21/09/2013 - 20:38

Nâng cao hiệu quả hoạt động Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở - Thực trạng và giải pháp

Sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi chuyển đổi cơ chế, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cả nước đã từng bước thích ứng và đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động. Cơ sở vật chất được tăng cường, một số Trung tâm Văn hóa Thể thao được đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân; thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.

Thực trạng hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở

Trong năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như dựng cụm cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, chiếu phim tư liệu, tổ chức chương trình nghệ thuật… chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tuyên truyền cổ động bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống xã hội.

 Buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của dòng họ Lương ở xã Định Môn, huyện Thới Lai. Ảnh: DUY KHÔI

Trung tâm Văn hóa các tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang ý nghĩa chính trị quan trọng như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc"; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở"; thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Các Trung tâm Văn hóa đã tổ chức mít tinh kỷ niệm, các Tuần lễ phim, giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ chào mừng những sự kiện lớn của đất nước và địa phương; tham gia tổ chức các Festival, các lễ hội văn hóa truyền thống tại các địa phương. Các Trung tâm Văn hóa đã tổ chức được 36 triển lãm chuyên đề; in và phát hành trên 2 triệu ấn phẩm sách, báo, tạp chí và 1.500 băng đĩa hình tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương…

Bên cạnh hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các Trung tâm Văn hóa cũng đã tập trung đầu tư tổ chức các hoạt động nghiệp vụ; nổi bật và thường xuyên là hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL): Thời gian qua, các đơn vị đã tổ chức được 87 cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, tuyên truyền viên giỏi. Nhiều chương trình nghệ thuật do các Trung tâm Văn hóa tổ chức đã thu hút một số lượng lớn các diễn viên nghiệp dư; đây chính là hạt nhân cho phong trào văn hóa cơ sở. Có thể kể đến một số hoạt động có tiếng vang lớn như: Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc theo chuyên đề do Trung tâm Văn hóa các tỉnh Tây Bắc thử nghiệm; Liên hoan tiếng hát 9 dòng sông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thi xe hoa tuyên truyền của các tỉnh miền Đông Nam bộ…

Hoạt động của các Câu lạc bộ chuyên đề, các lớp năng khiếu, đội văn nghệ đã tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng quần chúng nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân; Đồng thời qua đó phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng phát triển phong trào văn hóa cơ sở.

Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức được trên 100 đợt liên hoan, hội thi, hội diễn; dàn dựng và tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội Cồng chiêng dân tộc Mường, Chương trình du lịch Qua miền Tây Bắc; Liên hoan Tiếng hát miền Đông; Liên hoan hát văn, hát chầu văn, Liên hoan các Làng chèo…

Các Trung tâm Văn hóa thể thao cấp huyện cũng tích cực xuống cơ sở tuyên truyền cổ động các sự kiện lớn của đất nước, địa phương; giữ vai trò quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa, Khu Thể thao thôn - tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều nơi có nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh địa phương.

Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa – Khu Thể thao thôn thường xuyên tập trung vào các hoạt động như: Thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ; phổ biến các chủ trương về nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa; nơi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể trong thôn.

Trung tâm Văn hóa Thể thao - Những vấn đề cần tháo gỡ

Nhận xét chung từ những người trong cuộc là: Nội dung hoạt động của các Trung tâm Văn hóa – Thể thao các cấp còn nghèo nàn, sơ sài. Không ít Trung tâm không duy trì được hoạt động thường xuyên, chỉ thể hiện mỗi khi có các hoạt động mang tính "kỳ", "cuộc", "trọng điểm". Trung tâm Văn hóa chưa thể hiện được vai trò chủ động trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hóa và góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao đang tồn tại với cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; từ ngày khánh thành đến nay chưa được tu sửa nên xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Không ít địa phương dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở còn quá khiêm tốn; thậm chí còn cắt xén quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa chuyển đổi sang mục đích khác.

Đội ngũ cán bộ của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao còn bất cập nhiều về trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; họ mới chỉ đáp ứng được một phần công việc. Nhiều địa phương vẫn trong tình trạng sử dụng cán bộ trái ngành nghề, chưa được bồi dưỡng chuyên môn. Cán bộ tại các Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, đặc biệt là ở thôn, làng, hầu hết không thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ; vì thế kiến thức chuyên môn không sâu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ qui định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính nhằm giải quyết một phần tình trạng kinh phí eo hẹp tại các Trung tâm Văn hóa – Thể thao, nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng.

Chia sẻ của ông Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến về khó khăn trong hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao: Phần lớn các Trung tâm cấp huyện chưa đáp ứng nhu cầu về công tác cán bộ; thiếu hoạt động của Đội Thông tin lưu động. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng của Nhà văn hóa - Thể thao phường, xã vừa thiếu vừa lạc hậu và xuống cấp trầm trọng. Nhà Văn hóa chưa trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Huy Sơn cho biết: Kinh phí eo hẹp nên không có điều kiện nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, cũng như ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Cán bộ chuyên môn còn thiếu; cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện để tổ chức hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Thiếu phương tiện hoạt động; phương tiện hiện có đã xuống cấp, không còn khả năng phục vụ nhu cầu công tác.

Hầu hết ý kiến của các giám đốc hay người quản lý Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở các địa bàn đều chung chia sẻ về khó khăn hiện tại là: cơ sở vật chất thiếu, yếu và xuống cấp; phương tiện hoạt động hạn chế; kinh phí ít; cán bộ còn nhiều bất cập về chuyên môn và trình độ nghiệp vụ, quản lý…

Để thiết chế văn hóa cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động

Dự thảo Qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2020; Tầm nhìn đến năm 2030 nêu một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020: 70% thôn có Nhà Văn hóa – Khu Thể thao (miền núi là 50%); 80% đơn vị cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (miền núi là 60%). Ở cấp huyện, phấn đấu có 90% số đơn vị cấp huyện có Trung tâm Văn hóa – Thể thao. Cấp tỉnh, 100% số đơn vị cấp tỉnh có Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao; có Cung, Nhà Thiếu nhi và 50% số đơn vị cấp tỉnh có Cung, Nhà Văn hóa Lao động…

Để đạt hiệu quả cao hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, những nhà quản lý và những người làm công tác văn hóa cơ sở đều nhận thức sâu sắc nội dung qui hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật; trong đó nêu rõ kiến nghị đầu tư của nhà nước và đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Tiếp đó là giải pháp về công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ. Về quản lý nhà nước, chú trọng đến nội dung hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, qui chế, chế độ chính sách với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành VHTT&DL. Cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; gắn hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao với thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi; thu hút các tài năng nghệ thuật, cộng tác viên trong hoạt động của thiết chế văn hóa.

Các địa phương cần đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao dựa vào chiến lược chung của cả nước.

CÔNG HẢI (TTXVN)

Chia sẻ bài viết