23/08/2019 - 15:16

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo 

Dù có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất và đẩy mạnh thâm canh tăng vụ nhưng thu nhập của phần lớn nông dân trồng lúa tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL nói chung vẫn còn khá thấp. Đặc biệt, 2 vụ lúa vừa qua, nông dân rất khó có lợi nhuận do giá lúa giảm thấp, lại phải đối mặt với nhiều rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, diện tích sản xuất lúa gạo ở mức phù hợp gắn với tăng cường liên kết, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Thời gian qua, hầu hết nông dân đều phải bán lúa tươi ngay sau thu hoạch. Trong ảnh: Thương lái thu mua lúa tươi của nông dân tại huyện Thới Lai.

Thời gian qua, hầu hết nông dân đều phải bán lúa tươi ngay sau thu hoạch. Trong ảnh: Thương lái thu mua lúa tươi của nông dân tại huyện Thới Lai.

Thu nhập thấp 

Với mỗi vụ lúa kéo dài hơn 3 tháng tốn rất nhiều công chăm sóc nhưng những vụ lúa gần đây nhiều nông dân chỉ kiếm được từ 1-2 triệu đồng/công lúa, thậm chí có trường hợp còn thấp hơn. Đây là mức thu nhập rất thấp, chưa thể đảm bảo cuộc sống cho người nông dân, nhất là đối với hộ gia đình chỉ có vài công ruộng.

Ông Đỗ Quốc Phi, ngụ ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2018-2019 và hè thu 2019 do lúa thất mùa, giá lại giảm gần 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, trong khi nhiều chi phí sản xuất đầu vào lại tăng nên hầu hết nông dân trồng lúa đều bị thất thu. Hộ nào đạt năng suất khá thì mới có lợi nhuận từ 1-2 triệu đồng/công, những hộ dân mướn đất để trồng lúa không có lời. Nhưng nếu không thâm canh, tăng vụ thì nông dân không biết làm gì để sống. Do vậy, dù còn lo giá lúa đầu ra nhưng gia đình tôi vẫn tiếp tục sạ lúa vụ 3 (lúa thu đông 2019) cho 14 công đất nhà”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, tâm sự: “Nếu bỏ đất trống cỏ mọc phải tốn thêm chi phí diệt cỏ và làm đất nên vụ 3 này tôi tiếp tục gieo sạ lúa cho 5 công đất. Vụ hè thu vừa qua, trừ hết chi phí chỉ lời 500.000 đồng/công, lúa rớt giá, thất mùa, năng suất chỉ đạt 700kg lúa tươi/công”.

Phải đảm bảo đầu ra và lợi nhuận

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ xuống giống  62.502ha lúa thu đông 2019, vượt 3,9% so với kế hoạch, bằng 86,53% so cùng kỳ. Các trà lúa thu đông trên địa bàn thành phố chủ yếu trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng và trổ.

Dự kiến còn hơn 1 tháng nữa, các trà lúa thu đông sớm trên địa bàn thành phố mới bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, đã có nhiều thương lái đặt cọc tiền mua lúa thu đông 2019 của nông dân. Đây là tín hiệu rất tích cực. Hiện nhiều thương lái đặt hàng mua lúa tươi OM 5451 với giá 4.500-4.600 đồng/kg, còn lúa Đài Thơm 8 có giá 5.100-5.200 đồng/kg. Theo nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, giá nhiều loại lúa hiện tăng từ 200-300 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp hơn khoảng 700-800 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Để giảm gánh lo về đầu ra sản phẩm, nhiều nông dân quyết định nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái ngay từ thời điểm này. Anh Nguyễn Văn Son, ngụ ấp Đông Hiển A, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ này 3 công lúa của tôi sạ giống Đài Thơm 8, tôi đã nhận tiền cọc bán lúa tươi cho thương lái với giá 5.100 đồng/kg. Dù vậy, tôi vẫn sợ tới thu hoạch nếu giá lúa giảm mạnh, không biết thương lái có  “bẻ kèo” không chịu mua hay không, bởi  họ chỉ chịu giao trước tiền cọc cho tôi có 300.000 đồng/công lúa, thấp hơn 200.000 đồng/công so với các năm trước”.

Để sản xuất lúa đạt hiệu quả vấn đề ổn định giá cả đầu ra sản phẩm là rất quan trọng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa thu đông 2019 bằng nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ bây giờ. Trong đó, cần chú ý tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp và tiêu thụ để có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm và tích cực tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh các hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo và các sản phẩm làm từ lúa gạo. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để có thể cạnh tranh được với sản phẩm gạo của nước ngoài; khai thác tốt hơn thị trường nội địa đầy tiềm năng với dân số trên 97,5 triệu người. Bởi hiện có không ít người dân thường xuyên mua các loại gạo nhập ngoại từ các nước như: Thái Lan, Campuchia… vốn đang có giá bán khá cao so với gạo trong nước. Ngành lúa gạo nước ta cần phải quan tâm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhất là nhu cầu thưởng thức các loại gạo ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cần được ngành chức năng đổi mới một cách linh động, kịp thời hướng đến những vấn đề cấp bách, thiết thực đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo và các loại hàng hóa nông sản của nông dân...

Về lâu dài, ngành chức năng cần nghiên cứu, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình luân canh giữa lúa và các loại cây trồng vật nuôi khác giúp mang lại hiệu quả cao hơn hoặc chỉ sản xuất 2 vụ lúa, thời gian còn lại dành cho đất nghỉ ngơi, bồi bổ phù sa cho đồng ruộng vào mùa lũ. Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện các mô hình sản xuất 2 lúa-1 màu, 2 lúa-1 thủy sản,  2 lúa kết hợp với  1 vụ để lúa chét nuôi vịt… nhiều nông dân đã có thu nhập và đầu ra sản phẩm tốt hơn so với làm lúa 3 vụ và giảm  tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trồng lúa cũng từng bước ổn định đầu ra sản phẩm nhờ tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình “cánh đồng lớn” có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Song, diện tích đất lúa tham gia các mô hình trên vẫn còn ít, cần đẩy mạnh nhân rộng thời gian tới.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết