30/10/2019 - 05:36

Nâng cao “tiêu chí tinh thần”

Với quan điểm xây dựng nông thôn “có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân”, văn hóa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công xây dựng NTM. Bởi các tiêu chí xây dựng NTM muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa. Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM gồm 19 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa: tiêu chí 6 cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 văn hóa, vừa thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng văn hóa, qua đó hướng tới các nội dung về giá trị cốt lõi của văn hóa.

Để định hướng cho địa phương trong việc thực hiện 2 tiêu chí trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Ngành văn hóa các địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo, xây dựng các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Qua gần 9 năm thực hiện, ĐBSCL có 786 xã đã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đạt 61,1%, tăng 60,4% so năm 2010; 1.126 xã đã hoàn thành tiêu chí văn hóa, đạt 87,6% và tăng 23,1% so năm 2010. Từ đó phát huy tốt hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học tập cộng đồng… Hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, như: câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ dưỡng sinh… thu hút đông đảo người dân tham gia. Một số lễ hội truyền thống đã được phục dựng, là sự kiện quan trọng của người dân đồng thời thu hút du lịch, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, như: Lễ hội Ok-Om-Bok và Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, Lễ hội dân tộc Chăm… Cùng với đó, một số lễ hội mới được tổ chức, tạo thêm hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người dân như: lễ hội sen Đồng Tháp, lễ hội dừa Bến Tre… Văn hóa không chỉ còn là bảo tồn để duy trì truyền thống, bản sắc của dân tộc mà từng bước trở thành nhân tố tích cực, trực tiếp đóng góp vào phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Mặc dù vậy, tại một số địa phương, kinh phí xây dựng nhà văn hóa, trang bị thiết chế vẫn còn khó khăn. Ở một số nơi, thiết chế văn hóa chưa phát huy hết công năng, không thu hút được người dân tham gia hoặc “xây cho có”. Sau khi được công nhận, một số địa phương không quan tâm đến việc tu sửa, tôn tạo và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao... Do vậy, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa… phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cộng đồng. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xây dựng văn hóa ở địa phương. Hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn…

LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết