10/08/2016 - 09:14

Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) là chương trình toàn diện, có ý nghĩa cả về kinh tế - chính trị - xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho cư dân nông thôn. Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chương trình, dù còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tiêu chí, cơ chế chính sách... nhưng bộ mặt nông thôn trên khắp cả nước đã thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nông thôn từng bước được nâng lên. Kết quả này một phần nhờ sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan có những chính sách tháo gỡ kịp thời…

 Qua chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng các xã nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển. (Trong ảnh: Trường Tiểu học Trường Xuân 1, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình có sự điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ và các hợp phần phù hợp tình hình mới. Theo Chương trình công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến hết năm 2016 cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); có 30-35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã của cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã. Để hoàn thành mục tiêu trên, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, rà soát, khẩn trương có văn bản hướng dẫn, đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp điều kiện thực tế tại các vùng, địa phương và đề xuất kiến nghị thực hiện các tiêu chí NTM trong thời gian tới. Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc khẩn trương thực hiện việc nghiên cứu đề xuất một số chính sách, cơ chế… đối với các vùng đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng NTM; rà soát, xây dựng tiêu chí NTM ở mức cao hơn cho các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2010-2015… để NTM phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, 6 tháng đầu năm 2016, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình và Kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành tiêu chí huyện NTM và quy định xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5-4-2016). Quy định về thành lập Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện đã trở thành một tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan và địa phương rà soát, điều chỉnh Bộ tiêu chí NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình. Chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng chính phủ…

Năm 2016 là năm "bản lề" thực hiện mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình xây dựng NTM. Các Bộ, ngành liên quan đã và đang xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016, như: ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020; ban hành quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020; quy định thành lập và sử dụng quỹ xây dựng NTM ở các địa phương; chỉ thị về nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM và tiêu chí xã NTM kiểu mẫu… Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình về bảo vệ môi trường cấp xã, nhất là xử lý rác thải phù hợp với từng vùng để rút kinh nghiệm, nhân rộng và đề xuất cơ chế chính sách…

Hy vọng với sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, các tiêu chí NTM dần được điều chỉnh, sửa đổi sát thực với từng vùng miền, khu vực; thật sự xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng. Từ đó, đưa Chương trình đi vào đời sống người dân và đúng ý nghĩa, mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Bài, ảnh: L. Mẫn

Chia sẻ bài viết