Năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm (PTNT&KL), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch “Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ” (gọi tắt là ĐTNNN), với 16 lớp nghề nông nghiệp theo nhu cầu các quận, huyện. Nguồn LĐNT được nâng cao kỹ thuật, kỹ năng nghề, nhạy bén chuyển hướng canh tác, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ…

Học viên lớp nghề trồng cây ăn trái phường Thới Long, quận Ô Môn thực hành ứng dụng kỹ thuật trồng sầu riêng. Ảnh do đơn vị đào tạo cung cấp.
Ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn, cho biết, năm 2024, Trung tâm tham gia đào tạo 3 lớp nghề nông nghiệp là trồng cây ăn trái ở phường Thới An, phường Thới Long và tạo dáng, chăm sóc cây cảnh ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, với trên 100 học viên. Trung tâm phối hợp các phường khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm thực tế của người dân để có cơ sở đào tạo phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, gắn với hoạch định nhu cầu nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Học viên lớp nghề tạo dáng, chăm sóc cây cảnh ở phường Phước Thới được giáo viên giới thiệu hình ảnh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng các loại cây cảnh. Hằng ngày, anh Võ Hoàng Nam, chủ vườn nho Hoàng Nam, khu vực Bình An, sắp xếp thời gian đi học nghề đầy đủ, nghiêm túc. Kỹ thuật nào chưa hiểu, anh Nam tranh thủ học hỏi thầy, bạn. Anh Nam vui vẻ cho biết: “Tôi thích tìm hiểu và kinh doanh cây cảnh. Hơn 2 năm nay, tôi khai thác đất nhà trồng và bán cây nho giống Ninh Thuận, mở cửa vườn nho, đón du khách tham quan. Được tham gia lớp nghề về cây cảnh giúp tôi có cơ hội phát triển mô hình du lịch sinh thái tại nhà”. Anh Nam sẵn sàng hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nho, cây cảnh, góp phần quảng bá và phát triển mô hình du lịch địa phương.
Không khí lớp nghề trồng cây ăn trái (sầu riêng) ở phường Thới Long, quận Ô Môn thêm phần sôi động khi giáo viên ôn tập, kiểm tra phần lý thuyết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Mạnh dạn trao đổi, góp ý kỹ thuật tỉa cành, thời điểm bón phân, để trái, anh Huỳnh Thanh Tâm, khu vực Long Định, nói: “Tôi trồng 7 công với 150 cây sầu riêng Ri6. Tôi hy vọng với kiến thức, kỹ thuật canh tác tiếp thu từ lớp nghề, vườn sầu riêng mùa tới đạt thu nhập cao hơn”. Anh Lê Văn Viễn, khu vực Thới Thạnh, trồng 27 cây sầu riêng Ri6 được 6 năm. Anh Viễn thu hoạch 2 đợt trái nhưng thu nhập không cao do chưa đạt yêu cầu kỹ thuật. Anh Viễn chia sẻ: “Qua lớp nghề, tôi cập nhật nhiều kiến thức mới về kỹ thuật trồng sầu riêng để cho năng suất cao, bán được giá hơn. Bây giờ, trồng cây gì cũng phải áp dụng kỹ thuật và phù hợp nhu cầu thị trường”.
Năm 2024, huyện Cờ Đỏ phối hợp đào tạo tổ chức 4 lớp nghề nông nghiệp, với 115 học viên, gồm trồng rau màu, thị trấn Cờ Đỏ; trồng cây có múi, xã Thới Hưng; trồng cây ăn trái, xã Trung Hưng; chăn nuôi thú y, xã Thạnh Phú. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, các lớp nghề nông nghiệp huyện đăng ký tổ chức trên cơ sở rà soát, khảo sát nhu cầu học và nâng cao tay nghề của LĐNT trong sản xuất nông nghiệp cũng như chất lượng nông sản.
Thực hiện kế hoạch ĐTNNN, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục PTNT&KL thành phố phối hợp các đơn vị đào tạo mở 12/16 lớp nghề nông nghiệp, gồm trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản nước ngọt, kỹ thuật nhân giống lúa và tạo dáng, chăm sóc cây cảnh, trên 360 lao động tham gia. Hầu hết học viên thuộc diện nghèo, bị thu hồi đất sản xuất, mất việc làm… có nhu cầu học nghề nông nghiệp để áp dụng trong sản xuất, tự tạo việc làm. Sau 47 ngày thực học, học viên thi kiểm tra và được cấp chứng chỉ sơ cấp bậc 1.
Theo Chi cục PTNT&KL thành phố, kế hoạch ĐTNNN nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đào tạo lao động vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; lao động trong trang trại tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của thành phố... Nhìn chung, các nghề được đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề thực tế của LĐNT; nắm bắt kiến thức, kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian tới, Chi cục PTNT&KL thành phố phối hợp các địa phương đẩy mạnh truyền thông việc thực hiện các chính sách trong ĐTNNN để LĐNT có động lực và an tâm học nghề; điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm đến bao tiêu sản phẩm cho LĐNT. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật sản xuất, cung cấp cho nông hộ các dịch vụ chuyên môn cao để LĐNT chuyển hướng sản xuất sản phẩm NN có giá trị kinh tế cao; khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, nâng cao tay nghề, kỹ thuật sản xuất các hộ trong làng nghề. Thông qua các tổ chức, đoàn thể, hỗ trợ LĐNT vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, tạo điều kiện duy trì và phát triển mô hình sản xuất từ các nghề nông nghiệp được đào tạo.
ANH PHƯƠNG