15/05/2024 - 07:47

Nâng cao giá trị, phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP 

Nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương, khẳng định thương hiệu trên thị trường, TP Cần Thơ đã tích cực triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Sản phẩm OCOP của thành phố tăng cả về số lượng lẫn chất lượng và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, phát triển sản phẩm OCOP bền vững…

Sản phẩm OCOP của xã Thới Tân trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện ở huyện Thới Lai.

Tăng cả "lượng" lẫn "chất"

Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương của TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy chương trình OCOP triển khai mạnh mẽ tại các địa phương trên địa bàn. Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân được quan tâm tăng cường để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP. Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn về chương trình OCOP ở các cấp; xây dựng ấn phẩm truyền thông "Sổ tay OCOP"… Các sở, ngành thành phố chủ động kết nối, giới thiệu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố tại các sự kiện của của địa phương và cả nước. Trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chủ thể thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng hình ảnh, câu chuyện sản phẩm đối với các sản phẩm chuẩn bị tham gia OCOP và các sản phẩm đã được công nhận nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Trong năm 2023, TP Cần Thơ công nhận 65 sản phẩm OCOP của 28 chủ thể, vượt 45 sản phẩm OCOP so với kế hoạch. Trong đó, có 20 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 45 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Lũy kế đến đầu năm 2024, toàn thành phố có 148 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao của 74 chủ thể gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Trong đó, có 73 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 75 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP trên địa bàn TP Cần Thơ đã tạo hiệu quả tích cực. Khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Dương Ðình Vũ, Giám đốc Hợp tác xã Gạo sạch My Hậu, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, sản phẩm gạo của hợp tác xã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và công nhận là sản phẩm OCOP của thành phố. Qua đó, nâng cao chất lượng thương hiệu gạo My Hậu, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn, sức tiêu thụ cũng tăng theo...

Đến nay, quận Ninh Kiều có 26 sản phẩm OCOP được công nhận, là một trong những địa phương của thành phố có nhiều sản phẩm OCOP, đặc biệt là có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: Chương trình OCOP đã được quận Ninh Kiều quan tâm, triển khai đồng bộ từ quận đến phường trong thời gian qua. Chương trình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc trưng, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, giải quyết việc làm cho lao động địa phương... Các sản phẩm OCOP được tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương với mức tăng bình quân khoảng 5-10%...

Tiếp thêm động lực

Dù có được những kết quả tích cực, song thành phố thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn vẫn còn hạn chế nhất định, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Sản phẩm OCOP của thành phố chưa được đa dạng nhóm và chưa có sản phẩm quốc gia (5 sao). Sản phẩm OCOP chưa thật sự vươn lên trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, là nền tảng phát triển kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn tham gia vào các hội chợ OCOP, lồng ghép không gian văn hóa, trải nghiệm ẩm thực để giới thiệu sản phẩm OCOP để mọi người có thể mua sắm, quảng bá thương hiệu sản phẩm rộng rãi…

Trong năm 2024, bên cạnh tiêu chuẩn hóa 148 sản phẩm OCOP hiện có, TP Cần Thơ phát triển thêm 20 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm 4 sao và phấn đấu có 2 sản phẩm 5 sao. Với phương châm: sản phẩm OCOP phải đảm bảo cả "chất" và "lượng" để nâng cao giá trị, phát huy hiệu quả, thành phố và các địa phương tập trung triển khai đồng bộ đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, bền vững.

Để tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực, ông Nguyễn Thái Bảo, cho biết: Quận Ninh Kiều tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chương trình OCOP. Quận chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể nhằm tăng cường năng lực quản lý chương trình OCOP; hướng dẫn các chủ thể chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Mặt khác, phối hợp thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại giữa các địa phương trong và ngoài thành phố; kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua các gói quà hamper đến khách du lịch…

Tiếp thêm động lực cho chương trình OCOP trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Tính cho biết: Thành phố rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ chương trình OCOP theo từng hạng sao. Ưu tiên hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu địa phương; xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến quy mô nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Triển khai chu trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô vừa và nhỏ; đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc. Thành phố đẩy mạnh giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết