16/11/2017 - 21:29

Nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội 

Năm 2017, TP Cần Thơ thực hiện Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 31-3-2017 của UBND thành phố chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Với nỗ lực không ngừng, ngành LĐ-TB&XH thành phố sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ, chức năng, nhanh chóng đi vào hoạt động. Qua đó, công tác GDNN có chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ.

Sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh hoạt động

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy.  

Sau khi sáp nhập, bên cạnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDNN năm 2017, Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức thành công công tác tuyển sinh năm 2017; các lớp tập huấn về: chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cơ sở GDNN; kỹ năng thiết kế giáo án; tự kiểm định chất lượng GDNN. Thành công Hội giảng nhà giáo GDNN tổ chức tháng 9-2017, với 12/43 giáo viên được công nhận Danh hiệu nhà giáo GDNN giỏi cấp thành phố và 3/14 tập thể đạt thứ hạng cao được khen thưởng là dấu son ghi nhận chất lượng và hiệu quả GDNN thành phố. 

Mạng lưới GDNN toàn thành phố từng bước củng cố, hoàn thiện. Thành phố hiện có 80 cơ sở GDNN do ngành LĐ-TB&XH quản lý gồm: 7 trường cao đẳng, 3 phân hiệu cao đẳng, 14 trường trung cấp, 25 trung tâm GDNN, 31 cơ sở doanh nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Toàn thành phố có 942 nhà giáo (tăng 61 người so với năm 2016), trong đó, giáo viên cơ hữu 730 người (tỷ lệ 77,49%); 813 giáo viên đạt chuẩn theo quy định Bộ LĐ-TB&XH (tỷ lệ 86,19%). Lãnh đạo các cơ sở GDNN quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tuyển mới giáo viên trình độ đạt chuẩn. Nhiều cơ sở dạy nghề hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cũng như bồi dưỡng nâng cao tay nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.

Các cơ sở GDNN tuyển mới 41.520 người, đạt 101,2% kế hoạch năm. Cơ cấu ngành nghề tuyển sinh chuyển hướng mạnh theo nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Năm qua, học sinh học nghề ra trường, có việc làm đạt trên 86%, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Cuối năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 69,6%, lao động qua đào tạo nghề (ĐTN) đạt 54,2%. 

Theo kế hoạch, năm 2018, các cơ sở GDNN tuyển sinh đào tạo 46.000 người (trong đó, có 5.100 lao động nông thôn), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 72%, lao động qua ĐTN đạt 56,5%. Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế người lao động, các hoạt động đào tạo cần gắn kết với doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai.

 Dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Triển khai kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2017, thành phố tổ chức khai giảng 131 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 4.125 người, đạt 100% kế hoạch. Hầu hết địa phương làm tốt việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, xác định nghề cần đào tạo để xây dựng kế hoạch dạy nghề sát hợp yêu cầu nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trình bày cụ thể phương án GQVL, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương "Không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học". Đồng thời, các địa phương phối hợp tốt với đơn vị đào tạo, doanh nghiệp như: Nhà máy May Vinatex Cần Thơ (huyện Vĩnh Thạnh), Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (quận Cái Răng), Công ty TNHH May xuất khẩu Phước Thới (quận Ô Môn), Công ty Biti’s Cần Thơ, Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy (quận Bình Thủy)..., tổ chức dạy nghề với các hình thức: đơn đặt hàng, theo địa chỉ, ký kết 3 bên.

Toàn thành phố duy trì và xây dựng 35 mô hình dạy nghề gắn với GQVL hiệu quả. Trong đó, mô hình đan đát (cần xé, bội trồng hoa kiểng) và đan dây nhựa (bàn, ghế, giỏ) tại các quận, huyện: Ô Môn, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ theo hình thức cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, thu hút nhiều lao động tham gia. Đồng thời, mở mới ĐTN nghiệp vụ du lịch tại các địa phương định hướng phát triển du lịch sinh thái.

Hiện các quận, huyện tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2018 theo hướng gắn với nhu cầu doanh nghiệp, kỹ năng thực tiễn, chú trọng dự báo thị trường lao động. Qua đó, nỗ lực xây dựng mới các mô hình ĐTN gắn với GQVL, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết