay phải rõ ràng, minh bạch; chú trọng cho vay tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn vốn cho phụ nữ nông thôn khởi nghiệp.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết