(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 7-6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường nghe và thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.
Báo cáo giám sát do ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội trình bày cho thấy: Chủ trương phát hành Trái phiếu Chính phủ đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giai đoạn 2006 - 2012 trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ thực hiện 2.682 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu trên 409.400 tỉ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 684.800 tỉ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án. Các dự án, công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng là những công trình quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của quốc gia, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn.
Báo cáo cũng chỉ rõ: Điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. Việc phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn này còn dàn trải; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể dẫn tới chưa thực sự công bằng, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”
Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ được triển khai khá đồng bộ. Trong đó, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung vào các biện pháp tiết kiệm trong khâu thẩm định dự toán, tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình; không chỉ đem lại kết quả về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng mà còn góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Một số địa phương đã chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án, góp phần tiết kiệm thời gian, sớm đưa công trình vào sử dụng đem lại hiệu quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được triển khai khá tích cực đã góp phần chống lãng phí
Dù vậy, việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa nghiêm, bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao, thiếu sự phối hợp, lồng ghép và phù hợp với khả năng kinh tế và cân đối nguồn lực. Nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng, dở dang, lãng phí. Một số địa phương, bộ, ngành cho phép đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy mô dự án hoặc phê duyệt lại quy mô dự án quá mức, làm tăng tổng mức đầu tư, tăng mức bố trí vốn. Tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công, chậm đưa vào sử dụng. Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, Báo cáo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương để nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án đề xuất của Chính phủ, trước mắt chưa phát hành thêm vốn Trái phiếu Chính phủ vì các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, sắp xếp lại danh mục dự án theo mức kế hoạch vốn trung hạn được giao và huy động các nguồn vốn khác để bảo đảm hoàn thành dự án hoặc các hạng mục dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Thảo luận về nội dung này, đa số các Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những đánh giá, nhận định trong Báo cáo giám sát về kết quả và những tồn tại trong tổ chức thực hiện nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012 và việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện; giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Chiều 7-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng các Bộ có liên quan đến công tác quản lý, phân bổ và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ báo cáo, giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Đa số ý kiến nhất trí với Báo cáo giám sát, cho rằng việc quyết định chủ trương phát hành Trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006-2012 là đúng đắn, cần thiết nhằm góp phần quan trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của từng địa phương nói riêng. Nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục-đào tạo đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp trong thời gian qua, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và cải thiện đời sống nhân dân.
Các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá những nội dung cụ thể liên quan đến thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Cụ thể như: Vấn đề tăng danh mục dự án, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án dẫn đến tổng mức đầu tư tăng nhanh trong một số năm. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý vốn Trái phiếu Chính phủ, cơ chế để ngoài cân đối ngân sách. Công tác chuẩn bị đầu tư có thời gian ngắn, gấp gáp, cơ chế cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư quá dễ dàng. Việc phân bổ vốn đầu tư từ Trái phiếu Chính phủ còn dàn trải, bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án tăng nhanh dẫn đến thiếu vốn. Đối với các dự án thuộc diện giãn, hoãn, các đại biểu cho rằng cần xem xét trên 2 phương diện: Việc quyết định đưa vào danh mục các dự án này đã bảo đảm tính cấp bách, cần thiết hay chưa ? Nếu chưa, thuộc trách nhiệm về ai, cấp nào ? Việc bố trí điểm dừng kỹ thuật của các dự án này lãng phí đến đâu ? Cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, chưa có tiêu chí cụ thể làm căn cứ mà còn phân bổ theo dự án dẫn tới sự thiếu công bằng giữa các vùng, miền, địa phương, dễ tạo cơ chế xin-cho.
Về vấn đề tuân thủ các quy định của pháp luật, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét lại tính khả thi của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì các quy định về xử lý các sai phạm từ Điều 26 đến Điều 34 của Luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Về trách nhiệm các cơ quan có liên quan, một số ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, địa phương trong quy hoạch phân bổ, phân cấp quản lý đầu tư sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát và quyết định chủ trương đầu tư. Nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt cần phân bổ tiếp vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng cho các công trình quan trọng thiếu vốn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, để đạt được mục tiêu cần thiết phải phát hành thêm vốn Trái phiếu Chính phủ, vừa chống lãng phí, vừa thúc đẩy hoàn thành các dự án dở dang, vừa tăng đầu tư, kích thích sản xuất. Một số đại biểu đề nghị đưa vốn Trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước.
Đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, bên cạnh việc nhìn nhận các hạn chế, cần đánh giá công bằng, đúng mức hơn chủ trương phát hành và tác dụng của Trái phiếu Chính phủ. Khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng và cần thiết, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ: Thực tế, ngân sách nhà nước cho đầu tư rất nhỏ bé, ngoài cân đối nằm trong ngân sách của các địa phương, phần hỗ trợ các mục tiêu của ngân sách trung ương cho địa phương rất hạn chế. Do đó, tất cả công trình lớn y tế, giao thông, tái định cư, thủy điện, ngoài một phần vốn ODA, đều do sử dụng Trái phiếu Chính phủ. Nhiều năm qua, Trái phiếu Chính phủ đã đóng góp một phần quan trọng vào xây dựng những kết cấu hạ tầng thiết yếu cho đất nước và các địa phương, tạo nên sự thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Nếu không có nguồn này, sẽ không có nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện
tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, xã hội. Theo Bộ trưởng, nếu đánh giá không đúng mức, có thể sẽ có cái nhìn, cách xử sự không đúng cho giai đoạn tiếp theo. Điều quan trọng là rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong phân cấp, quyết định chủ trương- Bộ trưởng nhấn mạnh.