Xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chuyển đổi số (CÐS) là một trong những nội dung trọng tâm của công tác cải cách hành chính (CCHC) được các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung triển khai. Trong đó, thành phố chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức về CÐS của đội ngũ công chức, viên chức (CCVC) thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn và các cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và xử lý công việc. Ðồng thời, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và dân chủ.
Các thí sinh là Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tham gia cuộc thi “Đánh giá năng lực ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, điều hành của CCVC”, do Sở tổ chức vào cuối tháng 4-2024.
UBND thành phố vừa tổ chức cuộc thi “Ðánh giá năng lực ứng dụng CNTT, CÐS trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, CCVC lãnh đạo, quản lý năm 2024”. Có 376 thí sinh là lãnh đạo sở, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp thành phố; lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo HÐND, UBND cấp xã tham gia cuộc thi. Nội dung thi tập trung đánh giá, kiểm tra kiến thức chung về CÐS; kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin mạng; kiến thức ứng dụng CNTT vào phục vụ xử lý công việc (sử dụng các phần mềm, gửi và nhận thư điện tử, xử lý văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, ký số văn bản).
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đây là năm thứ 3, cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ CCVC lãnh đạo, quản lý về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động lãnh đạo, điều hành. Thực tế cho thấy, nhận thức và năng lực CÐS của CCVC ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố đánh giá, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác CÐS tại các ngành, các cấp. Một trong những “điểm nghẽn” cần sớm khắc phục là bộ máy tổ chức, nhân lực cho CÐS chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. Do đó, cuộc thi nhằm đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng và trình độ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành của tất cả cán bộ, CCVC lãnh đạo quản lý, làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ CNTT của đội ngũ CCVC, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đẩy nhanh và hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4-8-2021 của Thành ủy Cần Thơ về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trước cuộc thi cấp thành phố, cuối tháng 4-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tổ chức cuộc thi “Ðánh giá năng lực ứng dụng CNTT, CÐS trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, điều hành của CCVC”. Ðây là năm thứ 3 và là đơn vị cấp sở duy nhất của thành phố tổ chức cuộc thi này, với quy mô và đối tượng dự thi ngày càng mở rộng. Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Về đối tượng dự thi, năm 2022, chỉ có lãnh đạo cấp phòng, đơn vị trực thuộc và các chuyên viên trực tiếp của Bộ phận Một cửa, phụ trách công tác CCHC dự thi. Ðến năm 2023, tất cả trưởng, phó phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở, các chuyên viên tham mưu đều tham gia thi. Năm 2024, cuộc thi mở rộng đến các chuyên viên được quy hoạch cấp phó trưởng phòng, đặc biệt có 3 Phó giám đốc Sở cùng tham gia thi”. Theo bà Mai, nhận thức được tầm quan trọng của CÐS, thời gian qua, Sở đã tích cực tham gia quá trình CÐS bằng những hoạt động thiết thực. Từ đó, hiệu quả hoạt động của cơ quan dựa trên môi trường số được nâng cao, giúp việc điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng và chính xác; tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tất cả các sở, UBND cấp huyện và cấp xã đều áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu CCHC của thành phố. Các cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy trình ISO cụ thể cho từng thủ tục hành chính, hướng dẫn quy trình thực hiện công việc, phân công trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất trong các bước thực hiện ISO. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện đúng quy định, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến và kiểm soát xử lý trên phần mềm. Việc áp dụng ISO đã và đang nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới tư duy, lề lối làm việc của CCVC trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI