14/08/2016 - 15:59

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cây trồng theo nguyên tắc “ít hơn và nhiều hơn”

 

Tại Hội thảo Quốc gia về Khoa học cây trồng lần thứ II, do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VASS) tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, với sự tham dự các nhà khoa học của 18 viện nghiên cứu và trung tâm chuyên ngành nông nghiệp thuộc VAAS cùng với các trường đại học trong nước, PGS TS Trịnh Khắc Quang, Viện trưởng VAAS, cho biết:

-Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng với thời tiết bất thường diễn biến rất rõ. Đầu năm, ở miền Bắc hứng chịu đợt không khí lạnh sâu, nhiệt độ nhiều vùng thấp nhất trong lịch sử quan trắc và gây ra một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Miền Trung - Nam Trung bộ, Tây Nguyên gặp hạn hán, vùng ĐBSCL vừa cùng lúc gặp hạn và xâm nhập mặn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm thiệt hại nặng nề hơn 249.000ha lúa, hơn 19.200ha hoa màu, hơn 37.300ha cây ăn trái tập trung và hơn 163.000ha trồng cây lâu năm…; tổng giá trị lên hơn 142.144 tỉ đồng. Và lần đầu tiên GDP toàn ngành nông nghiệp nước ta giảm 0,78%. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp nghiên cứu giống cây trồng mới và tìm giải pháp canh tác thích ứng trước BĐKH.

 Các công trình nghiên cứu vừa qua có đáp ứng kịp thời trước diễn biến thời tiết bất thường không, thưa ông?

- Vừa qua, VAAS đã có nhiều công trình nghiên cứu giống lúa. Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu chọn tạo thành công đưa ra những giống lúa có khả năng chịu mặn tốt. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các biện pháp canh tác đối với cây ăn quả, rau màu trong điều kiện thiếu nước, trong điều kiện đất bị nhiễm mặn giúp nông dân ổn định, phát triển sản xuất… Đó chính là những giải pháp nhằm tăng khả năng thích ứng cây trồng.

 Định hướng công tác nghiên cứu khoa học cây trồng thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

- Có 3 động lực cơ bản để phát triển ngành trồng trọt. Đó là: tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng sản xuất, chế biến sâu nông sản và đổi mới chính sách. Nền nông nghiệp nước ta, trong đó lĩnh vực cây trồng nói riêng là một nền sản xuất mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế. Do vậy, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân, khoa học cây trồng cần cung cấp kịp thời các giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất cũng như công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị cho mỗi sản phẩm theo nguyên tắc "ít hơn và nhiều hơn". Đó là: đầu tư vật chất và tài nguyên ít hơn, lao động ít hơn, rủi ro ít hơn song giá trị sản xuất và thu nhập cao hơn.

 Nông dân huyện Thới Lai đang kiểm tra, chăm sóc vườn xoài. Ảnh: V.CỘNG

Định hướng tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, hướng nghiên cứu khoa học nông nghiệp sắp tới sẽ tập trung vào 6 đối tượng cây trồng chính. Bao gồm: lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cây điều, cây sắn (khoai mì) và rau quả. Đối với nghiên cứu chọn tạo giống theo hướng nâng cao chất lượng và chống chịu với điều kiện bất thuận để ứng phó biến đổi khí hậu cũng như tăng khả năng chịu hạn, chịu mặn và chống chịu sâu bệnh tốt. Tiếp theo là nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và canh tác tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu về hình thức tổ chức sản xuất, về kinh tế - xã hội để cho các tiến bộ khoa học, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta đi vào thị trường có hiệu quả và đạt giá trị cao hơn.

 Xin cám ơn ông!

HỮU ĐỨC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết